17/12/2023 17:13
Đoàn giám sát phong trào thi đua “Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương làm việc tại Trà Vinh hồi tháng 9/2023, đánh giá cao việc triển khai thực hiện và hiệu quả của phong trào thi đua này tại Trà Vinh.
Đến nay, theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác TĐKT trong tỉnh nói chung, có nhiều chuyển biến tích cực. Các phong trào thi đua yêu nước đã được các cấp, các ngành tổ chức phát động triển khai, thực hiện sâu rộng; nội dung, hình thức có đổi mới, bám sát thực tiễn, gắn kết chặt chẽ với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác khen thưởng thực hiện đúng theo quy định, phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của từng ngành, lĩnh vực, kịp thời động viên tập thể, cá nhân, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra.
Nhiều phong trào thi đua đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…có thể kể đến như phong trào thi đua “Trà Vinh cùng cả nước chung sức XDNTM giai đoạn 2021 - 2025”. Với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ tỉnh Trà Vinh và cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng hưởng ứng tích cực của Nhân dân, phong trào thi đua được phát động phù hợp với từng địa phương, đơn vị với nhiều mô hình thi đua thiết thực, hiệu quả: “Mỗi địa phương một sản phẩm”, “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; “Thắp sáng đường quê”... đã góp phần nâng cao chất lượng XDNTM; góp phần cho sản xuất phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng lên; cảnh quan môi trường khởi sắc theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp, an ninh trật tự được đảm bảo; hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường vững mạnh.
Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” với nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với thực tiễn, đã phát huy được sự sáng tạo của các địa phương, đơn vị, các tầng lớp nhân dân, huy động được các nguồn lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm đáng kể. Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 1,88% hộ nghèo, giảm 1,68% so với năm 2021 (tương đương giảm 4.803 hộ nghèo; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3,50%, tương đương giảm 3.240 hộ nghèo so với năm 2021).
Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” đã và đang tiếp tục tạo khí thế thi đua sôi nổi, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân trong đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu liền hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng huyện, thị xã, thành phố đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thực thi công vụ, trong đời sống xã hội. Đây được xác định là một trong những phong trào thi đua trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và Nhân dân, gắn với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.
Cùng với những kết quả đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế trong công tác TĐKT: một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức đến công tác TĐKT; tổ chức phong trào thi đua từng lúc còn hình thức; thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, đơn vị cấp tỉnh với cấp ủy địa phương; có trường hợp khen thưởng, hiệp y khen thưởng ở một số nơi chưa đúng theo quy định, thiếu khách quan, còn nể nang…
Để tăng cường công tác TĐKT góp phần thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tại Công văn số 770-CV/TU, ngày 13/11/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác TĐKT một cách đồng bộ, thống nhất từ cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội để xây dựng các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cấp và thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác tổ chức triển khai phong trào thi đua và công tác khen thưởng; quan tâm xây dựng tiêu chuẩn thi đua cụ thể, phù hợp cho mỗi loại hình tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Nội dung thi đua phải thiết thực, gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, địa phương (XDNTM, đô thị văn minh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế tập thể, xây dựng sản phẩm OCOP…). Thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng các mô hình, nhất là các mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mô hình thi đua “Dân vận khéo”… để có kế hoạch nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, hiệu quả cao. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tập trung về cơ sở, đảm bảo tính nêu gương, giáo dục trong khen thưởng.
Các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh trước khi xem xét khen thưởng đối với cấp dưới phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; lấy kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm theo phân cấp quản lý làm cơ sở để hiệp y đề nghị cấp trên khen thưởng, đảm bảo đúng thực chất, đúng theo quy định, tránh trường hợp nể nang, thiếu công bằng, không có tác dụng động viên đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Đặc biệt, đối với công tác khen thưởng, đảm bảo tính chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; chú trọng khen thưởng những tập thể nhỏ, cá nhân là công nhân, nông dân, người trực tiếp công tác, chiến đấu, sản xuất; các điển hình tiên tiến, nhân tố mới. Kiên quyết chống tiêu cực và bệnh hình thức, thành tích trong công tác TĐKT.
Bài, ảnh: HÀ THANH
Thời gian qua, hoạt động của HĐND, Thường trực, các ban HĐND đảm bảo đúng theo quy định, nội dung, phương thức, chất lượng ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình hoạt động vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực, các ban HĐND các cấp trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh đề ra một số giải pháp.