04/06/2023 06:02
Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận tại Hội trường sáng ngày 23/5/2023.
Đại biểu Thạch Phước Bình cơ bản đồng tình với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Tuy nhiên, theo đại biểu quy định như vậy chưa mang tính khả thi trong thực tế, do tính dự báo của các cơ quan xây dựng chương trình chưa cao, chưa sát thực tiễn, mà chỉ đề xuất dựa trên yếu tố chủ quan, trong khi đời sống xã hội thay đổi nhanh chóng.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã được ghi nhận là một quy trình bắt buộc ngay từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 thì chương trình xây dựng luật, pháp lệnh bao gồm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ Quốc hội và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm. Thực tiễn thi hành các các văn bản luật trên cho thấy, quy định trên không mang tính khả thi.
Bởi lẽ, do tính dự báo của các cơ quan lập chương trình chưa cao, chưa sát với nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn, hầu như đều dựa vào yếu tố chủ quan của các cơ quan liên quan ở thời điểm lập chương trình, trong khi cuộc sống thì luôn biến động, thay đổi, dẫn đến tình trạng điều chỉnh chương trình, bổ sung, rút, hoãn các dự án luật, pháp lệnh xẩy ra thường xuyên và gần như là một sự tất yếu. Và có ý kiến cho rằng, tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đặc biệt là gửi trình hồ sơ dự án chậm so với quy định (các cơ quan Quốc hội thường gọi là tình trạng “bắc nước chờ gạo”) đã trở thành “căn bệnh kinh niên” chưa có thuốc chữa.
Đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi các quy định về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, sửa đổi các quy định về lập, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, song song với đó, xem xét thay Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm bằng dự kiến Chương trình Kỳ họp Quốc hội.
Cụ thể, đối với các dự án Luật, Chính phủ, các cơ quan tổ chức, đại biểu Quốc hội, căn cứ vào tình hình soạn thảo, chuẩn bị các dự án luật, bao gồm cả các Nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, các hồ sơ, tài liệu gửi Ủy ban Pháp luật, chưa cần trình các cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra sơ bộ hồ sơ, quy trình, thủ tục soạn thảo theo quy định, chưa thẩm tra nội dung. Trên cơ sở hồ sơ dự án luật, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, UBTVQH sẽ tổng hợp, đưa vào dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp Quốc hội.
Đối với các dự án pháp lệnh, đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội căn cứ vào thực tiễn tình hình soạn thảo, chuẩn bị các dự án pháp lệnh (bao gồm cả nghị quyết quy phạm pháp luật của UBTVQH), quyết định gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra sơ bộ, nếu đủ điều kiện thì Ủy ban Pháp luật trình UBTVQH đưa vào Dự kiến chương trình phiên họp tiếp theo của UBTVQH. Sau đó, các cơ quan, Ủy ban chuyên môn của Quốc hội tiến hành thẩm tra toàn diện về hồ sơ cũng như quy trình, thủ tục và nội dung dự án pháp lệnh, trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến và thông qua. Trường hợp dự án pháp lệnh chưa đủ điều kiện thông qua thì UBTVQH ra nghị quyết, giao lại cho cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình, trình lại UBTVQH.
Đồng thời, nếu thay Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm bằng việc lập dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội cũng như dự kiến chương trình phiên họp của UBTVQH như quy trình nói trên, sẽ cơ bản chấm dứt được tình trạng xin điều chỉnh rút hoặc hoãn trình dự án; các cơ quan của Quốc hội cũng có đủ thời gian thẩm tra kỹ lưỡng các dự án luật, pháp lệnh, chấm dứt được tình trạng “bắc nước chờ gạo” tồn tại lâu nay, vì không còn “đất” tồn tại cho tình trạng gửi hồ sơ dự án muộn so với thời gian quy định. Từ đó sẽ tăng cường được tính nghiêm túc, kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khả thi của dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội; khắc phục được mâu thuẫn trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và bảo đảm tôn trọng tuyệt đối quyền lập pháp của Quốc hội.
Báo Trà Vinh Online
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.