02/08/2021 15:28
Trong thời gian qua, thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch luôn lợi dụng các vấn đề như dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc...với các luận điệu: “Việt Nam thiếu văn hóa dân chủ, không có dân chủ, vi phạm quyền riêng tư của nhân dân”; “Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền con người”; “Việt Nam gia tăng trấn áp những người cổ vũ cho các quyền dân sự và chính trị cơ bản”… để xuyên tạc, vu khống, chống phá Đảng và Nhà nước ta, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta đang xây dựng, hướng nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Vậy nhận thức vấn đề trên như thế nào? Việt Nam có vi phạm quyền con người hay không?
Đảng và Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, mọi chủ trương, đường lối của của Đảng, Nhà nước đều hướng tới làm cho “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; mọi chủ trương, chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước đều lấy con người làm trung tâm, để đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu chính đáng của con người.
Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930 đã xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3 Nhà xuất bản Chính trị quốc gia; Hà Nội năm 2011 trang 1.); Nghị quyết của Quốc dân Đại hội Tân Trào ngày (16-17/8/1945) xác định “ban bố những quyền của dân cho dân: Nhân quyền; Tài quyền (quyền sở hữu); Dân quyền; quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ…” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập Tập 12; Nhà xuất bản chính trị quốc gia ; Hà Nội năm 2000, trang 559). Trong Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tuyên bố: “Tất cả mọi người có quyền bình đẳng. tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, lời tuyên bố bất hủ ấy không chỉ là tư tưởng lớn về độc lập, tự do của dân tộc, mà còn là tư tưởng cơ bản về quyền con người.
Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) nêu rõ:“Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể của phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của Nhân dân" (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia; Hà Nội năm 2011, trang 76).
Gần đây Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định; “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu”; “Phát triển con người toàn diện và xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”; “…con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng của đất nước” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội năm 2021, trang 27, 28 và trang 116).
Các quan điểm, chủ trương về quyền con người của Đảng được Nhà nước thể chế bằng luật pháp. Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm 11 chương, 120 điều, trong đó có 36 điều ở Chương II chế định trực tiếp các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ngoài ra, quyền con người còn được thể hiện trong rất nhiều Bộ luật và luật (Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự; Bộ luật Lao động; Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội dồng nhân dân; Luật cư trú; Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin; Luật Tín ngưỡng tôn giáo; Luật Phòng chống mua bán người; Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân; Luật Người cao tuổi, Luật Nguời khuyết tật, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bảo hiễm xã hội, Luật Bảo hiễm y tế…) được Quốc hội các khóa ban hành.
Từ những vấn đề nêu trên, có thể nhận thức quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền con người thể hiện ở các nội dung (1) Quyền con người là giá trị chung của nhân loại; (2) Quyền con người, về bản chất không có tính giai cấp, nhưng trong xã hội có phân chia giai cấp đối kháng, khái niệm về quyền con gười mang tính giai cấp; (3) Quyền con người gắn với quyền dân tộc cơ bản và thuộc phạm vi chủ quyền quốc gia; (4) Quyền con người là mục tiêu, bản chất, động lực của chế độ xã hội chủ nghĩa; (5) Quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân kết hợp hài hòa với quyền tập thể và không tách rời nghĩa vụ, trách nhiệm công dân; (6) Quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật; trách nhiệm của Nhà nước, của tất cả các ngành, các địa phương, cơ sở phải tích cực, chủ động thực hiện nhằm ngày càng hoàn thiện và nâng cao các quyền con người; (7) Chủ động, tích cực hợp tác, đồng thời sẵn sàng đối thoại và kiên quyết đấu tranh trong quan hệ quốc tế vì quyền con người.
Thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người trên địa bàn tỉnh Trà Vinh thời gian đã đã được những thành tựu quan trọng:
Tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo quyền con người, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, kinh doanh; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn; thực hiện quy định tiếp nhận, xử lý những phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Triển khai các kế hoạch, phương án đảm bảo tuyệt đối an toàn các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội; tổ chức tốt công tác tiếp công dân, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân để tháo gỡ những đơn thư, khiếu kiện phức tạp kéo dài…
Trong các dịp lễ, tết, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức họp mặt với đại diện nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo, người Trà Vinh đang định cư ở nước ngòai về thăm quê hương... để thông tin tình hình kinh tế - xã hội, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời lắng nghe và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Quyền con người trên các lĩnh vực luôn được đảm bảo; 05 năm qua (2016 - 2020), kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển: GRDP tăng trưởng bình quân 10,45%/năm; quy mô nền kinh tế tăng nhanh (từ 35.175 tỷ đồng năm 2015, tăng lên 66.482 tỷ đồng vào năm 2020, tăng 1,89 lần); GRDP bình quân đầu người tăng gần 2,2 lần so năm 2015. Đặc biệt, công tác giảm nghèo được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đạt kết quả tốt, tỷ lệ hộ nghèo từ 13,23% giảm còn 1,57%. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con các dân tộc, tín đồ các tôn giáo tham gia sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng pháp luật (tín đồ các tôn giáo của tỉnh có 568.709 người, chiếm 56,3% dân số của tỉnh; với hơn 6.400 chức sắc, chức việc, nhà tu hành; có 371 cơ sở thờ tự), các cơ sở thờ tự được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa và có công với cách mạng đều được hỗ trợ kinh phí trùng tu, sửa chữa; đồng bào các dân tộc, tín đồ các tôn giáo được hưởng các chế độ, chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách an sinh xã hội, được vay vốn tăng gia sản xuất, giảm nghèo bền vững; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm thực hiện; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc giảm qua từng năm (cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer 23,12%, đến cuối năm 2020 giảm còn 3,92%). Văn hóa của đồng bào các dân tộc được bảo tồn, phát huy, các hoạt động sinh hoạt, học tập theo phong tục tập quán, tín ngưỡng được tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi; các lễ hội dân tộc, tôn giáo truyền thống được tổ chức, trở thành ngày hội thật sự, tạo nên nét văn hóa đặc trưng, đa dạng, phong phú; đem lại không khí vui tươi, phấn khởi trong đồng bào Khmer.
