17/11/2024 18:49
Chủ tịch nước Lương Cường tại Hội nghị các Nhà Lãnh đạo các nền kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 31.
Thưa Bà Đi-na Bô-lu-a-tê, Tổng thống nước CH Pê-ru, Chủ tọa Hội nghị,
Thưa các vị Lãnh đạo các nền kinh tế APEC,
Thưa Bà Crít-xta-li-na Gio-gie-va, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế,
Thưa các Quý vị,
Trước hết, tôi chúc mừng Bà Tổng thống Cộng hòa Pê-ru đã lãnh đạo Năm APEC 2024 “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng” thành công toàn diện, khẳng định tầm nhìn và vai trò quan trọng của Pê-ru đối với Diễn đàn. Tôi cũng chia sẻ nhận định của Bà Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế về tình hình kinh tế khu vực và toàn cầu.
Bức tranh kinh tế toàn cầu tuy còn nhiều “Mảng tối”, khó khăn, thách thức nhưng vẫn nổi lên không ít “Vùng sáng” của thời cơ, vận hội: Thứ nhất, xung đột địa chính trị, căng thẳng thương mại và bất ổn vĩ mô làm giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu, song các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định, tiếp tục là đầu tàu, là động lực tăng trưởng của thế giới. Thứ hai, chủ nghĩa bảo hộ, đứt gãy chuỗi cung ứng, phân mảnh, phân cực đang gia tăng, song nhu cầu hợp tác, liên kết kinh tế quốc vẫn rất mạnh mẽ. Thứ ba, khoảng cách phát triển và các vấn đề môi trường toàn cầu tiếp tục là những thách thức hàng đầu, tuy nhiên sự phát triển của các công nghệ đột phá, xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ngày càng sâu rộng và toàn diện, đang mang đến nhiều giải pháp sáng tạo và cơ hội hợp tác.
Trong bối cảnh đó, để phát huy hơn nữa vai trò và đóng góp của APEC, tôi xin gợi mở một số định hướng lớn như sau:
Một là, tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, củng cố hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ. Kiến tạo và duy trì các liên kết kinh tế thông suốt. Tạo thuận lợi hơn nữa cho dòng chảy tài chính, công nghệ, tri thức và lao động xuyên biên giới. Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng có sức chống chịu cao, bền vững, gắn với đẩy nhanh hiện thực hóa Tầm nhìn về Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương.
Hai là, đẩy mạnh các chương trình hợp tác, sáng kiến về tăng trưởng bao trùm, công nghệ bao trùm. Lấy người dân làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Ưu tiên các giải pháp thu hẹp khoảng cách số, hỗ trợ các cộng đồng yếu thế ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các công nghệ số và thành quả của đổi mới sáng tạo. Đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng xanh, hạ tầng số, hợp tác chia sẻ ứng dụng công nghệ mới trong xử lý các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậu.
Ba là, không ngừng nâng cao năng lực thể chế và quản trị toàn cầu. Đẩy mạnh cải cách cơ cấu, hoàn thiện thể chế của APEC theo hướng tinh gọn, năng động, thích ứng, đón đầu, sẵn sàng kiến tạo các động lực tăng trưởng mới. Mở rộng các dự án hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cho các nền kinh tế đang phát triển. Khuyến khích sự tham gia, đóng góp sâu rộng của doanh nghiệp và người dân - những chủ thể, mục tiêu và trung tâm của hợp tác APEC. Trên tinh thần đó, Việt Nam đang tích cực cùng với các thành viên khẩn trương xây dựng Chương trình cải cách cơ cấu mới của APEC giai đoạn 2026 - 2030 nhằm năng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của APEC.
Thưa Quý vị,
Trong 35 năm qua, APEC luôn khẳng định vai trò không thể thiếu trong cấu trúc hợp tác khu vực, gắn kết các trung tâm kinh tế - công nghệ thế giới và đi đầu trong tận dụng các xu thế phát triển của thời đại, vì lợi ích của tất cả người dân. Các văn kiện được thông qua tại Hội nghị cấp cao lần này, trong đó có các sáng kiến của chủ nhà Pê-ru, tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ của các nền kinh tế APEC cùng nhau ứng phó hiệu quả với các thách thức chung, nắm bắt vận hội mới, định hướng các dòng chảy hợp tác và liên kết khu vực, toàn cầu.
Là thành viên tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các thành viên APEC triển khai hiệu quả các định hướng và tầm nhìn của APEC. Trên cơ sở thành tựu của các năm APEC đi trước, Việt Nam sẽ chuẩn bị chu đáo cho Năm APEC 2027, hướng đến một châu Á - Thái Bình Dương hoà bình, thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm[1].
Xin trân trọng cảm ơn.
[1] Chủ đề năm APEC 2024 của Peru “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng” có ý nghĩa như sau:
Trao quyền hàm ý: nâng cao năng lực, tạo cơ hội cho các thành phần xã hội, nhất là các nhóm yếu thế, được tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội, quá trình chuyển đổi số, và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế chính thức.
Bao trùm hàm ý: mọi người dân đều được tham gia và hưởng lợi từ quá trình đổi mới, chuyển đổi số và tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng hàm ý: khẳng định rằng mục tiêu của hoạt động kinh tế, thương mại đầu tư nói chung, và hợp tác APEC nói riêng đều phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế chính thức: là một phần của nền kinh tế quốc gia, bao gồm các doanh nghiệp được đăng ký chính thức, đóng thuế, cấp phép và quản lý.
Tăng trưởng bao trùm: hàm ý (i) bảo đảm mọi người dân và ngành nghề đều được tham gia đều có cơ hội để phát triển; (ii) Mọi người dân và mọi ngành nghề đều được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng kinh tế.
Công nghệ bao trùm: đây là khái niệm với ý nghĩa phát triển và ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả, mở rộng ứng dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực và phục vụ mọi thành phần xã hội, nhất là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương.
Theo dangcongsan.vn
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.