27/05/2023 15:50
Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu tại thảo luận tổ chiều 27/5.
Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh tham gia góp ý Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Dự án luật này để sửa đổi, bổ sung một số quy định của 02 Luật quy định về xuất nhập cảnh hiện hành. Việc sửa đổi này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi để phát triển, thu hút hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Mặt khác, việc sửa đổi luật lần này sẽ kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; thể hiện sự quyết tâm trong việc tăng cường thủ tục cải cách hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, phù hợp với thực tiễn hiện nay; đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này là một bước tiến lớn, hoàn toàn phù hơp với thực tiễn Việt Nam và các quy định, điều ước của Quốc tế…
Đại biểu Trần Quốc Tuấn nêu một số quan điểm đồng tình đối với 04 nội dung sửa đổi của Luật được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm:
Thứ nhất, việc sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 6 về thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh, tôi hoàn toàn đồng tình với việc bổ sung thông tin “nơi sinh” vào giấy tờ xuất nhập cảnh. Vì đây là thông tin bắt buộc mà công dân phải khai để cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Khi có thông tin nơi sinh trên giấy tờ xuất nhập cảnh sẽ tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc xin thị thực, nhập cảnh, cư trú và làm các thủ tục liên quan ở các nước có yêu cầu in thông tin nơi sinh trong hộ chiếu.
Chẳng hạn thời điểm ngày 01/7/2022, khi ban hành mẫu hộ chiếu mới không có ghi thông tin nơi sinh, thì sau đó các nước Đức, Cộng hòa Czech và một số nước khác đã thông báo tạm thời dừng cấp thị thực đối với hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam với lý do trong hộ chiếu không ghi thông tin nơi sinh của người mang hộ chiếu. Do vậy, việc ghi thông tin "nơi sinh" trên hộ chiếu như quy định của Luật sửa đổi lần này, sẽ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân Việt Nam, đảm bảo tính ổn định, lâu dài, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh của công dân.
Thứ hai, tôi cũng đồng tình cao việc bổ sung thêm khoản 9 Điều 15, quy định cho phép người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông có quyền nộp hồ sơ trên môi trường điện tử... Việc bổ sung quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn, đơn giản hóa tối đa về thủ tục cho người dân, tiết kiệm chi phí, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý của cơ quan có thẩm quyền và quy định như vậy là phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính chung của đất nước.
Thứ ba, tôi thống nhất cao việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 9 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam… Trong đó, quy định nâng thời hạn thị thực điện tử từ “không quá 30 ngày” lên “không quá 03 tháng”.
Việc sửa đổi bổ sung quy định này, khi được Quốc hội thông qua chắc chắn sẽ mang lại lợi ích kép cho Việt Nam. Đó là: vừa tạo thuận lợi trong việc thực hiện trình tự, thủ tục, tiết kiệm chi phí cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam, vừa tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn cho người nước ngoài khi nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam - Điều này sẽ góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.
Thứ tư, tôi cũng rất đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 31… về chứng nhận tạm trú. Việc nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ "15 ngày" lên "45 ngày" là một thay đổi mạnh mẽ, một bước tiến mới, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay khi nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam dài ngày tăng lên, nhất là đối với người nước ngoài vào đầu tư, làm việc với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức khác, du lịch hoặc thực hiện các hoạt động khác. Quy định 45 ngày là đạt mức trung bình của các nước trong khu vực ASEAN.
Tôi đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu bổ sung thêm vào nội dung Điều 45a, quy định trách nhiệm của bộ đội biên phòng ở khu vực biên giới, hải đảo có thẩm quyền tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Với lý do: nếu quy định chỉ có Công an xã mới có thẩm quyền tiếp nhận các vụ việc có dấu hiệu vi phạm, cư trú bất hợp pháp của người nước ngoài là chưa đủ và chưa phù hợp lắm, nhất là ở các khu vực biên giới, cửa khẩu. Mặt khác, quy định như vậy là chưa đồng bộ, chưa đảm bảo tính tương thích với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật An ninh quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam...). Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung cụm từ “hoặc đồn biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu” vào sau cụm từ “cơ quan công an”. Việc bổ sung nội dung này không xảy ra sự chồng chéo giữa công an xã và lực lượng biên phòng ở các khu vực biên giới, cửa khẩu. Như vậy, nội dung của “Điều 45a. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan”… được viết lại như sau: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ sử dụng lao động là người nước ngoài, tổ chức chương trình du lịch hoặc cho người nước ngoài tạm trú qua đêm khi người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm phải thông báo cho cơ quan Công an hoặc đồn biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu nơi gần nhất”. (Phát biểu tại thảo luận tổ chiều 27/5 của Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn)
|
Báo Trà Vinh Online
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.