30/10/2024 10:21
Trong công cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược, cho đến quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu, thủ đoạn kích động, gây chia rẽ và hận thù giữa các dân tộc, tôn giáo trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mục đích của chúng là nhằm làm suy yếu đến tan rã khối đại đoàn các kết dân tộc, để làm suy giảm khả năng đấu tranh, chống lại kẻ thù xâm lược của dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống đoàn kết, yêu nước. Họ xây dựng những lực lượng cực đoan trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam mà trọng điểm là Tây Bắc, Tây Nguyên và vùng Nam Bộ để chống phá cách mạng.
Ở Trà Vinh, khi quân Pháp đặt chân xâm lược trên mảnh đất này, họ vấp phải nhiều cuộc kháng chiến của quân, dân các dân tộc anh em nơi đây, để đối phó với phong trào kháng chiến, thực dân Pháp và tay sai đã thực hiện thủ đoạn hết sức thâm độc là "chia để trị". Họ đã khai thác những nét khác biệt về phong tục, tập quán, xuyên tạc sự thật lịch sử… để phá hoại khối đoàn kết dân tộc Kinh - Khmer- Hoa. Từ thị xã Trà Vinh, địch đã tung một số chức sắc phản động trong đạo Cao Đài phái Tây Ninh xuống hoạt động trên địa bàn huyện Tiểu Cần và huyện Cầu Ngang, lấy danh nghĩa "gặp gỡ đạo hữu" để vận động tín đồ đi lính chống lại cách mạng. Chúng đã cho lập được "Ban chỉ huy lính Cao Đài", dụ dỗ được hơn một trăm tín đồ tập trung về thị xã Trà Vinh luyện tập quân sự. Chúng trang bị súng cho lực lượng này và dựng bót cạnh thánh thất Cao Đài rồi dụ dân đến ở xung quanh bót… Đồng thời với việc lợi dụng Cao Đài, địch ra sức lợi dụng đạo Thiên Chúa, sử dụng những phần tử phản động trong chức sắc Thiên chúa giáo, lợi dung sinh hoạt tôn giáo để tuyên truyền nói xấu cách mạng, xuyên tạc chính sách Việt Nam, dụ dỗ những người nhẹ dạ cả tin đi làm tay sai cho thực dân Pháp(1).
Trong giai đoạn đế quốc Mỹ xâm lược, để gây khó khăn cho việc tập hợp lực lượng cách mạng đấu tranh chống Mỹ - Ngụy, địch đã dùng nhiều thủ đoạn thâm độc và xảo quyệt đối với vấn đề tôn giáo và dân tộc ở Trà Vinh. Tại vùng đồng bào theo đạo Công giáo, chúng dùng tiền và vật chất để lừa mị, đưa một số cha, cố đạo vào ngụy quyền đàn áp phong trào đấu tranh quần chúng, sử dụng linh mục tuyên truyền lừa gạt và lôi kéo thanh thiếu niên vào các tổ chức phản động như “Thanh niên Thánh nghiệp”, “Thiếu nhi nghĩa binh”, nhằm mê hoặc biến lớp trẻ trở thành lực lượng chống lại cách mạng. Chúng còn bắt ép thanh niên vào các tổ chức vũ trang “Thanh niên chiến đấu”, chúng thành lập những đơn vị vũ trang như trung đội và đại đội “Phụ quân công giáo”. Đối với đồng bào Khmer, chúng ra sức kích động tâm lý dân tộc, lợi dụng sơ hở, gây mâu thuẫn và nghi ngờ làm mất đoàn kết trong một số bộ phận người Kinh và Khmer làm khó khăn tập hợp lực lượng cách mạng đấu tranh chống Mỹ - Ngụy. Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) đã ra sức hỗ trợ cho các tổ chức chính trị phản động (trong đó có tổ chức “Khmer Sêrây”) ngấm ngầm họat động chống phá cách mạng, đòi thành lập “Khu tự trị Khmer” ở miền Tây Nam Bộ... Thâm độc hơn, chúng không chỉ tìm cách gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc Kinh - Khmer - Hoa mà còn gây chia rẽ nội bộ Phật giáo Nam tông Khmer theo phái Thêravada (do Kim Sang cầm đầu) và phái Khêmaranikai (do Keo Sơ Me cầm đầu), gây chia rẽ giữa Phật giáo, Thiên chúa giáo, đạo Cao đài...(2)
Chiến tranh kết thúc, đất nước được thống nhất, nhưng các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ dã tâm thực hiện mưu đồ phá hoại khối đoàn kết các dân tộc, tôn giáo của nước ta nói chung và ở Trà Vinh nói riêng. Một số phần tử ngụy quân, ngụy quyền cũ có tư tưởng phục thù giai cấp và một vài phần tử bất mãn luôn tìm đủ mọi cách tuyên truyền, xuyên tạc chế độ, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch sử dụng các đài phát thanh từ bên ngoài để dùng những luận điệu chiến tranh tâm lý, xuyên tạc tình hình trong nước làm cho một bộ phận đồng bào Khmer có tư tưởng hoang mang và hoài nghi về chế độ.(3) Bọn phản động bên trong nội địa cấu kết với các thế lực phản động bên ngoài nhen nhóm, lôi kéo một số ngụy quân, ngụy quyền cũ không chịu cải tạo cùng một vài phần tử bất mãn trong đồng bào Khmer bị địch cài cắm vào nội bộ và thực hiện cuộc bạo loạn ngày 16/11/1976 ở huyện Tiểu Cần và một số xã thuộc các huyện lân cận. Với tinh thần cảnh giác cách mạng của quân và dân trong tỉnh, trong đó có đồng bào Khmer, cuộc bạo loạn nhanh chóng được dập tắt, kế hoạch hậu chiến của địch bị thất bại. Những kẻ cầm đầu tham gia bạo loạn bị chính quyền bắt và trừng trị thích đáng, những người dân nhẹ dạ cả tin bị số cầm đầu dụ dỗ được kêu ra trình diện, được giáo dục và khoan hồng(4).
