21/10/2021 19:02
Trước phong trào đánh địch sôi sục đó, thì rõ ràng, tình trạng thiếu vũ khí là một mối quan tâm lớn đối với lãnh đạo, các đơn vị lực lượng vũ trang và đồng bào các tỉnh Nam Bộ. Các địa phương tích cực sản xuất vũ khí thô sơ, hoặc đánh địch thu vũ khí tự trang bị, nhưng cũng không đáp ứng được.
Đang làm nhiệm vụ Bí thư Chi bộ xã Hiệp Thạnh (vào khoảng giữa tháng 6/1961) đồng chí Nguyễn Văn Inh (Ba Inh) nhận được mật lệnh từ đồng chí Trần Văn Long (Mười Dài) - Bí Thư Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định rút đi thành lập đoàn công tác đặc biệt bí mật. Do đây là đặc vụ bí mật nên lệnh rút Ba Inh chỉ có đồng chí Mười Dài và một, hai đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh trực tiếp lo công việc này biết. Huyện ủy Cầu Ngang, Chi ủy xã Hiệp Thạnh lúc bấy giờ chỉ được phổ biến nhiệm vụ cử người thay đồng chí Ba Inh làm Bí thư Chi bộ Hiệp Thạnh. Kể cả vợ Ba Inh lúc đó đã là Chi ủy viên trong Chi ủy Hiệp Thạnh cũng chỉ biết chồng mình được cấp trên rút đi xa! Cho đến cả bà Bùi Thị Sở (Má Hai Sở) - Người được Huyện ủy phân công giữ chức vụ Bí thư Chi bộ Hiệp Thạnh thay cho Ba Inh, cũng không hiểu vì sao Ba Inh lại được cấp trên rút đi đột ngột và bí ẩn như vậy.
Ba Inh được cấp trên rút đi đột ngột và bí ẩn mới mấy ngày thì Bộ Tư lệnh vùng IV chiến thuật quân đội Việt Nam cộng hòa mở cuộc hành quân quy mô lớn mang tên “Đóng đa” kéo dài nhiều ngày, nhằm cay cú trả đũa bởi thất bại của chúng ở vàm Láng Nước, bị du kích hai xã Hiệp Thạnh và Trường Long Hòa chặn đánh nhận chìm đoàn xà lang chở vật tư xây dựng sân máy bay Long Toàn. Cuộc hành quân này chúng đã quần nát các vùng căn cứ bí mật của ta trong các khu rừng Duyên Hải.
Trong khi đó thì tại một khu rừng thâm u khác của xã Long Vĩnh lúc đó, Ba Inh được biết đoàn công tác đặc biệt bí mật do Tỉnh ủy Trà Vinh thành lập có 06 người gồm: ông Lê Văn Lòng (Hai Pháp - Bí thư Chi bộ Đảng xã Long Vĩnh); ông Trần Văn Khương (Tám Khương - đảng viên Chi bộ Đảng xã Trường Long Hoà); ông Nguyễn Văn Inh (Ba Inh - Bí thư Chi bộ Đảng xã Hiệp Thạnh) và 03 người ngoài Đảng là ông Trần Văn Mao (Ba Mao), ông Nguyễn Văn Chậm (Hai Lẹ) và ông Ngô Văn Tôi. Đồng chí Hai Pháp được đồng chí Mười Dài thay mặt Tỉnh ủy giao nhiệm vụ Bí thư Chi bộ đoàn. Ba Inh được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ Thuyền trưởng.
Ba Inh đoán biết nhiệm vụ đặc biệt bí mật của mình có thể sẽ tiếp tục chỉ huy một con tàu trên một chuyến hải trình nào đó như lúc ông còn công tác trong đoàn vận tải Chi đội 14 - Bộ tư lệnh Nam Bộ thời kháng chiến chống Pháp.
Thay mặt đoàn, Thuyền trưởng Ba Inh được đồng chí Mười Dài giao một chiếc tàu cây không số hiệu, có trọng tải 15 tấn, được mua với giá 84.000 đồng tiền Sài Gòn lúc đó. Phương tiện và dụng cụ trang bị trên tàu lúc đó chỉ có một ít gạo, nước uống, một chiếc radio nhỏ để theo dõi thời tiết, một tấm bản đồ cắt ra từ sách giáo khoa của học sinh và… một cánh buồm.
