24/12/2022 17:28
Đồng chí Trần Thanh Lâm báo cáo tại hội nghị.
Các đồng chí chủ trì Hội nghị: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trong bối cảnh năm 2022, bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tình hình thực tiễn đất nước, công tác báo chí đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là:
Thứ nhất, nổi bật trong năm 2022, thông tin trên báo chí thể hiện rõ nét hơn vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước góp phần tạo sự đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; các nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương lần thứ 5 và 6; các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng trong cả nước; các kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ, Quốc hội….
Thứ hai, thông tin, tuyên truyền đậm nét, có chiều sâu những chỉ đạo, điều hành của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, thực thi pháp luật; của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19; đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường, có chiều sâu. Phân tích, nêu bật kết quả các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước được đẩy mạnh, tạo thành phong trào, là một điểm sáng trong năm 2022. Công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch tiếp tục được duy trì với nhiều hình thức, nội dung thông tin phong phú, sắc nét.
Thứ ba, các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan hội tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành và chủ động ban hành các văn bản nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động, phát triển, đồng thời có những quy định về xử lý nghiêm minh các sai phạm trong hoạt động báo chí: Sửa đổi Quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí; ban hành Kế hoạch về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay; ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí; chiến lược chuyển đổi số báo chí; ban Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa, cấp hội văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam.
Công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động báo chí tiếp tục được tiến hành một cách bài bản, quyết liệt, giữ kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động báo chí. Năm 2022 đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1,873 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng đối với 2 cơ quan báo chí, thu hồi thẻ nhà báo đối với 1 tổng biên tập báo. Những giải pháp trên đang tạo ra sự chuyển biến rất cơ bản và tích cực trong hoạt động báo chí.
Thứ tư, nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại đưa thông tin lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận cho người dân; thực hiện chuyển đổi số báo chí.
Để báo chí thực sự “cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận để báo chí phát huy tốt nhất vai trò, sứ mệnh của mình trong thời gian tới để báo chí thực sự “chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”; đặc biệt là trong bối cảnh chuẩn bị tổ chức các hoạt động hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Trong đó, tập trung vào một số nội dung như:
Thứ nhất, việc tuyên truyền các nghị quyết, kết luận, các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến, được coi là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung này thiếu sinh động trong nội dung và cách thức thông tin. Nhiều cơ quan báo chí thường chỉ đưa, trích đưa một số nội dung các nghị quyết, kết luận, hay gọi là “báo hóa” nghị quyết. Vậy làm thế nào, phương thức nào để việc thông tin, tuyên truyền các nội dung này một cách phong phú, sinh động, để người đọc, người xem dễ tiếp cận, dễ tiếp thu, dễ hiểu, dễ làm theo là trách nhiệm của các cơ quan báo chí? Trong khi vẫn có những báo (như báo Nhân Dân) có rất nhiều đổi mới, sáng tạo trong cách thông tin, tuyên truyền về các nghị quyết, kết luận của Đảng trong thời gian qua.
Thứ hai, chuyển đổi số báo chí là một xu hướng tất yếu, nhu cầu tự thân, không thể đảo ngược. Chúng ta sẽ bị tụt hậu, đào thải nếu không có những quyết tâm thay đổi mạnh mẽ về phương thức làm báo hiện đại. Nhưng làm thế nào để chuyển đổi số báo chí thành công không phải là điều dễ dàng. Từ nhận thức đến hành động thực tiễn là cả một quá trình đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan báo chí. Tôi đề nghị các đồng chí, từ kinh nghiệm thực tiễn của cơ quan mình, đề xuất những giải pháp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số báo chí.
Thứ ba, liên kết trong hoạt động báo chí là một trong những giải pháp để tăng nguồn thu, huy động được các nguồn lực xã hội, tạo nên những sản phẩm báo chí thực sự chất lượng. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động liên kết có những dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về báo chí. Không ít các cơ quan báo chí, do buông lỏng quản lý hoạt động liên kết, nên bị đối tác chi phối nội dung thông tin, lịch phát sóng; sản xuất và phát sóng, xuất bản nhiều sản phẩm báo chí thiếu tính định hướng, thiếu tính giáo dục và nhân văn. Đây là một biểu hiện của “tư nhân hóa báo chí”. Làm thế nào để xử lý mối quan hệ giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị với đáp ứng nhu cầu độc giả? Làm thế nào để nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, tăng nguồn thu đồng thời trên cơ sở đó quay lại đầu tư cho nội dung tuyên truyền nhiệm vụ chính trị là vấn đề khó, cần có giải pháp tháo gỡ.
Thứ tư, lâu nay công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa được các cơ quan báo chí quan tâm triển khai. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều sản phẩm báo chí về văn hóa thật sự chất lượng và có chiều sâu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Tuyên truyền về văn hóa chưa thực sự tương xứng với tuyên truyền về kinh tế, chính trị, xã hội.
