24/05/2023 06:31
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Séc Batosek.
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao chuyến thăm của Phó Chủ tịch Jan Bartosek và Đoàn Nghị sĩ Hạ viện Séc; đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam hết sức coi trọng tăng cường quan hệ với các nước bạn truyền thống, trong đó có Séc; tin tưởng chuyến thăm của Đoàn sẽ góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước nói riêng và quan hệ hai nước nói chung.
Phó Chủ tịch Hạ viện Séc Jan Bartosek trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành thời gian tiếp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Đoàn trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam. Phó Chủ tịch Hạ viện Séc nhấn mạnh, mối quan giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua đã kết thành những “trái ngọt” và cả hai bên đều mong muốn thúc đẩy hơn nữa. Về phía Séc, mong muốn này đã thể hiện rõ nét qua chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Séc năm 2022, trong đó, Thủ tướng Séc đã đề nghị nâng cấp quan hệ Việt Nam – Séc lên đối tác chiến lược, trước đó là các chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Séc...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Séc đã luôn ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây và xây dựng, phát triển đất nước hiện nay. Đặc biệt, Séc đã giúp Việt Nam đào tạo hàng nghìn cán bộ hiện đang giữ nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy nhà nước. Chia sẻ đã từng nghiên cứu, học tập tại Séc và Slovakia từ những năm 1980, Chủ tịch Quốc hội cho biết, luôn coi Séc và Slovakia như quê hương thứ hai của mình. Năm 2013, Séc đã công nhận cộng đồng người Việt Nam tại Séc là một trong các dân tộc thiểu số tại Séc. Đây là điều rất đặc biệt, có ý nghĩa rất quan trọng, căn bản để tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ hai nước.
Phó Chủ tịch Hạ viện Séc Jan Bartosek khẳng định cộng đồng người Việt tại Séc là một phần không thể tách rời của Séc; cho biết, Nghị viện, Chính phủ và nhân dân Séc rất tự hào về quyết định công nhận cộng đồng người Việt tại Séc là dân tộc thiểu số của Séc.
Toàn cảnh cuộc đón tiếp.
Hai bên nhất trí cho rằng, Việt Nam và Séc có rất nhiều tiềm năng hợp tác, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Séc mong muốn tiếp tục có hiệp định về hợp tác đào tạo giữa hai nước nước, cung cấp học bổng sau đại học cho nghiên cứu sinh Việt Nam, qua đó sẽ góp phần củng cố, tăng cường tình hữu nghị, tình bạn giữa nhân dân hai nước.
Đề cập các lĩnh vực hai bên cần thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Hạ viện Séc Jan Bartosek mong muốn hai nước sớm mở đường bay thẳng để thúc đẩy hợp tác du lịch, bởi nhiều người dân Séc xem Việt Nam là điểm du lịch lý tưởng với phong cảnh đẹp, đồ ăn ngon, văn hoá phong phú. Cộng hòa Séc cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại hai nước theo hướng cân bằng hơn, nhất là với các sản phẩm nông nghiệp như thịt bò, thịt lợn...; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, hợp tác phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma tuý.
Nhất trí với các đề xuất của Phó Chủ tịch Hạ viện Séc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp, hai nước hoàn toàn có thể đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực. Trong đó, về hợp tác thương mại, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, kim ngạch song phương Việt Nam – Séc hiện chưa đến 1 tỷ USD là rất thấp so với tiềm năng hai nước cũng như so với tổng kim ngạch thương mại 750 triệu USD của Việt Nam. Hai nước có nền kinh tế không cạnh tranh trực tiếp mà bổ sung cho nhau nên cần tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá nước này vào nước kia. Tích cực ghi nhận đề xuất của Séc về việc nhập khẩu thịt bò, thịt lợn, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ chuyển kiến nghị này đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam. Với thế mạnh về công nghệ, Cộng hòa Séc có thể đầu tư các nhà máy chế biến nông sản tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc tiếp.
Mong muốn có nhiều nhà đầu tư Séc và châu Âu hoạt động tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam hiện nay thuộc nhóm 20 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất toàn cầu nhưng đầu tư của EU và Séc vào Việt Nam còn hạn chế. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động khó lường như hiện nay, việc tăng cường hợp tác giữa hai bên là rất quan trọng. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Séc cùng thúc đẩy các nước còn lại trong EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu để mở rộng hơn nữa cơ hội hợp tác đầu tư giữa hai bên; thúc đẩy EC sớm gỡ thẻ vàng IUU với thuỷ sản Việt Nam.
Nhấn mạnh Cộng hòa Séc ủng hộ quan điểm, lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, Phó Chủ tịch Hạ viện Séc tin tưởng, Việt Nam và Séc là những quốc gia luôn tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế vì ở đâu có hoà bình, ổn định thì ở đó mới phát triển được. Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Séc ủng hộ quan điểm, lập trường của Việt Nam và ASEAN trong bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông trên cơ sở tuân thủ Luật Biển năm 1982.
Bày tỏ ủng hộ việc mở đường bay thẳng giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, điều này sẽ được hiện thực hoá trong thời gian không xa bởi nhu cầu đi lại, giao lưu văn hoá, hợp tác đầu tư... giữa hai bên ngày càng gia tăng, đây cũng là mong mỏi của cộng đồng người Việt tại Séc. Về đề xuất gia hạn visa cho công dân Séc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp đang diễn ra, Quốc hội Việt Nam sẽ sửa đổi, bổ sung hai Luật liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh, trong đó sẽ xem xét vấn đề visa nhập cảnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng gửi lời mời Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Séc sớm thăm Việt Nam; hai bên có thể cập nhật, ký lại thoả thuận hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước cho phù hợp với tình hình mới; mong muốn Nghị viện Séc cử Đoàn đại biểu nghị sĩ trẻ tham dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức vào tháng 9 tới.
Tiếp đó, Phó Chủ tịch Hạ viện Séc và các thành viên Đoàn đã dự khán phiên họp toàn thể của Quốc hội.
Theo quochoi.vn
Chiều 29/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ ra mắt Nền tảng Sách, báo điện tử thiết yếu phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo về thông tin, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025.