Nhận tàu xong, Hai Pháp, Ba Inh và Tám Khương là đảng viên nên được đồng chí Mười Dài phổ biến nhiệm vụ trước: các anh có nhiệm vụ bí mật mở đường đi miền Bắc bằng đường biển vận chuyển vũ khí về cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Mỗi người trong đoàn đi không mang theo giấy tờ tùy thân và chỉ được phổ biến nhiệm vụ cụ thể vào giờ chót để bảo vệ bí mật cho con đường.
Chiều tối ngày 03/8/1961 tàu Ba Inh tách bờ biển Trà Vinh tại vàm Khâu Lầu. Khi tàu xa bờ, ba người còn lại trong đoàn mới chính thức được phổ biến nhiệm vụ.
Trong khi ở Hoa Kỳ, chính quyền Washington ráo riết triển khai các kế hoạch tăng cường viện trợ tài chính và quân sự cho chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam thực thi chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, thì lãnh đạo cách mạng miền Nam cũng bí mật mở con đường trên Biển Đông vận chuyển vũ khí từ miền Bắc về cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ.
Tôi là người may mắn được cùng Nhà văn Nguyên Ngọc, nghe ông Ba Inh kể cho nghe về chuyến công tác “đặc vụ bí mật” này, lúc sinh thời - ông nói:
- Chuyến đi hết sức phiêu lưu và nguy hiểm về nhiều mặt. Cả 06 người trên tàu đều chưa có ai từng đi miền Bắc bao giờ. Nhưng do yêu cầu của chiến trường miền Nam đánh Mỹ hết sức cấp bách, nên chúng tôi sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm thề sống chết có nhau. Như anh biết, con người ta chưa có lúc nào gắn bó với nhau bằng lúc cùng chung một cảnh gian nan, nguy hiểm. Để bảo vệ bí mật con đường, chúng tôi đi bằng một con tàu không mang số. Người trên tàu không mang theo giấy tờ tùy thân. Tên thật của mỗi người cũng phải đổi thành bí danh mới. Chi bộ chúng tôi đề nghị đổi tên 06 đồng đội trên tàu thành một khẩu hiệu hành động cách mạng từ gợi ý của anh Mười Dài - Bí thư Tỉnh ủy.
Câu khẩu hiệu được chọn để đổi tên cho 06 đồng đội chúng tôi là Đoàn, Kết, Đấu, Tranh, Thắng, Lợi. Mỗi người chúng tôi tự tay bắt thăm để nhận tên mình - Kết quả được: anh Ba Mao (người ngoài Đảng): Ba Đoàn; anh Tám Khương (đảng viên): Tư Kết; anh Hai Lẹ (người ngoài Đảng): Năm Đấu; anh Hai Pháp (Bí thư Chi bộ): Sáu Tranh; Ba Inh (Phó Bí thư Chi bộ -Thuyền trưởng): Bảy Thắng; anh Tôi (người ngoài Đảng): Tám Lợi.
Chính tôi tự tay bắt thăm nhận tên mình, nhưng khi gặp phải tên Thắng, tôi từ chối với đồng đội.
- Con tôi (thằng em kế của Hồ Duyên Hải), tên Hồ Quyết Thắng. Tôi lại tên Thắng nữa, làm sao được.
Các anh trên tàu đồng thanh hoan hô:
- Cha Thắng, con Thắng! Tất cả chúng ta đều thắng. Tốt chớ sao lại từ chối.
Tôi sung sướng nhận tên mình. Thế là từ đó, tên Nguyễn Văn Inh của tôi lại được thay tên Thắng và ghép với họ khai sinh- Hồ Đức Thắng. Từ đó, với đồng đội trên tàu tôi có bí danh mới - Bảy Thắng
Sau 09 ngày lênh đênh trên biển, tàu chúng tôi gặp phải cơn bão lớn hết sức nguy hiểm vùng tàu đang đi. Buồm của tàu bị gió đánh te tua. Tàu không còn định hướng được nữa. Gạo, nước ngọt dự trữ cũng không còn. Mai mà tàu không chìm. Chúng tôi quyết định cho tàu “xiêu” để còn định hướng.
Sau ba ngày bão tan, trong màn đêm đen kịt, tàu chúng tôi phát hiện phía trước có một vùng trời đang sáng đèn. Không cần biết đó là đâu, bản năng sinh tồn của con người mách bảo bằng mọi giá phải vào cho được nơi đó. Nếu như đó là Hà Nội hay Hải Phòng thì hạnh phúc biết bao.
