20/06/2022 05:04
Tham gia thảo luận tại nghị trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước ngày 01/6, đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản phải gắn với quyền lợi của người sử dụng đất khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất.
“Khi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, người dân chịu mức thuế cao hơn, theo giá thị trường nhưng khi bị thu hồi đất, đền bù thì áp theo giá nhà nước dẫn đến những bất bình đẳng trong mối quan hệ này”, ông Bình nói và cho biết hiện không có cơ sở pháp lý rõ ràng để công nhận hoặc không công nhận mức giá kê khai trong hợp đồng công chứng là giá giao dịch thực tế.
Chính vì vậy, đã dẫn đến áp dụng các biện pháp để chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản ở các địa phương là không thống nhất, mỗi nơi, mỗi người áp dụng một kiểu.
Cũng tham gia phiên thảo luận trước Quốc hội ngày 01/6, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nêu, vừa qua có một số biểu hiện lệch lạc trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán như tại FLC, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm thiết bị y tế… do một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, không minh bạch thông tin, thao túng thị trường.
“Vấn đề là khi các cá nhân này rơi vào vòng lao lý lại kéo theo rất nhiều cán bộ quản lý chuyên ngành các lĩnh vực đó. Cử tri rất thắc mắc các cá nhân đó bằng cách nào mà vượt qua được các cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng như vậy. Trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường”, đại biểu Tạ Thị Yên nêu.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn trong phần tham gia thảo luận trước Quốc hội ngày 01/6 cho biết: “Trong thời gian qua, mặc dù Đảng, Nhà nước và xã hội đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng một bộ phận lớn công nhân lao động vẫn rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn trong và sau đại dịch.
Điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy có 5% người được hỏi chỉ được ăn thịt, cá khoảng 1, 2 lần một tuần, 34% cho biết chỉ ăn thịt, cá 3 lần một tuần, 41% chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản và thật xót xa khi còn nhiều người lao động không dám đi khám bệnh vì không có khả năng chi trả”.
Trong phần tham gia thảo luận trước Quốc hội ngày 01/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định bày tỏ, dịch bệnh ảnh hưởng lớn tới rất nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế - xã hội, nhưng ngành ảnh hưởng lớn nhất, hậu quả nặng nề là ngành y tế. Hệ thống y tế đã trải qua những giờ phút không thể nào quên, những thành công được xã hội ghi nhận. Những sai lầm đã phải trả giá theo đúng nguyên tắc công - tội phân minh.
Đại biểu cũng nêu vấn đề đặt ra là sau "cơn bão lớn", sự phục hồi và phát triển của ngành trụ cột trong an sinh xã hội sẽ diễn ra như thế nào? Không thể để những vi phạm xảy ra mà để cả hệ thống tê liệt. Theo ông Hiếu, để tìm được câu trả lời trên không hề dễ vì những vướng mắc đã kéo dài nhiều nhiệm kỳ, ai cũng nhận ra nhưng ngày càng nhiều hơn, phức tạp hơn.
"Những khó khăn trước đây như thu nhập nhân viên y tế, mua sắm trang thiết bị, vật tư thuốc men hiện nay không được cải thiện mà còn tệ hơn bao giờ hết. Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc men là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện công và tư. Gần đây có vị Bộ trưởng than phiền với tôi là đi mua viên Zinnat - loại kháng sinh rất thông dụng nhưng cũng không mua được ở các cửa hàng", ông Hiếu nói.
Thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 vào ngày 02/6, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh 02 vấn đề rất cần làm sáng tỏ.
Thứ nhất, có phải quy định của pháp luật còn kẽ hở, dễ bị lợi dụng hay quy định pháp luật còn thiếu tính răn đe dẫn đến hàng loạt cán bộ y tế vi phạm. "Các cán bộ này ở nhiều địa phương khác nhau và cả ở trung ương, nhưng có sai phạm giống nhau. Nếu thực sự như thế ngoài ngành y còn bao nhiêu Việt Á đã và đang len lỏi sâu trong các gói thầu của các ngành khác?", ông Tuấn đặt vấn đề.
Thứ hai, theo ông Tuấn, cần làm rõ Công ty Việt Á là ai, tại sao lại có quyền lực chi phối và sức ảnh hưởng lớn như vậy?
Từ hai vấn đề nêu trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương rà soát, chỉnh sửa các quy định của pháp luật liên quan. Ông cũng cho biết, rất may Bộ Công an, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã kịp thời phát hiện, vào cuộc quyết liệt để xử lý hành vi tha hóa, biến chất ấy.
