25/03/2024 08:45
Trong những ngày tháng 3/1975, hoạt động ở Nhà in Anh Dũng tỉnh Trà Vinh vô cùng sôi nổi và khẩn trương. Đồng chí Bùi Quang Huy (Chín Nhỏ, sinh năm 1941), Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên huấn tỉnh lúc đó, chỉ đạo điều động thêm các đồng chí từ Tiểu ban Văn nghệ, Văn phòng Ban Tuyên huấn tỉnh sang hỗ trợ Nhà in Anh Dũng trong công tác in ấn và động viên cán bộ, công nhân Nhà in Anh Dũng phải gắp rút hoàn thành khối lượng lớn ấn phẩm tuyên truyền, cung cấp cho lực lượng cán bộ chính trị vận động Nhân dân nội ô thị xã nổi dậy cùng lực lượng vũ trang hình thành ba mũi giáp công, giải phóng thị xã Trà Vinh.
Khi chúng tôi hoàn thành những trang in cuối cùng cũng là lúc các lực lượng ta xuất quân vào chiến dịch.
Hoạt động in ấn phục vụ công tác tuyên truyền trong kháng chiến ở tỉnh Trà Vinh đã có từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập Chi bộ đầu tiên tại làng An Trường, quận Càng Long, làng Mỹ Hòa, Mỹ Thập, quận Cầu Ngang năm 1930 - 1931 (xem Lịch sử tỉnh Trà Vinh Tập Một (1732 - 1945) - Ban Tư tưởng Tỉnh ủy Trà Vin ấn hành năm 1995, trang 171 ,172, 173, 174…).
Hoạt động cách mạng trong điều kiện bí mật lúc bấy giờ, những tổ chức gọn nhẹ của Đảng không nhất thiết phải có một cơ sở in ấn riêng biệt, mà các vị cách mạng tiền bối trong tổ chức Đảng thời đó đã khéo léo, bí mật tranh thủ sự giúp đỡ của Nhân dân, các hộ công kỹ nghệ gia yêu nước làm nghề in ấn trong vùng địch kiểm soát ở Trà Vinh hoặc Mỹ Tho, Cần Thơ, Sài Gòn, in ấn những tờ truyền đơn, kêu gọi các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh cùng Đảng Cộng sản Việt Nam đứng lên làm cách mạng.
Kế tục truyền thống ngành in phục vụ công tác lãnh đạo của tổ chức Đảng tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến, sau khi Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh thành lập vào cuối năm 1951 (lúc mới thành lập gọi là Ban Tuyên huấn tỉnh Vĩnh Trà 1951 - 1954), năm 1953, đồng chí Vũ Đình Liệu (Tư Bình, 1919 - 2005), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Trà, Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh chỉ đạo thành lập Tổ Ấn loát, in ấn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền. Giữa năm 1959, với kỹ thuật in bột thô sơ, Tổ Ấn loát do đồng chí Tăng Hồng Phúc (Sáu Đức), Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn - Tổ chức Tỉnh ủy chỉ đạo đã có những trang in đầu tiên, in tài liệu cho Trường Đảng tỉnh mở lớp huấn luyện cán bộ trong căn cứ bí mật tại xã Long Toàn, huyện (nay là thị xã) Duyên Hải, với gần 30 học viên(1).
Thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, mở đường cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với việc thành lập lực lượng võ trang làm “đòn xeo” hỗ trợ phong trào Nhân dân nổi dậy diệt ác ôn, phá thế kềm kẹp của chính quyền Mỹ - Diệm, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Văn Long (Mười Dài, 1925 - 2008), chỉ đạo ngành Tuyên huấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động Nhân dân đứng lên làm cuộc kháng chiến trường kỳ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Do yêu cầu thiết thực của cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, đòi hỏi hoạt động in ấn tài liệu ngày càng cao mà kỹ thuật in ấn thô sơ không đáp ứng kịp. Từ năm 1960, Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định thành lập Nhà in trên cơ sở Tổ Ấn loát Ban Tuyên huấn tỉnh, thành một trong bảy tiểu ban/bộ phận trực thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh.(2)
Nhà in tỉnh Trà Vinh mới thành lập do đồng chí Phạm Văn Mới (Tư Cũ 1927 - 1971), quê quán Ấp 17, xã Long Hữu, huyện Cầu Ngang (nay thị xã Duyên Hải) làm Trưởng Nhà in (chức danh Trưởng Nhà in sau được gọi là Giám đốc Nhà in).