Sau 12 ngày lênh đênh trên biển, tàu chúng tôi cặp vào một thành phố hoàn toàn xa lạ nhưng rất sầm uất. Tàu của một đoàn thủy thủ Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thời kỳ đó, đến một thành phố mà chúng tôi hoàn toàn không hiểu biết ngôn ngữ của người địa phương, không biết chữ nghĩa của họ treo bên đường, thật là vất vả và nguy hiểm. Tại đây chúng tôi được chính quyền đương cục mời vào. Chúng tôi khai là tàu từ Sài Gòn đi buôn, gặp bão bị "xiêu". Chúng tôi được Công an và chính quyền địa phương thành phố này giúp đỡ lương thực, nước uống, cho vá lại buồm để về Sài Gòn. Nhờ việc được phép lên bờ vá buồm, tôi gạ bán chiếc đồng hồ đeo tay để được xem đồng tiền của họ. Nhờ được xem đồng tiền tôi biết tàu mình đã xiêu lạc vào thành phố Ma-Cao.
Rời thành phố Ma-Cao tàu chúng tôi ra biển vào một buổi sáng theo sự hướng dẫn của Công an địa phương. Bây giờ kể lại cho anh nghe, tôi có cảm giác như mình đang trong thời cầm lái con tàu vậy:
Xa bờ, tôi mở buồm lèo 1 phân 3 chật, trực chỉ Hồng Kông để đánh lạc hướng sự chú ý của Công an địa phương thành phố Ma-Cao. Tối đến, tôi mở buồm lèo 1 phân 3 rộng, trực chỉ Trung Quốc. Tàu chúng tôi được cặp vào bờ biển lục địa Trung Quốc. Ở đây, Công an và chính quyền địa phương giúp chúng tôi gặp được Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh. Đoàn thủy thủ chúng tôi được đưa về Hà Nội bằng đường bộ qua cửa khẩu Bằng Tường. Sau khi về đến Hà Nội, Đoàn chúng tôi được giữ lại ở miền Bắc, được đi học văn hóa, học nghề hàng hải.
Đến tháng 10 năm 1962, Trung ương Đảng cấp cho chúng tôi một chiếc tàu sắt, trọng tải 55 tấn có trang bị đầy đủ phương tiện hàng hải và vũ khí bảo vệ, cùng với đoàn thủy thủ được bổ sung, chở hơn 50 tấn vũ khí về Nam, cặp bến Vàm Lũng vùng căn cứ Cà Mau an toàn.
Chuyến thứ hai trở ra miền Bắc bằng tàu trọng tải 55 tấn và được cấp tàu có trọng tải 100 tấn, tiếp tục chở vũ khí về miền Nam. Đến chuyến thứ năm tôi trở về đúng bến Trà Vinh. Tới bến cất hàng, giấu tàu xong xuôi, chúng tôi rút vào rừng nghỉ một tuần mà không ai được phép tiết lộ bí mật này với gia đình và người thân. Đến chuyến thứ chín, cuối năm 1964, tôi lại được trở về bến Trà Vinh. Chính chuyến này tôi được tổ chức bí mật cho gặp vợ tôi tại một địa điểm cũng vô cùng bí mật do đơn vị bố trí.
Sau gần 04 năm tôi đi biệt tích, chồng vợ mới được gặp nhau, chúng tôi đã trút tất cả cho nhau biết bao là nhung nhớ. Và cũng chính chuyến gặp gỡ này, một đứa con nữa của vợ chồng tôi trong khói lửa chiến tranh đã cất tiếng khóc chào đời... Để đảm bảo an toàn bí mật cho tôi và cho con đường, chuyến gặp chồng lần này, vợ tôi mặc dù đã mang thai nhưng cũng phải chịu “mang tiếng xấu”, giữ bí mật con đường cho chồng, cho cách mạng, cho đến ngày giải phóng miền Nam!...
Mười ba năm (1961 - 1973) hoạt động trên “Đường Hồ Chí Minh trên biển” huyền thoại, Bảy Thắng cùng đồng đội đã có đúng 32 chuyến đi về trên đường biển Bắc - Nam. Trải qua biết bao sóng gió hiểm nguy, ông đã cùng đồng đội đơn vị tàu hải quân 55 thuộc Đoàn 125 Hải quân Việt Nam đã vận chuyển cập bến an toàn 16 chuyến hàng từ miến Bắc đưa về chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ bằng những con tàu không số.
