23/06/2021 13:01
Ông Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, phối hợp, phục vụ các hoạt động của HĐND tỉnh Trà Vinh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: KIM LOAN
Khoản 1, Điều 80 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: Kỳ họp thứ nhất của HĐND khóa mới được triệu tập chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày bầu cử đại biểu HĐND (chậm nhất là ngày 08/7/2021); đối với địa phương có bầu cử lại, bầu cử thêm đại biểu HĐND hoặc lùi ngày bầu cử thì thời hạn triệu tập kỳ họp thứ nhất được tính từ ngày bầu cử lại, bầu cử thêm. Theo Giấy mời số 102/GM-HĐND của Thường trực HĐND tỉnh “về việc triệu tập kỳ họp thứ nhất - HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026”, kỳ họp diễn ra trong hai ngày 24 và 25/6/2021, sau đó HĐND cấp huyện và cấp xã cũng sẽ tiến hành kỳ họp lần thứ nhất. Như vậy, các vị đại biểu HĐND các cấp được cử tri tín nhiệm sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình theo quy định của pháp luật. Đây là lúc Nhân dân và cử tri tỉnh nhà mong muốn, mỗi đại biểu phát huy vai trò, trách nhiệm của mình để thực hiện tốt nhất chương trình hành động và những cam kết trước cử tri.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu:“HĐND các cấp nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định…”. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động của kỳ họp của HĐND, cộng với hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, các ban, tổ đại biểu và đặc biệt là hoạt động của đại biểu HĐND.
Khoản 1, Điều 115 Hiến pháp năm 2013 quy định về vai trò và trách nhiệm của đại biểu HĐND: “Là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đại biểu HĐND có nhiệm vụ vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của HĐND, động viên Nhân dân tham gia quản lý nhà nước”.
Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cơ quan đại diện của Nhân dân ở địa phương là rất rộng, bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hoạt động của đại biểu HĐND là một trong những nhân tố quan trọng và quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn HĐND. Cùng với vị trí, vai trò quan trọng của mình, người đại biểu dân cử có trách nhiệm nặng nề mà cử tri và Nhân dân tin tưởng giao cho.
Kỳ họp là hình thức hoạt động quan trọng nhất của HĐND, Chỉ thị số 26-CT/TU, ngày 21/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa X) “về lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp” nêu rõ: “Đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị kỳ họp theo luật định. Tổ chức họp Tổ đại biểu HĐND trước kỳ họp để chuẩn bị các nội dung thảo luận, chất vấn, giám sát tại kỳ họp. Đại biểu HĐND phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, thực hiện tốt hoạt động chất vấn tại kỳ họp và giữa 02 kỳ họp Hội đồng nhân dân…. Các Ban HĐND thực hiện tốt chức năng thẩm tra, báo cáo thẩm tra phải thể hiện rõ tính phản biện, làm cơ sở cho đại biểu HĐND xem xét, thảo luận và quyết định các nội dung trình tại kỳ họp…”. Trách nhiệm đầu tiên và trước hết của đại biểu là tham dự đầy đủ các kỳ họp, phiên họp của HĐND nơi mình là đại biểu, tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp; nếu đại biểu HĐND không tham dự kỳ họp, phiên họp thì phải có lý do và phải báo cáo trước với người có trách nhiệm. Ngoài kỳ họp, đại biểu HĐND có trách nhiệm tham gia các hoạt động khác của Thường trực HĐND, Tổ đại biểu HĐND.
Đại biểu HĐND do cử tri bầu ra, là cầu nối giữa Nhân dân với Nhà nước. Do vậy, trách nhiệm của mỗi đại biểu là liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp như Chỉ thị số 26 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: “Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình tiếp xúc cử tri; ưu tiên tổ chức tiếp xúc cử tri ở những địa bàn có nhiều vấn đề bức xúc, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri để kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết; đề cao tinh thần, trách nhiệm trong việc trả lời, giải đáp ý kiến cử tri tại các cuộc tiếp xúc; xác định rõ trách nhiệm các ngành, các cấp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết kiến nghị của cử tri; theo dõi giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri”. Cùng với việc tiếp xúc với cử tri, mỗi đại biểu có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của pháp luật và Chỉ thị số 26 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: “Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận, nghiên cứu và kịp thời chuyển đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân kịp thời, đúng pháp luật”. Người có thẩm quyền giải quyết phải thông báo cho đại biểu về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trong thời hạn do pháp luật quy định. Nếu xét thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đúng pháp luật, đại biểu có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại; khi cần thiết, có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó giải quyết, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Khoản 2, Điều 115 Hiến pháp năm 2013 quy định: Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch và các Ủy viên UBND, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND. Người được chất vấn phải trả lời trước HĐND như Chỉ thị số 26 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu: “Hoạt động chất vấn phải bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai, có tính tranh luận, thẳng thắn, thể hiện được trách nhiệm của người đại biểu nhân dân trước cử tri, đồng thời nâng cao chất lượng việc chất vấn của đại biểu HĐND và việc trả lời chất vấn của người được chất vấn”. Đại biểu HĐND có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu. Đại biểu có quyền kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đại biểu có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, đại biểu có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
Làm đại biểu dân cử là rất vinh dự nhưng trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân cũng rất nặng nề. Phát huy tốt vai trò, thực hiện tốt trách nhiệm của đại biểu là nhân tố có ý nghĩa quyết định góp phần làm cho HĐND các cấp hoạt động có hiệu quả và thực chất. Trong cuộc bầu cử vừa qua, cử tri đã lựa chọn và bầu ra những người tiêu biểu nhất từ các ứng cử viên làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Đó là những người có năng lực, trình độ, hiểu biết, có kinh nghiệm, đồng thời có phẩm chất về chính trị, đạo đức lối sống. Nhân dân tin tưởng và kỳ vọng các đại biểu sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, thể hiện bản lĩnh chính trị dám nói, dám làm.
Bên cạnh những đại biểu tái cử đã có kinh nghiệm trong hoạt động của HĐND, thì số đại điểu mới trúng cử làm đại biểu HĐND lần đầu (cấp tỉnh là 63,27%; cấp huyện 52,26% và cấp xã 45,29% trong tổng số đại biểu của từng cấp), sẽ có những bỡ ngỡ, lúng túng trong hoạt động. Vì vậy, HĐND tỉnh cần phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đại biểu HĐND mới trúng cử, Đồng thời, từng đại điểu phải chủ động, tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm, thường xuyên tự nghiên cứu, học tập, rèn luyện, tăng cường trao đổi kinh nghiệm để nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động của người đại biểu dân cử. Đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách phải dành ít nhất một phần ba thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương như Chỉ thị số 26 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu. Như vậy, chắc chắn mỗi đại biểu sẽ thực hiện tốt trách nhiệm của mình, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân trong tỉnh.
TRẦN BÌNH TRỌNG
Thời gian qua, hoạt động của HĐND, Thường trực, các ban HĐND đảm bảo đúng theo quy định, nội dung, phương thức, chất lượng ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình hoạt động vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực, các ban HĐND các cấp trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh đề ra một số giải pháp.