16/04/2024 15:42
Về phía địch: De Castries nhận được điện báo tin đã được phong quân hàm cấp tướng. Đây là việc làm theo sự gợi ý của Mỹ nhằm động viên quân lính đồn trú ở Điện Biên Phủ cố thủ. Đồng thời, Bộ Chỉ huy Pháp còn phong cho Langlais lên đại tá, Bigeard lên trung tá.
Vào lúc 16 giờ ngày 15/4, một chiếc máy bay C119 bay đến lượn mấy vòng rồi thả xuống một loạt dù, trong đó có một chiếc dù đỏ rơi gần trận địa của ta. Xẩm tối, chiến sĩ ta ra lấy dù, thấy có một chiếc hòm. Nó được đưa về trụ sở trung đoàn. Mở ra trong hòm toàn những gói quà gồm thuốc lá, rượu, xúc xích, dăm bông, áo may ô, lưỡi dao cạo râu và một lá thư màu hồng sực mùi nước hoa của vợ De Castries gửi cho chồng nhân dịp được thăng cấp tướng.
Quân Pháp nhảy dù tăng cường lực lượng xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tháng 12/1953. Ảnh tư liệu
Cùng ngày, Cogny tiếp Tư lệnh không quân Mỹ Patorigio đến để nghiên cứu lại kế hoạch "Diều hâu". Kế hoạch đó lúc này được sửa lại như sau: 90 máy bay oanh tạc hạng nặng B29 sẽ xuất phát từ Philippines đến đánh Điện Biên Phủ để cứu nguy cho quân lính đồn trú ở đây.
Về phía ta: Xung quanh cụm cứ điểm Hồng Cúm, các chiến sĩ của ta dùng súng trường, súng máy, sơn pháo, các cỡ súng cối lớn nhỏ sẵn sàng chờ địch xuất hiện. Sau nhiều lần bị ta đánh lừa, ban ngày quân địch không dám đi lại, không dám nhô đầu lên khỏi chiến hào. Bộ đội ta chui qua hàng rào cắm cờ, chờ những tên bò ra nhổ cờ là nổ súng. Địch bỏ mặc những lá cờ tiếp tục tung bay trong cứ điểm. Mỗi lần đi thu nhặt dù, địch phải tổ chức như một trận đánh, có xe tăng đi kèm và pháo bắn phối hợp.
Đêm 15/4, chiến hào của Trung đoàn 88 ở phía Tây và chiến hào Trung đoàn 141 ở phía Đông đều vượt qua năm lần rào tiến vào sân bay. Trận đánh quan trọng tiêu diệt trung tâm đề kháng bảo vệ sân bay Mường Thanh đã bắt đầu mà không có hỏa pháo chuẩn bị, không có dấu hiệu nào báo trước.
Nhận thấy sân bay Mường Thanh có nguy cơ bị cắt làm đôi, Huguette 6 ở phía Bắc sân bay sắp bị tiêu diệt, một nửa sân bay Mường Thanh, chiếm một phần năm diện tích tập đoàn cứ điểm sẽ lọt vào tay đối phương. De Castries ra lệnh Langlais lập tức tiến hành giải vây sân bay, trước hết là tiếp tế cho Huguette 6 ở đầu Bắc sân bay có thể bị tràn ngập bất cứ lúc nào.
Từ khu trung tâm Mường Thanh lên tới Huguette 6 (cứ điểm 105) nằm ở đầu Bắc sân bay có ba con đường. Đường thứ nhất qua sân bay, bằng phẳng, dài 1.500m thường xuyên bị hỏa lực ta bắn phá và lúc này đã có một trận địa nằm ngang. Đường thứ hai tiến dọc phía Tây sân bay, sử dụng một phần những gì còn lại của con đường Pavie nhưng muốn tới được Huguette 6 phải vượt qua được những tuyến hào mà quân ta đã bao vây chặt Huguette 1. Đường thứ ba là con hào thoát nước chạy dọc phía Đông đường băng đến đoạn thắt nút cổ chai ở Huguette thì buộc phải băng qua sân bay trống trải từ Đông sang Tây để tới được Huguette 1 và Huguette 6. Quân địch ở Huguette 6 mỗi ngày cần phải có 400 lít nước và cần phải vận chuyển trên quãng đường dài hơn 3.000m trước mũi súng của Việt Minh.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ
Ngày 15/4, Sở Chỉ huy binh đoàn cơ động số 4 và trận địa pháo địch trong thị xã Phủ Lý bị ta tập kích gây nhiều thiệt hại. Binh đoàn cơ động số 4 bị đánh quỵ phải lui về sau củng cố, Binh đoàn cơ động số 8 mới thành lập được đưa ra thay thế lập tức bị đòn đau. Trong cuộc giao chiến với Trung đoàn 64, du kích An Cừ và An Tổ, chúng đã bị đánh thiệt hại nặng, 2 tiểu đoàn hơn 300 tên địch bị tiêu diệt và bắt sống tại trận.