Trong tất cả các chuyến tàu trên “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đều có một yếu tố chấp nhận hy sinh là: sẵn sàng cho nổ tung tàu khi bị địch phát hiện. Từ chiến công vẻ vang đó, trong Đại hội liên hoan anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc được tổ chức ở Hà Nội đầu năm 1967, ông - Thượng úy Hồ Đức Thắng - Chính trị viên trưởng đơn vị tàu 55 thuộc Đoàn 125 Hải quân Việt Nam vinh dự được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh ký quyết định tuyên dương danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân!
Bí thư Chi bộ đơn vị tàu không số Bến Trà Vinh- Liệt sĩ Lê Văn Lòng (Hai Pháp - Sáu Tranh), được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Kể cho tôi ghi chép về cuộc đời binh nghiệp đầy sóng gió của mình, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đức Thắng cẩn thận nhắc tôi:
- Nói đến “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, chúng ta không thể không nhắc đến một đơn vị vận tải trên sông gắn liền với con đường vận tải biển huyền thoại này như hình với bóng - đó là Đoàn vận tải 962.
Nghe lời ông, tôi khảo sát thêm tư liệu, gặp nhiều nhân chứng là cựu binh của Đoàn 962 và biết: được Trung ương Cục miền Nam mà trực tiếp là đồng chí Phạm Thái Bường - Ủy viên Trung ương Cục ký quyết định thành lập vào ngày 19/9/1962, Đoàn vận tải này mang tên đúng tháng, năm thành lập - Đoàn 962 có nhiệm vụ trực tiếp tổ chức các Bến tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển vũ khí từ “Đường Hồ Chí Minh trên biển” ra mặt trận.
Trong suốt 13 năm (1961 - 1973), Đoàn 962 có biên chế quân số cấp trung đoàn, được bố trí trãi dài tại các bến đầu cầu như. Rạch Gốc, Gành Hào, Bồ Đề, Hàm Hố, Vàm Lũng, Kinh Năm, Cồn Tàu… thuộc địa bàn bốn tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đoàn 962 đã hoàn thành xuất sắc việc tiếp nhận 123 chuyến tàu không số, vận chuyển gần 6.400 tấn vũ khí từ miền Bắc đưa về chiến trường miền Nam trên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Ông Lâm Sắc, nguyên quán xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh được tuyển vào Đoàn 962, đã lập công vẻ vang trong công tác mưu trí dùng ghe hai đáy hàng chục lần bí mật vận chuyển vũ khí ra chiến trường qua mắt địch. Người lính 962 sẵn sàng chấp nhận một mất một còn với kẻ thù khi chiếc ghe vận chuyển vũ khí bí mật của mình bị địch phát hiện. Với hành động quả cảm đó, năm 1976, ông Lâm Sắc được Nhà nước tuyên dương danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Cùng với chiến công vẻ vang vận chuyển vũ khí của Đoàn 962 còn có cả công sức và máu xương của lực lượng nhân dân trên địa bàn các bến; đồng bào ta đã sẵn sàng chấp nhận hy sinh để đảm bảo sự an toàn và bí mật cho con đường Đoàn 962 hoạt động.
Tại Bến Trà Vinh, Đoàn 962 có 07 điểm tiếp nhận vũ khí như: Rạch Cỏ, La Ghi, Cồn Tàu, Phước Thiện, Hồ Tàu, Láng Nước đã tiếp nhận 16 chuyến tàu với hơn 680 tấn vũ khí từ miền Bắc đưa vào chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Riêng bến Cồn Tàu tiếp nhận 10 chuyến hàng - là một mắc xích quan trọng của “Đường Hồ Chí Minh trên biển” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của Nhân dân ta.
Di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu do Bộ Tư lệnh Hải quân và tỉnh Trà Vinh xây dựng bên bờ sông Cồn Tàu, ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải (nay là thị xã Duyên Hải), tỉnh Trà Vinh, đã được công nhận Khu di tích lịch sử cấp quốc gia.
Khi chúng ta đọc những dòng lịch sử về cuộc đời binh nghiệp đầy sóng gió của các cựu chiến binh, nhân dịp kỷ niệm 60 năm “Đường Hồ Chí Minh trên biển” năm xưa, ba vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đức Thắng, Lê Văn Lòng và Lâm Sắc cũng đã trở thành người thiên cổ.
Một nén nhang gởi theo hương hồn các vị anh hùng với cả tấm lòng biết ơn và kính trọng!
Bút ký TRẦN ĐIỀN
(Ảnh: Trần Điền chụp lại trên tư liệu)
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.