06/03/2021 08:40
Nông dân Võ Văn Luận chăm sóc ớt vụ đông - xuân 2021 trên phần đất được ông Trần Văn Sập cho mượn.
Có thể nói phong trào “nhường cơm sẻ áo” trong Hội đã tác động tích cực, phát huy tinh thần tình làng nghĩa xóm, chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng cùng chung tay chăm lo, hỗ trợ trong hội viên, nông dân để phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm và góp phần ổn định an ninh trật tự tại địa phương, thôn xóm…
Nông dân Võ Văn Luận, ấp Nhứt, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang phấn khởi cho biết: gia đình thuộc diện hộ khó khăn, chỉ có 0,4ha đất chuyên sản xuất lúa; do thửa đất nằm ở khu vực xa nhà, không có điện, nguồn nước nên chỉ làm được 02 vụ lúa bấp bênh, khi vào mùa khô (vụ đông-xuân) phải bỏ đất trống. Năm 2018, gia đình được ông Trần Văn Sập cùng ấp cho mượn 0,2ha đất để sản xuất 01 vụ màu mùa khô. Thửa đất trên được ông Sập đầu tư giếng khoan, kéo điện và lắp hệ thống ống tưới; hàng năm, gia đình trồng 01 vụ ớt trên diện tích đất mượn, mỗi vụ thu nhập từ 45-50 triệu đồng và góp phần giúp gia đình trang trải cuộc sống.
Thông tin từ Hội Nông dân huyện Cầu Ngang, phong trào hộ có đất cho hộ mượn đất canh tác đã được duy trì từ nhiều năm qua và được phát triển nhân rộng trong hội viên, nông dân. Trong năm 2020, toàn huyện có 28 hộ cho 30 hộ thiếu đất sản xuất mượn 8,7ha đất để sản xuất 01 vụ màu; tập trung nhiều ở các xã Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam, Thạnh Hòa Sơn, Hiệp Hòa…
Nói về phong trào Dân vận khéo trong mô hình hộ có điều kiện giúp hộ khó khăn mượn đất sản xuất trên địa bàn của mình, ông Dương Văn Đởm, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Long Bắc cho biết: đây mô hình có sức lan tỏa cao vì “người dân vận động người dân”; qua đó đã phát huy được sức dân trong việc giúp nhau, chia sẻ những khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, còn gắn kết tình làng nghĩa xóm cùng với chính quyền địa phương xây dựng thế trận an ninh nhân dân; trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với các ban, ngành, đoàn thể nâng cao công tác dân vận khéo trong mô hình “người dân vận động người dân” với nhiều lĩnh vực và đa ngành nghề, phù hợp với điều kiện của từng địa bàn khu dân cư gắn với XDNTM, chuyển đổi sản xuất, an ninh trật tự…
Còn tại xã Thạnh Hòa Sơn, địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống; thực hiện phong trào cho mượn đất canh tác đã có 08 hộ cho 10 hộ mượn đất canh tác, mỗi hộ mượn từ 0,2-0,5ha; trong đó có 100% là đồng bào Khmer. Được biết, ông Thạch Trí, Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Cầu Vĩ, xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang là một trong những người tiên phong của địa phương trong việc tự nguyện giúp cho các hộ khó khăn mượn đất canh tác từ nhiều năm qua. Không chỉ cho mượn đất canh tác, ông Trí còn tự nguyện hiến gần 500m2 đất để thi công tuyến đường đal trong nội đồng để chia sẻ cùng các hộ trong vùng có đường đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản.
Ông Trí chia sẻ: mình có đất mà không sản xuất lúa, bỏ trống thì lãng phí và cỏ dại dễ phát triển; thấy anh em khó khăn và có nhu cầu sản xuất, tôi sẵn sàng cho mượn ngay. Điển hình như gia đình ông Thạch Chí Cường cùng ấp đã 03 năm liên tục mượn 0,5ha đất lúa để sản xuất vụ màu đông-xuân. Trên phần đất này, gia đình đã đầu tư đóng giếng khoan và kéo điện, gần trục đường đal; rất thuận lợi cho việc trồng màu và vận chuyển hàng hóa sau thu hoạch.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Thời gian qua, hoạt động của HĐND, Thường trực, các ban HĐND đảm bảo đúng theo quy định, nội dung, phương thức, chất lượng ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình hoạt động vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực, các ban HĐND các cấp trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh đề ra một số giải pháp.