Cùng với kỹ thuật in bột, Nhà in Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh sau khi thành lập được Tỉnh ủy cấp kinh phí kháng chiến mua thêm máy in Roneo và mực, bản kẻm, giấy sáp, giấy chuyên dụng ngành in. Một số đồng chí có kiến thức về đánh máy chữ, trình bày văn bản như: đồng chí Bùi Duy Liêm (Bảy Thọ, 1937), quê quán xã Hiệp Mỹ; Nguyễn Văn Som (1941), quê quán xã Long Hữu, huyện Cầu Ngang; Họa sĩ Liêu Tử Phong (Phong Ba, 1940 - 2022), người Việt gốc Hoa, quê quán huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre; Dương Minh Tâm (Hai Nhỏ, 1941), quê quán xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành vào rừng Duyên Hải gia nhập Ban Tuyên huấn tỉnh tham gia kháng chiến đã được Ban Tuyên huấn tỉnh bố trí công tác tại Nhà in tỉnh.
Nhịp nhàng với các hoạt động võ trang diệt ác, phá thế kềm kẹp của địch, trung tuần tháng 7/1960, từ căn cứ rừng Long Vĩnh, Nhà in Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh in ấn, phát hành nhiều truyền đơn do Tiểu ban Báo chí, Tuyên truyền biên soạn, tố cáo tội ác quân đội Việt Nam cộng hòa Ngô Đình Diệm, truyền đơn được đánh máy trên giấy sáp và in bằng máy Roneo quay tay, phát hành đến nhiều xã do giặc tạm chiếm ở huyện Cầu Ngang và Càng Long.
Tiếng súng diệt ác của lực lượng võ trang và ấn phẩm tuyên truyền của Nhà in Ban Tuyên huấn tỉnh xuất hiện, như một luồng gió mới thổi vào niềm khát khao thống nhất nước nhà, làm nức lòng “cán bộ nằm vùng” và Nhân dân Việt - Khmer trong tỉnh Trà Vinh dưới chế độ độc tài phát xít Ngô Đình Diệm.
Mặc dù có trong tay máy chém từ Luật 10/59 của Tổng thống Ngô Đình Diệm, bọn đồ tể của Ngô Đình Diệm từng kéo lê máy chém đến Trà Vinh hành huyết cán bộ nằm vùng, nhưng trước sự xuất hiện các ấn phẩm truyền đơn do Nhà in Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh lưu hành, chính quyền Việt Nam cộng hòa của Ngô Đình Diệm ở Vĩnh Bình (Trà Vinh) vẫn vô cùng nao núng. Trong Công văn số 1509/P4/A/M có dấu “MẬT” đề ngày 01/8/1960 của Trưởng ty Công an Vĩnh Bình đệ trình Tỉnh trưởng Vĩnh Bình và Tổng Giám đốc Cảnh sát và Công an Việt Nam cộng hòa, Sài Gòn và Giám đốc cơ quan đại diện Cảnh sát và Công an miền Tây - Phong Dinh, đã tham chiếu báo cáo thường nhật của Ty số 120/BC-M, ngày 27/7/1960 về việc Việt cộng võ trang tuyên truyền và rải truyền đơn, có đoạn viết: “...cũng trong đêm nói trên, tại các xã Mỹ Cẩm, Phương Thạnh, Đức Mỹ và xung quanh khu Trù Mật Lo Co, xã An Trường (Càng Long - Vĩnh Bình), bọn Việt cộng rải một số truyền đơn chống đối và xuyên tạc Chánh phủ ta. Sau khi hay tin, chánh quyền ta đến nơi thâu lượm hết số truyền đơn Việt cộng nói trên đem về Nha quận Càng Long để nghiên cứu và truy nã Việt cộng.