Báo chí, truyền thông cần nhìn nhận đúng trách nhiệm của mình trong công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa để khắc phục hạn chế này. Chúng ta phải có giải pháp để thông tin, tuyên truyền hiệu quả đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về văn hóa; về 06 nhiệm vụ và 04 nhóm giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Tháng 6/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân dân đã tổ chức Lễ phát động xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí. Vậy để xây dựng và phát triển môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, xây dựng đội ngũ những cây bút nhân văn, tử tế để có những sản phẩm báo chí văn hóa, để nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa chúng ta cần làm những gì ?
Thứ năm, năm 2022 là năm mà công tác chấn chỉnh xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường, đạt được những tín hiệu tích cực bước đầu. Việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc xử lý sai phạm về hoạt động báo chí trên địa bàn đã được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, việc áp dụng, thực thi quy định này ở các địa phương còn thiếu thống nhất. Có địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, có địa phương vẫn còn nể nang, e dè, thậm chí đùn đẩy việc xử lý sai phạm lên cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí ở Trung ương đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương.
Thứ sáu, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 là chủ trương lớn, quan trọng, tác động mạnh mẽ đối với hoạt động báo chí. Về cơ bản, công tác sắp xếp quy hoạch đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1. Đánh giá kết quả sắp xếp; chỉ ra những vấn đề cần quan tâm, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sắp xếp giai đoạn 1 để có cơ sở triển khai hiệu quả việc thực hiện quy hoạch báo chí là việc làm rất cần thiết.
6 sứ mệnh của báo chí cách mạng việt nam trong năm 2023 và thời gian tới
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao với những kết quả mà các cơ quan báo chí đã đạt được trong năm 2022. Với những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Việt Nam là một điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế của khu vực và thế giới, là quốc gia có tình hình chính trị ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi. Trong bối cảnh đó, các cơ quan báo chí và những người làm báo cả nước đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát định hướng chính trị, nắm bắt thực tiễn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao
Với mục tiêu xây dựng “nền báo chí, truyền thông cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; khẳng định vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, tác động đến mục tiêu, lý tưởng, lẽ sống, động cơ…, làm thay đổi nhận thức và hành động của cá nhân, đồngg chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu, trong năm 2023 và trong thời gian tới, báo chí cách mạng Việt Nam phải thực hiện 6 sứ mệnh cụ thể như sau:
THỨ NHẤT, làm tốt hơn nữa chức năng định hướng tư tưởng, nội dung này báo chí đã làm tốt rồi, cần phải làm tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác tuyên truyền và cách mạng.
THỨ HAI, từ thực tiễn phong phú, có sự phản ánh sinh động, có trọng tâm, trọng điểm, báo chí đi sâu vào những điểm mới, điểm khó, vùng sâu vùng xa để đồng hành cùng dân tộc, cùng đất nước và kiều bào ta ở nước ngoài.
THỨ BA, báo chí cần phát huy dân chủ kỷ cương, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích dân tộc, tôn vinh sự nhân văn, chân - thiện - mỹ, tôn vinh sự sáng tao của nhân dân ta trong thời kỳ mới, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
THỨ TƯ, nhận thức đầy đủ hơn về chức năng phản biện xã hội. Bởi chỉ có phản biện đúng, trúng mới đưa được đường lối của Đảng vào thực tiễn, để đưa ý đảng đến gần dân hơn; đồng thời, chống lại những tư tưởng sai trái, những suy thoái về tư tưởng, đạo đức... Mặt khác, báo chí cũng cần tỉnh táo, kiên định để thực hiện mục tiêu phản biện xã hội.
THỨ NĂM, báo chí cần tiếp tục thể hiện vai trò bảo vệ nền tảng tư tưởng xã hội, định hướng xã hội chủ nghĩa.
THỨ SÁU, báo chí phải là lực lượng đồng hành, tiên phong hơn nữa trong nhiệm vụ tuyên truyền thông tin, đối ngoại.
Với những sứ mệnh đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý, cần tập trung vào một số nhiệm vụ, đó là: Quán triệt tốt Đề án kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Đề án này nhằm nhìn lại lịch sử 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam; trách nhiệm của Báo chí Việt Nam với đất nước trong thời gian tới... gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cần rà soát, đánh giá làm tốt hơn công tác quy hoạch, quản lý báo chí, xuất bản, gắn với tổng thể sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết thực hiện sắp xếp bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả. Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến báo chí, trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan, địa phương đồng tình, phối hợp thực hiện .
Trong thời gian tới, các cơ quan báo chí cần phải quan tâm đến nguồn lực con người báo chí; nguồn lực đầu tư ứng dụng công nghệ và nguồn lực tài chính ngân sách. Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, những nguồn lực này có vài trò quan trọng để phát triển hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, nhằm tiếp nối truyền thống làm báo cách mạng của cha ông.
Tập trung xây dựng các tổ chức đảng trong cơ quan báo chí, với tinh thần chung là chấp hành đường của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Báo chí tiếp tục phải đồng hành với mục tiêu khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường thông qua học tập, giáo dục.
Theo BTGTW
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.