05/07/2022 17:32
Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 06 tháng đầu năm, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, đến nay cơ bản đạt khá: tốc độ tăng trưởng GRDP 06 tháng đầu năm ước đạt 3,06%; giá trị sản xuất 06 tháng đầu năm đạt 42.014 tỷ đồng, trong đó, khu vực I đạt 12.154 tỷ đồng, tăng 6,8% so cùng kỳ; khu vực II đạt 20.028 tỷ đồng; khu vực III đạt 9.832 tỷ đồng, tăng 3,15% so cùng kỳ; tổng thu ngân sách đạt 71,9% dự toán, thu nội địa 3.085 tỷ đồng, đạt 59,5% so dự toán...
Quang cảnh kỳ họp.
Một số công trình lớn hoàn thành đưa vào hoạt động như: Bệnh viện đa khoa 700 giường; cống kênh 3 tháng 2; Dự án Luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào Sông Hậu (giai đoạn 2) đã khởi công và một số công trình quan trọng khác.
XDNTM tiếp tục tập trung, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đã công nhận huyện Châu Thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới, 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại - du lịch tiếp tục được tập trung thực hiện; khởi động 02 cụm công nghiệp Hiệp Mỹ Tây huyện Cầu Ngang và Phú Cần huyện Tiểu Cần; tiếp tục đầu tư các dự án điện gió… góp phần tích cực để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về thích ứng linh hoạt, an toàn, phục hồi kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số khó khăn, hạn chế: tăng trưởng kinh tế (GRDP) âm 2,37%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt thấp; thu hút đầu tư còn ít; vốn đầu tư toàn xã hội giảm; chỉ số PCI giảm. Điều kiện sản xuất của Nhân dân tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn, giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng; một số dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi còn tiềm ẩn khó kiểm soát; một số mặt hàng nông sản đầu ra không ổn định; giá xăng dầu tăng; dịch bệnh nguy hiểm trên người còn diễn biến khá phức tạp...
Hòa thượng Thích Trí Minh phát biểu tại kỳ họp.
Hòa thượng Thích Trí Minh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Cầu Kè phát biểu: hiện nay, ngành sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, chi phí đầu vào tiếp tục tăng và không có dấu hiệu giảm, làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp cũng giảm, nông sản, sản phẩm khó tiêu thụ, tồn đọng khiến nông dân phải sản xuất cầm chừng, thậm chí thua lỗ, phá sản. Nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn này, Hòa thượng Thích Trí Minh đề xuất một số giải pháp: hiện nay, mặc dù chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho tổ hợp tác, hợp tác xã tuy có nhiều nhưng vẫn còn dàn trải, chưa có nhiều nguồn lực để tổ chức thực hiện.
Mặt khác, khi được tuyên truyền vận động vào hợp tác xã thì tâm lý chung của người dân vẫn còn e ngại khi tham gia, vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, các ngành, các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất an toàn, giảm giá đầu vào, tăng giá trị đầu ra, tránh tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Các sở, ban ngành tiếp tục phối hợp với nhau một cách đồng bộ, nhịp nhàng để hỗ trợ cho các hợp tác xã hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Nhà nước tiếp tục ban hành các nghị quyết, các chính sách cụ thể để hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ, con giống, cây giống có chất lượng cao, hỗ trợ hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, liên kết sản xuất. Cần có những quy định quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào, đầu ra các loại hàng hóa vật từ nông nghiệp để hạn chế tình trạng giả, kém chất lượng lưu thông, mua bán trên thị trường gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất và thu nhập của nông dân. Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nông dân và địa phương, tránh tình trạng sản xuất được mùa, mất giá, được giá mất mùa, không tiêu thụ được sản phẩm đầu ra.
Đại biểu Trần Thị Kim Chung phát biểu ý kiến tại kỳ họp.
Bà Trần Thị Kim Chung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cầu Ngang, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Cầu Ngang ý kiến: thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, bằng nhiều nguồn lực, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang đã triển khai đầu tư, nâng cấp các cầu, đường nông thôn, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, nhất là vận chuyển hàng hóa của Nhân dân. Tuy nhiên, địa bàn xã Vinh Kim có tuyến đê bao Sông Tiền đoạn qua địa bàn ấp Rẫy đi ấp Rẫy A là tuyến đê phục vụ công tác ngăn triều cường, đây cũng là tuyến đường lưu thông huyết mạch và độc đạo của Nhân dân ấp Rẫy A, với 276 hộ dân gồm 1.193 nhân khẩu đang sinh sống. Tuyến đê này dài gần 07km, năm 2015 được đầu tư duy tu sữa chữa và nâng cấp mặt đê từ nguồn vốn khắc phục hạn mặn, đến nay do nhu cầu vận chuyển hàng hóa rất cao, dẫn đến lưu lượng xe tham gia lưu thông nhiều do đó hiện tại tuyến đê bao này đã bị xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn và nguy hiểm cho phương tiện, người dân khi tham gia lưu thông.
Trên cơ sở báo cáo và đề nghị của UBND huyện đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các phòng chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát thực tế, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được đầu tư, nâng cấp, gây khó khăn cho người dân địa phương trong việc đi lại nhiều năm nay, do đó để tạo điều kiện cho người dân an tâm, đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo ngành chức năng tiếp tục khảo sát, đánh giá, nâng cấp tuyến đê này bằng giải pháp phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Văn Phương.
Ông Nguyễn Văn Phương, Bí thư Huyện ủy Tiểu Cần, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Tiểu Cần ý kiến: được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực, phấn đấu của các sở, ngành và địa phương, tình hình kinh tế - xã hội 06 tháng đầu năm cơ bản đạt được một số kết quả quan trọng, nổi bật là tổng thu ngân sách đạt 72% so dự toán, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Bên cạnh những kết quả đạt được, 06 tháng đầu năm 2022 còn một số tồn tại, hạn chế nhất định.
Để thực hiện đạt các chỉ tiêu nghị quyết năm 2022 đề ra, đề xuất lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm, có nhiều vướng mắc; công tác quyết toán dự án vốn đầu tư dự án hoàn thành còn chậm; tình trạng đất công bị lấn, chiếm chưa được xử lý kịp thời; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất công còn chậm.
Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp chưa mang lại hiệu quả, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa đồng đều, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; việc nhân rộng mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào trong thực tiễn sản xuất chưa nhiều, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, thời gian tới, UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn. Công tác XDNTM tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng một số tiêu chí chưa mang tính bền vững.
Từ những hạn chế, khó khăn trên, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Tiểu Cần đề xuất một số giải pháp: tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và địa phương quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo tinh thần Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND, ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Tăng cường huy động các nguồn lực, thực hiện các giải pháp nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, môi trường, hỗ trợ phát triển sản xuất... tranh thủ mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Tăng cường chỉ đạo, uốn nắn trong đầu tư công, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân đảm bảo đúng tiến độ; tăng cường chỉ đạo quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành, nhất là nghiên cứu nguồn vốn địa phương để ưu tiên phân bổ các xã XDNTM nâng cao.
Ông Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu, làm rõ các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp.
Ông Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu, ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu HĐND tỉnh, đồng tình, nhất trí cao với các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong 06 tháng cuối năm; đồng thời giải trình thỏa đáng các ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Sáng 25/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để xem xét nhiều nội dung quan trọng theo thẩm quyền.