Tại Phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vào sáng 08/6, ĐBQH Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, ông "rất ngạc nhiên" khi Bộ trưởng Bộ Tài chính nói nhà nước chỉ thẩm định giá với loại sách mua bằng tiền ngân sách nhà nước.
"Tôi xin thưa, tiền của người dân, nhất là dân nghèo cũng rất quý", ông Nguyễn Anh Trí nói và cho rằng, nên cần sớm đưa sách giáo khoa vào loại hàng hóa đặc biệt, cần thẩm định giá và nhà nước trợ giá cho học sinh vùng khó khăn càng sớm càng tốt.
Tham gia thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) ngày 13/6, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với thực tế công tác tại TP Hồ Chí Minh trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm, bà nhận thấy rằng trong thanh tra phải có các hình thức vừa theo kế hoạch, đồng thời là phải phát huy đột xuất và thực ra trong những lĩnh vực có nhiều vi phạm kéo dài hàng năm liền, luôn luôn bị dư luận xã hội nhìn vào để thấy hiệu quả công tác thanh tra.
"Tại sao tất cả những báo cáo của thanh tra tỷ lệ phát hiện vi phạm rất thấp? Chính là vì cách thanh tra theo kế hoạch. Khi thanh tra theo kế hoạch lại còn báo trước nữa, người ta sẽ chuẩn bị hết vở sạch chữ đẹp để đón tiếp Đoàn thanh tra và tôi nói thẳng với đội ngũ thanh tra của chúng tôi, đó là chúng ta phải phát huy tất cả những mặt mạnh, đặc biệt là trong phát hiện sai phạm thông tin từ quần chúng, đặc biệt là từ báo chí và khi làm thì phải bất ngờ, như vậy mới thực sự nắm được trên thực tế ra làm sao", đại biểu nêu rõ.
Ngày 14/6, nêu ý kiến thảo luận về dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Phạm văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề cập đến quy định về hành vi bạo lực gia đình trong dự thảo. Theo đại biểu, dự thảo quy định “có thừa nhưng cũng có thiếu”.
“Đài phát thanh thì họ phát thanh có giờ, có giấc. Nhưng đài “phát thanh” gia đình thì phát thanh không giờ, không giấc, thậm chí nửa đêm cũng phát thanh. Tôi nghĩ hành vi như vậy có phải bạo lực gia đình về mặt tinh thần hay không?”, ông Hòa đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu.
Cũng tham gia góp ý về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) ngày 14/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, văn hóa gia đình cần được định hướng phù hợp với văn hóa quốc gia, đó là văn hóa gia đình cũng phải giữ gìn truyền thống tốt đẹp, tiếp thu có chọn lọc văn hóa tốt đẹp của thế giới và áp dụng lối sống văn minh.
"Giữ gìn truyền thống tốt đẹp, tôi ví dụ tổ ấm phải có bàn tay phụ nữ, bình đẳng không phải là cố gắng để ngang tài ngang sức mà là đảm bảo vai trò, cơ hội phát triển và thụ hưởng như nhau về thành quả. Phụ nữ có lúc quên mất sức mạnh lớn nhất của mình và theo mình cả đời để giữ gìn gia đình, đó là sự dịu dàng. Đôi khi họ cố gắng thật nhiều để có những năng lực khác nhưng bù lại không được như kết quả mà sự dịu dàng mang lại cho gia đình", ông Cảnh nói.
Đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cũng vào ngày 14/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh, một tiếng kêu cứu của trẻ em, dù bất cứ nơi đâu cũng đều thuộc trách nhiệm của tất cả chúng ta và để việc vào cuộc không bao giờ muộn, trước hết pháp luật phải rõ ràng về trách nhiệm và đầy đủ các biện pháp khả thi và các biện pháp bảo vệ trẻ em cần được quy định mức độ cao hơn và sớm hơn. Do đó, đại biểu kiến nghị 3 giải pháp:
Một là, kiến nghị rà soát để khắc phục những khoảng trống bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và trong Luật trẻ em.
Thứ hai, kiến nghị bổ sung các biện pháp đặc thù để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.
Thứ ba, kiến nghị đối với biện pháp cấm tiếp xúc, đề nghị áp dụng cả đối với trường hợp bạo hành trẻ em trong thời gian chờ Chủ tịch UBND xã, cấp xã lập hồ sơ để đề nghị cơ quan tư pháp có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm thời cách ly trẻ khỏi gia đình.
Theo Nhà báo và Công luận
Sáng 24/11 tại thủ đô Phnom Penh, trước khi khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các Trưởng đoàn đã chào xã giao Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Techo Hun Sen; Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary, Chủ tịch Phiên họp lần thứ 11 của IPTP và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.