Bộ đội đánh địch ở An Khê (Trung Bộ). Ảnh tư liệu.
Cùng thời gian này, tại Sơn Tây, Hà Đông, Trung đoàn 254 cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích hai tỉnh đã liên tiếp tiêu diệt các vị trí Quảng Bị, Hạ Hồi, Đại Đình, Từ Châu, Lưu Xá, mở rộng vùng căn cứ và đã liên tiếp đánh bại các cuộc hành quân giải tỏa, tiêu biểu là trận Hạ Bằng đã tiêu diệt và bắt sống hơn 400 tên. Tại vùng tạm bị chiếm Nam Định, Trung đoàn 52 và các lực lượng của tỉnh đã thay nhau liên tục bao vây, uy hiếp quân địch co cụm ở Đông Biên và phục kích tiêu diệt các lực lượng tới tiếp viện. Tại Ninh Bình, bộ đội địa phương tỉnh đã tập kích tiêu diệt các vị trí Đức Hậu, Tự Tân, Nam Biên, Cảnh Tân, Duyên Mây… và phục kích địch trên đường số 10, số 59 và đã diệt được nhiều tên địch.
Đi đôi với các đòn tiến công quân sự, phong trào đấu tranh chính trị và công tác binh vận cũng đã phát triển với khí thế cao chưa từng có. Tại các vùng bị địch tạm chiếm, nhân dân đã nhất tề nổi dậy phá bỏ hầu hết các trại tập trung để trở về quê cũ làm ăn. Những âm mưu và kế hoạch dồn dân trở lại các trại tập trung để dễ bề kiểm soát đều bị nhân dân ta đấu tranh phá vỡ bằng nhiều hình thức. Điển hình là cuộc chống địch dồn dân vào trại tập trung Quý Kim để lập vành đai trắng xung quanh thị xã Kiến An. Cuộc đấu tranh này đã diễn ra trong nhiều ngày, thu hút hàng vạn người dân ở thị xã Kiến An, Đồ Sơn, Đồ Hải, Ngọc Quyên… và giành được thắng lợi to lớn.
Phong trào chống địch bắt lính cũng diễn ra sôi sục khắp miền đồng bằng châu thổ. Chỉ riêng ở Tả Ngạn trong 3 tháng đầu năm 1954 đã có tới hơn 200 cuộc đấu tranh. Ở Hà Nam, Nam Định nhân dân đã liên tục kéo vào thành phố đòi địch phải thả những thanh niên đang bị giam giữ trong các trại tập trung. Một số cuộc đấu tranh đã diễn ra với quy mô khá lớn và đạt được hiệu quả cao. Ví dụ tại huyện Mỹ Lộc, tháng 4/1954 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ địa phương hàng ngàn đồng bào đã kéo về bốt Đặng Xá đòi địch thả những thanh niên bị bắt.
Mặc dù địch thẳng tay đàn áp, ngăn cản nhưng đồng bào vẫn xông lên la hét phản đối dữ dội. Hàng trăm chị em phụ nữ nằm lăn ra đường cản xe địch, không cho chúng chở thanh niên về Nam Định. Chúng bắn dọa nhưng không một ai chùn bước. Các bà, các chị vừa tuyên truyền chính sách, vừa đanh thép tố cáo âm mưu địch, vây chặn, lôi kéo những người bị bắt ra khỏi thùng xe. Trước khí thế đấu tranh kiên quyết của đồng bào, địch buộc phải thả toàn bộ 1.250 người (phần lớn là thanh niên các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc).
Theo qdnd.vn
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010.
2. Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007.
3. Chiến dịch Điện Biên Phủ-Sự kiện và con số/Nguyễn Văn Thiết-Lê Xuân Thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.
4. Điện Biên Phủ-nhìn từ hai phía, Nxb Thanh Niên, 2004.
5. Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử/Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.
Sáng 25/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để xem xét nhiều nội dung quan trọng theo thẩm quyền.