Quan tâm chỉ đạo việc tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và phòng, chống tội phạm mua bán người, tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em; thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em, công tác bình đẳng giới; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách về lao động - việc làm - dạy nghề; công tác đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người có công cách mạng,... qua đó tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân được thực hiện các quyền cơ bản của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Đặc biệt trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, quyền ứng cử và bầu cử (quyền chính trị cơ bản) của người dân trong tỉnh được đảm bảo. Tỷ lệ cư tri đi bầu đạt 99,97%, thể hiện người dân đã thực hiện tốt nghĩa vụ và quyền công dân của mình. Trong số 06 người trúng cử đại biểu Quốc hội, có 02 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 33,33%; 03 đại biểu dân tộc thiểu số chiếm 50%. Đại biểu HĐND tỉnh có 49 người trúng cử, trong đó đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 30,61%, đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm 30,62%; đại biểu là người ngoài Đảng chiếm 10,20%. Đại biểu HĐND cấp huyện có 287 người trúng cử, trong đó đại biểu nữ chiếm tỷ lệ 32,40%, đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm 17,42%; đại biểu là người ngoài Đảng chiếm 10,20%. Đại biểu HĐND cấp xã có 2.720 đại biểu trúng cử, trong đó đại biểu nữ chiếm tỷ lệ 25,48%, đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm 22,46%.
Với những thành tựu đã đạt được trong thực hiện quyền con người thời gian qua, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, là minh chứng bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về vấn đề quyền con người của các thế lực thù địch, phản động và bọn cơ hội chính trị, bất mãn.
Để tiếp tục thực hiện tốt quyền con người, đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc chống phá Đảng và Nhầ nước ta về quyền con người trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đòn thể chính trị - xã hội cần thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang tin điện tử các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố), mạng xã hội và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, tạo sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đối với các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, về bản chất tốt đẹp của chế độ là vì con người. Đồng thời, tuyên truyền về những thành tựu to lớn của đất nước ta, tỉnh ta trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân và thực hiện quyền con người, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu vu cáo chúng ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn giáo.
Hai là, tuyên truyền làm rõ về âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề quyền con người để gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Nhân dân ta, để mọi người nâng cao ý thức cảnh giác. Chủ động nắm chắc tình hình, dự báo kịp thời mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch, phản động để triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Tập trung giải quyết có hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện ngay từ cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng”, tạo điều kiện cho kẻ địch lợi dụng xuyên tạc, kích động chống phá.
Ba là, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tinh lần thứ XI, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh; chú trọng các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội, không để vì đời sống khó khăn mà bất mãn, dễ bị các thế lực thù địch lôi kéo.
Bốn là, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến quyền con người. Đồng thời, chủ động xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền nhằm thực hiện tốt hơn quyền con người trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trên cơ sở pháp luật. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Năm là, tích cực xây dựng lực lượng đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái thù địch về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo ở các cấp, các ngành có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có năng lực, trình độ; chú trọng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, phóng viên báo chí, đội ngũ văn nghệ sĩ, thông qua các chuyên đề nghiên cứu, các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật về đảm bảo quyền con người có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, tính chiến đấu, lôi cuốn đông đảo người xem, người nghe. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý báo chí, xuất bản, quản lý internet, mạng xã hội; tích cực đấu tranh ngăn chặn việc tán phát các thông tin, bài viết xuyên tạc, thù địch về quyền con người.
Nhận thức các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về quyền con người; những thành tựu của tỉnh ta về thực hiện quyền con người, cũng như âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, giúp cho các cấp, các ngành, mọi cán bộ, đảng viên và mọi người dân trong tỉnh tích cực đấu tranh có hiệu quả những luận điệu sai trái, thù địch chống phá Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực quyền con người, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
TRẦN BÌNH TRỌNG
Bài 1: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Bài 4: Xây dựng Đảng bộ vững mạnh về tư tưởng
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.