Tuy nhiên, những năm sau đó, hoạt động chống phá trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo tiếp tục diễn ra. Bất kỳ một sự kiện nào có liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo như vụ việc một số đối tượng tu học ở chùa Khmer trong tỉnh gây rối ở công an huyện Tiểu Cần; tình hình liên quan việc đòi đất của các cơ sở tôn giáo; xô xát giữa Mục sư Tin lành với sư cả và phật tử của một số chùa trong tỉnh; hoặc vấn đề tranh chấp, giải quyết tranh chấp đất đai có liên quan đến đồng bào Khmer… họ đều rêu rao, dựng chuyện là Việt Nam đàn áp dân tộc (đàn áp người Khmer Krom), đàn áp tôn giáo…
Một đối tượng trong Hội nhóm của chúng bị tai nạn giao thông tử vong sau khi đi tham gia Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây (hay còn gọi là lễ đón mừng năm mới) năm 2023 được đắp cờ của tổ chức KKK. Ảnh từ facebook cá nhân của đối tượng
Ví dụ, ngày 04/4/2009, có một thanh niên người dân tộc Khmer tên Thạch Thanh Nô ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, do uống rượu say tự đâm vào gốc cây Sầu Đâu bên đường tử vong, nhưng qua một số đối tượng thì thông tin được gửi đến một số trang web, email và các cơ quan truyền thông, ngôn luận, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước xuyên tạc rằng “Thạch Thanh Nô là chấp sự của Hội thánh Tin Lành Đấng Christ bộ tộc Khmer - Krom, trên đường về nhà sau khi thờ phượng thì bị "lực lượng Công an và du kích chặn đường" đánh "gãy hai xương đùi và bể bọng đái" chết trên đường đi cấp cứu”.
Một vụ việc khác nữa là chiến sĩ Huỳnh Chung ở huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đột quỵ khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại 01 đơn vị thuộc Quân khu 9 (ngày 11/01/2019), trong khi chờ đợi kết quả khám nghiệm tử thi những trang chủ facebook của các phần tử, tổ chức thù địch lại đưa tin rầm rộ về vấn đề này với ý vu cáo "người Việt giết người Khmer" nhằm gây mất đoàn kết trong đồng bào dân tộc…
Một người dân tộc Khmer bức xúc về giải quyết tranh chấp đất đai của Nhà nước bị các đối tượng lôi kéo, xúi giục không chấp hành sự giải quyết của chín quyền địa phương - thường có những hành động xuyên tạc, vu khống chính quyền "cướp đất của người Khmer Krom". (Nội dung tạm dịch là "Dân tộc Kinh ăn cắp đất Khmer phải trả lại cho Khmer, dân tộc Kinh không có quyền chà đạp Khmer dân tộc gốc (dân bản địa); Dân tộc Kinh thông thể chà đạp luật Quốc tế được thành lập vào ngày 13/9/2007; Dân tộc Kinh đã bầu và thống nhất luật quốc tế ngày 11/10/2020) - Ảnh từ facebook cá nhân đối tượng.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông hiện đại, các nền tảng xuyên biên giới (trang mạng xã hội) thì sự chống phá của các thế lực thù địch càng tinh vi hơn, phức tạp hơn. Chúng lôi kéo một số đối tượng thiếu hiểu biết về pháp luật Việt Nam tham gia vào tổ chức của họ, xây dựng lực lượng nòng cốt, tạo dựng ngọn cờ để tập hợp lực lượng tham gia các hoạt động chống phá, ngang nhiên chuyển tải những tài liệu xuyên tạc về tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, đặc biệt là tỉnh Trà Vinh, ngang nhiên thách thức chính quyền địa phương khi công khai treo cờ của tổ chức Khmer Kampuchia Krom tại nhà của các đối tượng. Công khai xuyên tạc về cái gọi là ngày "mất đất 04/6", tuyên truyền công khai tài liệu được cho là "Quyền các dân tộc bản địa"; "Ánh sáng quyền tự quyết", nội dung quyển sách hoàn toàn bịa đặt, xuyên tạc trắng trợn về vấn đề dân tộc, tôn giáo ở khu vực Tây Nam Bộ nói chung và Trà Vinh nói riêng với luận điều vu cáo xuyên tạc rằng người Kinh phân biệt đối xử, đàn áp người Khmer, các quyền cơ bản của người Khmer bị hạn chế rất nhiều, nhằm mục đích kêu gọi đồng bào dân tộc tham gia vào tổ chức của họ.