Kính đính hậu để tường trình lên qúy tòa, quý Tổng nha và quý cơ quan 9 loại truyền đơn Việt cộng nói trên...”.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nhà in Ban Tuyên huấn tỉnh Bến Tre đã dựa vào địa hình hiểm trở vùng ven biển xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải xây dựng căn cứ, kho tàng cất giấu thiết bị hoạt động ngành in, phục vụ công tác tuyên truyền của Ban Tuyên huấn tỉnh Bến Tre. Nhờ sự che chở của Nhân dân xã Trường Long Hòa, Nhà in Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bến Tre được bảo vệ an toàn trong suốt 09 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Hòa bình lập lại (20/7/1954), Tỉnh ủy Bến Tre chỉ đạo Ban Tuyên huấn tỉnh phân công hai đồng chí Võ Tấn Nhứt và Phan Văn Châu, cán bộ Nhà in tỉnh dùng ghe vượt sông Cổ Chiên đi vào rừng Trường Long Hòa chở dụng cụ, máy móc Nhà in tỉnh về rừng Cái Cát, vùng ven biển huyện Thạnh Phú, xây dựng căn cứ tiếp tục hoạt động in ấn phục vụ kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Đầu năm 1960, Nhà in tỉnh Bến Tre bắt đầu trang bị chữ chì ty-pô in báo Đảng tỉnh Bến Tre khổ lớn (30 x 40cm), hai màu rõ, đẹp (Theo “Lịch sử ngành Tuyên giáo tỉnh Bến Tre 1930 - 2010” - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre ấn hành năm 2013).
Để chuẩn bị cho việc xuất bản tờ báo Đảng địa phương mang danh nghĩa cơ quan ngôn luận của Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Trà Vinh, đầu năm 1964, Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo Ban Tuyên huấn tỉnh phân công một tổ 03 đồng chí cán bộ Nhà in tỉnh do đồng chí Bùi Duy Liêm (Bảy Thọ, 1937), quê quán ấp Bến Chùa xã Hiệp Mỹ, huyện Cầu Ngang(3) làm Tổ trưởng đi sang tỉnh Bến Tre học tập kỹ thuật in chữ chì và nhờ sự giúp đỡ của Ban Tuyên huấn tỉnh Bến Tre mua bộ chữ chì cho Nhà in tỉnh Trà Vinh.
Sau gần một năm học tập, tổ công nhân đồng chí Bảy Thọ đã nắm vững và làm chủ được kỹ thuật in chữ chì ty-pô. Được sự giúp đỡ của Ban Tuyên huấn tỉnh Bến Tre, mà trực tiếp là đồng chí Nguyễn Thành Trung, Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh Bến Tre giai đoạn 1964 - 1966, đã phân công đồng chí Nguyễn Thành Long, người đã từng tiếp cận được với ông Nguyễn Công Khai tại Sài Gòn, ông Nguyễn Công Khai lại nhờ một người dân cơ sở cách mạng khác tên ông Bảy Đua mua dùm tổ công tác Nhà in tỉnh Trà Vinh bộ chữ chì ty-pô và những dụng cụ thiết yếu khác của ngành in. Mua được bộ chữ chì, Tổ công tác đồng chí Bảy Thọ đi bộ từ căn cứ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bến Tre trong khu rừng huyện Bình Đại, len lỏi vượt qua đồn bót, giang thuyền, các trận càn quét, đánh phá ác liệt của địch, mang bộ chữ chì trên lưng và kiến thức ngành in trong đầu về cặp bến vàm Trà Vinh rồi sau đó tiếp tục đưa về đến Nhà in Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh một cách an toàn. Giữa căn cứ kháng chiến rừng Long Vĩnh (Duyên Hải), cán bộ, công nhân Nhà in Ban Tuyên huấn tỉnh nhìn bộ chữ chì còn mới nguyên, trong lòng mỗi người dấy lên niềm vui khôn tả.
Sau 03 năm (1960 - 1963), vừa tranh đấu, vừa chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật nghề báo trong điều kiện hoàn toàn bí mật trước lưỡi lê, họng súng khát máu của quân thù xâm lược, tháng 6/1964, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh công khai cho ra mắt công chúng trong và ngoài tỉnh tờ báo tự hào mang tên Anh Dũng - Cơ quan của Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Trà Vinh.
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ in ấn số báo đầu tiên mang tên báo Anh Dũng, Nhà in tỉnh Trà Vinh cũng được thay tên thành Nhà in Anh Dũng thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh và được xưng tên công khai trên Báo Anh Dũng.
Do trang thiết bị của một Nhà in chữ chì cồng kềnh và nặng nhọc, nên khi Ban Tuyên huấn tỉnh di chuyển căn cứ từ rừng Long Vĩnh, huyện Duyên Hải về xây dựng căn cứ bám trụ tại xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, sau đó chuyển qua xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, Nhà in Anh Dũng vẫn bám trụ căn cứ rừng Long Vĩnh hoạt động.
