21/09/2024 16:01
Chiều nay (21/9), Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống” (Diễn đàn) do báo Nhà báo và Công luận tổ chức sẽ chính thức diễn ra tại Novaworld Phan Thiết, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Diễn đàn 2024 là nơi lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí... cùng trao đổi, bày tỏ quan điểm, xung quanh vấn đề vì sao đã đến lúc báo chí giải pháp nên là một trong những xu hướng mà các cơ quan báo chí Việt Nam cùng hướng tới.
Trước thềm Diễn đàn, phóng viên báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với một số lãnh đạo các cơ quan báo chí xung quanh mục tiêu của báo chí giải pháp cũng như kỳ vọng Diễn đàn sẽ có những giải pháp mạnh mẽ, giúp báo chí giải pháp có định hướng một cách rõ ràng, hiệu quả.
Báo chí giải pháp là nguồn cảm hứng cho hành động
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng - Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Trao đổi với phóng viên, Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng - Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô cho rằng, báo chí giải pháp có thể hiểu là bên cạnh các hoạt động phản ánh, phê phán, đấu tranh, báo chí còn thực hiện vai trò hiến kế, đề xuất các giải pháp, biện pháp thực hiện thay vì chỉ nêu lên vấn đề mà không có đầu có cuối. Điều này có nghĩa là báo chí thể hiện vai trò tích cực, trách nhiệm hơn đối với các vấn đề của đất nước, của xã hội.
Đi vào cụ thể, Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng chỉ rõ đặc điểm của báo chí giải pháp thường thể hiện ở những yếu tố chính: Cơ quan báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí; người làm báo đồng hành với chính quyền, doanh nghiệp, người dân… trong việc tìm kiếm các giải pháp khả dĩ nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra của xã hội; khi phản ánh hay phê phán, báo chí luôn đặt ra trách nhiệm của mình tham gia vào giải quyết hoặc đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề đó; vận động, kêu gọi công chúng báo chí nói riêng và toàn xã hội nói chung tham gia vào về việc đề xuất các giải pháp đối với những vấn đề cụ thể; báo chí trực tiếp thực hiện các giải pháp đối với một số vấn đề phù hợp với năng lực, điều kiện của mình…
"Báo chí giải pháp không chỉ là công cụ cung cấp thông tin mà còn là nguồn cảm hứng cho hành động. Khi một vấn đề được đưa ra kèm theo các giải pháp cụ thể, công chúng không chỉ nhận thức được sự tồn tại của vấn đề mà còn có thể thấy cách mà vấn đề đó có thể được giải quyết. Điều này khuyến khích các cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia vào việc tìm kiếm và triển khai các giải pháp", ông Hưng nhấn mạnh.
Cũng theo Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng, khi báo chí đưa ra các giải pháp thực tiễn và minh chứng cho hiệu quả của chúng, nó giúp xây dựng niềm tin vào khả năng thay đổi tích cực. Sự thành công của các giải pháp được trình bày không chỉ làm tăng lòng tin vào các phương pháp và chính sách mà còn tạo động lực cho cộng đồng tham gia vào việc giải quyết các vấn đề. Ông Hưng lấy ví dụ: Việc công bố các dự án thành công trong việc cải thiện chất lượng không khí có thể thúc đẩy các chính sách tương tự và tạo động lực cho các cộng đồng khác áp dụng các giải pháp này.
Báo chí Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự cạnh tranh gay gắt từ các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, việc duy trì sự tín nhiệm của công chúng và việc đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của xã hội. Mặc dù báo chí truyền thống đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc cung cấp thông tin về các sự kiện và vấn đề nhưng vẫn còn thiếu sự chú trọng vào việc đề xuất các giải pháp cụ thể cho các vấn đề xã hội. Trước thềm Diễn đàn Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống”, Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng kỳ vọng những giải pháp được đưa ra tại Diễn đàn có thể giúp lấp đầy khoảng trống này bằng cách tập trung vào việc đưa ra các phương án thực tiễn và sáng tạo. Cùng với đó, ông Hưng cũng mong muốn những giải pháp đó không chỉ giúp báo chí cải thiện chất lượng thông tin mà còn nâng cao vai trò của báo chí trong việc giải quyết các thách thức xã hội.
Kiến giải của báo chí là thông tin hữu ích để giúp cơ quan chức năng phát huy điểm tích cực, khắc phục những hạn chế
TS. Vũ Thị Ánh Hồng - Tổng Biên tập Tạp chí Hải Quan.
Theo TS. Vũ Thị Ánh Hồng - Tổng Biên tập Tạp chí Hải Quan, báo chí giải pháp là cần thiết và là mục tiêu của các cơ quan báo chí, nhất là trong bối cảnh các kênh truyền thông xã hội đang lấn át báo chí hiện nay, nếu báo chí làm tốt vai trò kiến giải sẽ càng khẳng định vai trò vị trí, tác động, hiệu quả của mình đối với xã hội.
Nêu thực tế hiện nay, Tổng Biên tập Tạp chí Hải Quan cho biết, có nhiều vấn đề đặt ra đối với báo chí: giữa yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao với khả năng, điều kiện, nguồn lực đáp ứng; giữa mục tiêu thu hút sự quan tâm, tin tưởng của công chúng với tính định hướng của thông tin truyền thông chính sách...