Công khai và thách thức chính quyền địa phương về việc treo cờ KKK của 01 đối tượng trên địa bàn tỉnh - Ảnh tài khoản Facebook cá nhân của đối tượng
Những hoạt động của một số đối tượng trên địa bàn tỉnh, có dấu hiệu có sự tham gia dàn dựng, giật dây của một số tổ chức, cá nhân bên ngoài với ý đồ đen tối là phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc, làm suy yếu tiềm lực quốc gia.
Lịch sử thế giới đã chứng minh, bất kỳ một hành động can thiệp từ bên ngoài với chiêu bài "đem lại tự do, dân chủ", "bảo vệ một sắc tộc khỏi sự áp bức" của một chính phủ nào đó, hay lời hứa "đem lại cuộc sống tư do dân chủ" cho một quốc gia nào đó của các thế lực phương Tây cũng chỉ là cái "bánh vẽ", "lời hứa hão huyền". Họ "đấu tranh cho tự do, dân chủ" ở các quốc gia họ can thiệp chỉ là súng đạn, chiến tranh loạn lạc, nghèo đói, thất nghiệp và di cư tràn lan, thậm chí, những quốc gia được hậu thuẫn hay can thiệp cũng có thể trở thành một chiến trường để thử các loại vũ khí.
Một điển hình gần đây với sự giật dây của truyền thông dưới sự chỉ đạo của giới diều hâu phương Tây, "Cuộc cách mạng màu" hay "Mùa Xuân Arab" đã nổ ra ở các nước Trung Đông - Bắc phi. Hệ lụy của “Mùa xuân Arab” là sự trỗi dậy của nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gây ra tang tóc cho không chỉ châu Phi, Trung Đông mà cả châu Âu. Tổng thiệt hại về kinh tế của các nước Arab lên tới hơn 600 tỷ USD, bên cạnh hơn 22 triệu người thất nghiệp, tổn thất về cơ sở hạ tầng lên tới 461 tỷ USD, còn có 15 triệu người phải di tản và 1,3 triệu người chết và bị thương, gia đình ly tán, hàng chục ngàn trẻ em phải đối mặt với nguy cơ đói rách, chết chóc do chiến tranh. Đến nay, 13 năm "Mùa Xuân Arab" tình trạng bạo lực kinh hoàng và kéo dài, di cư hàng loạt và đàn áp ở những quốc gia khác vẫn tiếp tục diễn ra. "Những người từng trực tiếp tham gia các cuộc biểu tình, tuần hành, bạo loạn trong "Cách mạng màu" từng hy vọng về một cuộc sống tươi đẹp hơn sau "Mùa xuân Arab" hiện nay đã thất vọng, họ lo sợ cuộc sống hiện tại, chiến tranh làm cho họ bị mệt mỏi và ám ảnh về chết chóc, hiện nay họ luôn hoài niệm về cuộc sống tốt đẹp trước đó. Rõ ràng, những viễn cảnh “thiên đường” của “Mùa xuân Ả-rập” chẳng qua cũng chỉ là những “bánh vẽ”.
Hiện nay, chúng ta sống trong một đất nước hòa bình, ổn định, cộng đồng Việt Nam luôn bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển là điều mơ ước của công dân nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, mỗi người dân phải trân quý những giá trị ấy, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thương yêu nhau, kính trọng nhau, giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Phải lên án mạnh mẽ những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, sai trái về vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc tôn giáo. Cảnh giác cao độ với âm mưu chia rẻ khối đại đoàn kết dân tộc để lôi kéo, kích động tham gia các hoạt động chống phá, gây rối tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tạo cớ cho sự can thiệp từ bên ngoài. Tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, con người được sống trong môi trường an ninh, an toàn và phát triển toàn diện, đó là cái quý nhất mà chúng ta đang có và là niềm ao ước của công dân nhiều nước trên thế giới.
MINH TÂN
[1] Ban Tư tưởng Tỉnh ủy Trà Vinh (1999), Lịch sử Trà Vinh tập 2 tr59-60
[2] Ban Tư tưởng Tỉnh ủy Trà Vinh (2005), Lịch sử tỉnh Trà Vinh tập 3, trang 59,60
[3] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Trà Vinh (2015), Phong trào yêu nước của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh (1930-2010), NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội (trang 227)
[4] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Trà Vinh (2015), Phong trào yêu nước của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh (1930-2010), NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội (trang 247)
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.