Từ năm 1964, các ấn phẩm báo chí của tỉnh như Báo Anh Dũng chữ Việt, Báo Anh Dũng phiên bản chữ Khmer, Tập san Văn Nghệ Lửa Hồng, sau khi biên soạn xong, có khi từ xã Vĩnh Xuân (huyện Trà Ôn), có khi ở xã Tam Ngãi (huyện Cầu Kè), Tiểu ban Thông tấn báo chí, Tiểu ban Văn nghệ cử Họa sĩ Huỳnh Thanh Sơn, sinh năm 1950, quê quán xã Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, cán bộ Tiểu ban Văn nghệ, Ban Tuyên huấn tỉnh, cùng vài người nữa, mang bản thảo và maket về căn cứ Nhà in Anh Dũng xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải để in. Ban Tuyên huấn tỉnh cử hai cán bộ, bà Lý Thị Ánh Tuyết (Út Quắn), ông Mạch Văn Huê, chuyên trách làm công tác tiếp liệu, dựa vào sự giúp đỡ nhiệt tình và can đảm của Nhân dân, mua văn phòng phẩm từ vùng địch kiểm soát về cho Văn phòng Ban Tuyên huấn tỉnh, vật tư chuyên ngành cho Nhà in Anh Dũng. Đến năm 1967, Nhà in Anh Dũng tỉnh Trà Vinh di chuyển căn cứ từ rừng Long Vĩnh về các căn cứ lần lượt như: ấp Tất Vinh, ấp Rạch Dừa, ấp Nhị Hòa, xã Đại Phước; ấp Đức Hiệp, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long; ấp Cả Chương, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè…, nhờ vào sự giúp đỡ, đùm bọc, bảo vệ của Nhân dân, xây dựng căn cứ hoạt động in ấn phục vụ hoạt động báo chí, xuất bản của tỉnh trong kháng chiến.
15 năm (1960 - 1975), dưới tầm bom đạn Mỹ, di chuyển qua nhiều vùng căn cứ khác nhau, 47 cán bộ(4), công nhân Nhà in Anh Dũng - Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh cho ra mắt bạn đọc trong tỉnh hàng vạn trang in mang ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, niềm khát khao thống nhất đất nước của quân và dân trong tỉnh.
Người viết bài này từng được lãnh đạo Ban Tuyên huấn phân công đến Nhà in Anh Dũng làm công nhân, hỗ trợ “thức đêm bắt cuốn”, để cho việc in ấn sớm hoàn thành, ấn phẩm kịp thời được đưa ra mặt trận.
Chuẩn bị Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng thị xã Trà Vinh ngày 30/4/1975, công nhân Nhà in Anh Dũng do đồng chí Dương Minh Tâm (Hai Nhỏ) giữ chức Giám đốc, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ in ấn một khối lượng lớn tài liệu tuyên truyền cung cấp cho lực lượng cán bộ chính trị vận động quần chúng Nhân dân nội ô thị xã nổi dậy cùng lực lượng vũ trang hình thành ba mũi giáp công, giải phóng thị xã Trà Vinh. Khi những trang in cuối cùng hoàn thành cũng là lúc các lực lượng của ta xuất quân vào chiến dịch.
Vừa làm công tác chuyên môn, cán bộ, công nhân Nhà in Anh Dũng vừa là chiến sĩ tham gia cùng quân và dân địa phương nơi Nhà in đóng quân, chống địch càn quét, bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ căn cứ Nhà in, bảo vệ những trang viết tràn đầy nhiệt huyết của người làm báo kháng chiến. Nhà in Anh Dũng còn đồng thời tuyển chọn nam công nhân có điều kiện đưa ra mặt trận bổ sung lực lượng vũ trang khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân dân tỉnh Trà Vinh bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Có 08 cán bộ, công nhân gồm: Phạm Văn Mới (Tư Cũ - Giám đốc), Nguyễn Văn Tài, (Năm Giò - Giám đốc), Nguyễn Thị Huân (Phó Giám đốc), Lê Văn Xứng, Nguyễn Văn Tích, Nguyễn Văn Tiến, Lâm Văn Viễn, Sơn Chum (Hai Nam)… đã anh dũng hy sinh, được công nhận liệt sĩ!