Trong lĩnh vực công, cũng có tư tưởng từ phía cơ quan Nhà nước còn xem nhẹ việc phản hồi khi báo chí phản ánh thông tin bức xúc, mặt trái, những hạn chế trong lĩnh vực này. Thực tế có những vấn đề báo chí phản ánh có cơ sở, nhưng cũng có những thông tin sai sự thật, thiếu đầy đủ, không đúng bản chất vấn đề. Có những thông tin khủng hoảng xuất hiện trên mạng xã hội và lan nhanh trên báo chí. “Nếu tổ chức/cá nhân, nhất là cơ quan Nhà nước không kịp thời phản hồi, đưa ra thông điệp trả lời rõ ràng, cụ thể về những sự việc đó thì rất khó để báo chí định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội, nêu lên kiến nghị và giải pháp”, bà Vũ Thị Ánh Hồng nói.
Ngược lại, theo TS. Vũ Thị Ánh Hồng, cũng có tư tưởng cho rằng báo chí luôn đứng ngoài cuộc để quan sát, nhòm ngó, nghiêng về phê phán, làm nóng những hạn chế, yếu kém của cơ quan Nhà nước, mà không có góc nhìn cảm thông, đồng hành, trong khi bản thân cơ quan Nhà nước cũng có những khó khăn khách quan, chủ quan và đang nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ. Vì vậy, việc cơ quan Nhà nước ở các cấp còn e dè không cởi mở chia sẻ thông tin với báo chí là không ít.
Còn đối với công chúng, TS Vũ Thị Ánh Hồng cũng cho rằng, công chúng cũng chưa thực sự xác định báo chí là nơi gửi gắm đề xuất, kiến nghị của mình để giải quyết những vấn đề bức xúc, khó khăn trong xây dựng và thực thi chính sách; nhìn chung doanh nghiệp có tâm lý ngại phản ánh với báo chí.
Ngược lại, cá biệt có trường hợp doanh nghiệp/người dân móc nối với báo chí làm nóng những vướng mắc khó khăn của mình trên mặt báo, thậm chí trên cả mạng xã hội để gây sức ép, tạo ra làn sóng trên một số tờ báo phản đối về quy định, cách làm của cơ quan Nhà nước trong thực thi chính sách.
Với vấn đề nêu trên, kỳ vọng trước Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống”, TS Vũ Thị Ánh Hồng mong muốn Diễn đàn sẽ là nơi tìm ra những giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả cho hướng đi của báo chí truyền thống; kiến giải của báo chí sẽ là thông tin hữu ích để góp phần giúp cơ quan chức năng phát huy điểm tích cực, khắc phục những hạn chế bất cập và nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý. Đồng thời, thể hiện là cầu nối ở chiều từ phía người dân/doanh nghiệp đến với cơ quan Nhà nước, giúp cho người dân/doanh nghiệp bày tỏ được tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị mang tính chất xây dựng, tích cực của mình đến cơ quan có thẩm quyền để được hỗ trợ, giải quyết một cách kịp thời nhất.
Báo chí giải pháp mang đến cho người đọc cái nhìn chân thực hơn, đầy đủ hơn
Tổng Biên tập Báo Cần Thơ Trương Văn Chuyển.
Nhà báo Trương Văn Chuyển - Tổng Biên tập báo Cần Thơ thì cho rằng, báo chí giải pháp là một hướng tiếp cận trong lĩnh vực báo chí, tập trung vào việc tìm kiếm và trình bày các giải pháp khả thi cho những vấn đề xã hội, thay vì chỉ đưa tin về những sự kiện tiêu cực, hoặc các vấn đề khó khăn, hoặc những thông tin chỉ nhằm thỏa mãn sự tò mò, hiếu kỳ của công chúng.
“Hiện nay, mạng xã hội đã đặt ra cho báo chí chính thống nhiệm vụ nâng cao tính chiến đấu, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội. Thực tiễn cho thấy chính thông tin ngập tràn thiếu kiểm soát, không bị ràng buộc bởi các quy chuẩn hoạt động như các cơ quan báo chí chính thống đã khiến cho người đọc trở nên hoài nghi với thông tin trên mạng xã hội mà chuyển sang tìm kiếm, xác thực thông tin từ các cơ quan báo chí chính thống. Điều đó cho thấy vai trò của báo chí chính thống vẫn được đề cao”, ông Trương Văn Chuyển nhấn mạnh.
Đặc biệt, Tổng Biên tập báo Cần Thơ nhấn mạnh, mục tiêu của cách tiếp cận báo chí giải pháp là mang đến cho người đọc cái nhìn chân thực hơn, đầy đủ hơn về những vấn đề mà con người và xã hội đang phải đối mặt, giúp thúc đẩy quyền công dân hiệu quả hơn. Các câu chuyện giải pháp có thể có nhiều dạng, nhưng có chung một số đặc điểm chính như: xác định các nguyên nhân gốc rễ của một vấn đề xã hội; làm nổi bật một câu trả lời hoặc các câu trả lời cho vấn đề đó...
Theo ông Trương Văn Chuyển trong thời đại thông tin phát triển, báo chí không chỉ đơn thuần là nguồn cung cấp thông tin mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Trong đó, báo chí giải pháp đã cho thấy đó là một xu hướng tích cực, là cách tiếp cận tiên tiến của báo chí chính thống, phù hợp với sự vận động của báo chí trong giai đoạn hiện nay. “Phát triển theo xu hướng này, các cơ quan báo chí không chỉ thể hiện được vai trò đồng hành với Đảng, Nhà nước, các địa phương và nhân dân trong giải quyết các vấn đề thiết thực, cần kíp của xã hội, của đất nước, mà còn mở ra cho mình ‘một hướng đi mới’ như chủ đề Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 đã đặt ra”, ông Chuyển nhấn mạnh.
Theo congluan.vn
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.