Sau đây là hình ảnh một số ấn phẩm tiêu biểu của Nhà in Anh Dũng tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến:
Ấn phẩm tuyên truyền do Nhà in Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh in ấn tại căn cứ rừng Long Vĩnh, huyện Duyên Hải tháng 7/1960, được lưu hành nhiều nơi trong tỉnh trước ngày đồng khởi 14/9/1960, làm cho kẻ địch vô cùng lo âu. Ảnh: TRẦN ĐIỀN
Báo Anh Dũng trong kháng chiến được Nhà in Anh Dũng in bằng hai thứ chữ Việt - Khmer. Ảnh: TRẦN ĐIỀN
Tựa báo Anh Dũng số Xuân Giáp Dần năm 1974 được thay đổi kiểu chữ. Ảnh: Tư liệu Hội Nhà báo tỉnh Trà Vinh
Nữ công nhân Nhà in Anh Dũng tỉnh Trà Vinh, xinh đẹp trong kháng chiến. Ảnh Tư liệu Hội Nhà báo tỉnh Trà Vinh
TRẦN ĐIỀN
(Cựu phóng viên Báo Anh Dũng tỉnh Trà Vinh sưu khảo).
(1) Xem thên “Trường Đảng tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến” cùng tác giả - Báo Trà Vinh điện tử số ra ngày 03/02/2024.
(2) Xem thêm “Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh - 24 mùa xuân trong lửa đạn chiến tranh” - cùng tác giả - Báo Trà Vinh số Xuân Giáp Thìn 2024.
(3) Năm 1961, đồng chí Bùi Duy Liêm (Bảy Thọ) học xong Tú tài đôi, tại thị xã Trà Vinh, thi đậu tại thị xã Vĩnh Long, có nghề đánh máy chữ, được Văn phòng tỉnh trưởng Vĩnh Bình mời làm thư ký riêng cho Tỉnh trưởng, nhưng đồng chí Bảy Thọ nghe lời gia đình, từ chối lời mời, về quê vào rừng tham gia kháng chiến làm một trong những công nhân đầu tiên tại Nhà in Ban Tuyên huấn tỉnh, đến năm 1973, lúc đang làm Trưởng (Giám đốc) Nhà in Anh Dũng, đồng chí nghỉ việc. Năm 2024, đồng chí Bảy Thọ bước vào tuổi 87, đang sinh sống cùng gia đình tại Ấp 15, xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải.
(4) 48 đồng chí cán bộ, công nhân Nhà in Anh Dũng (chưa đầy đủ, còn đang sưu tập), có tên như sau: Phạm Văn Mới (Tư Cũ - Giám đốc), Nguyễn Văn Tài (Năm Giò - Giám đốc), Bùi Duy Liêm (Bảy Thọ - Giám đốc), Dương Minh Tâm (Hai Nhỏ - Giám đốc), Huỳnh Văn Say (Sáu Phải), Nguyễn Thị Huân (Phó Giám đốc), Liêu Tử Phong (Phong Ba), Nguyễn Văn Som, Dương Thị Thanh Hà (Tư Nhỏ), Phạm Văn Trí (Hai Ngoan), Huỳnh Thanh Hà, Phan Ngọc Diệp, Phạm Trung Chỉnh, Nguyễn Thị Bé, Nguyễn Thị Mười (Mười Thắng), Huỳnh Thị Xá, Trần Văn Đờn, Phạm Bình Đẵng, Nguyễn Văn Nhưỡng, Huỳnh Văn Đức, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Minh Tiến, Lâm Văn Viễn, Phạm Văn Chiểu, Phạm Văn Chua, Hồ Văn Danh, bà Ba Hường, Huỳnh Thị Hiệp, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Văn Nhuận, Sơn Chum (Hai Nam), Thạch Niện, Lê Văn Xứng, Phạm Văn Hựu (Ba Xuông), Bùi Thế Giới, Nguyễn Thị Mỹ Đang, bà Nguyệt (vợ ông 8 Nhuận), Nguyễn Văn Tích, ông Tám Hậu, ông Ba Huỳnh, ông Sáu Truyền, Phạm Minh Hoàng (con ông Tư Cũ), Phạm Văn Hoàng, …Thị Bé Ba (con ông 10 Đường - 7 Trạm), …Thị Huyền, …Lý Thị Ánh Tuyết (Út Quắn), Mạch Văn Huê, Phan Thanh Thảo…
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.