31/05/2023 20:02
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng đã gợi mở nhiều giải pháp để trị ''căn bệnh'' này; đồng thời đề nghị sớm có văn bản pháp lý cụ thể hóa quan điểm của Đảng nhằm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Toàn cảnh phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, đa số ĐBQH bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đạt được ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, nhất là trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực và thế giới phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời giúp kinh tế nước ta phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19 và đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được quan tâm, quốc phòng, an ninh được tăng cường, chỉ số giá tiêu dùng CPI và các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước.
Căn bệnh né tránh, sợ trách nhiệm, thói vô cảm đang có xu hướng lan nhanh trong nền công vụ.
Đại biểu Đặng Xuân Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết, cử tri và Nhân dân cả nước đang trông chờ cả hệ thống chính phủ khẩn trương hơn, quyết liệt hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục cho được những bất cập, hạn chế trong tổ chức thực thi pháp luật, tính cấp thiết phải vượt qua được căn bệnh né tránh, sợ trách nhiệm, thói vô cảm đang có xu hướng lan nhanh trong nền công vụ.
Đại biểu Đặng Xuân Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An
Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh băn khoăn tại sao từ trước đến nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện, không những thế, còn lan rộng từ trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư. Theo đại biểu, hiện nay bên trong một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm gồm hai nhóm cán bộ. Một là nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Hai là nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, đối với nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích riêng, chúng ta có thể khắc phục được ngay vì từ trước đến nay trong bất kỳ thời điểm nào hay ở bất kỳ cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng tồn tại một số ít cán bộ có bản chất như vậy.
Giải pháp cấp thiết cần phải làm ngay là ưu tiên thay thế những cán bộ ấy này những cán bộ tốt, những bộ có đủ tâm huyết và trách nhiệm. Nhưng về lâu dài, ngoài Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đại biểu đề xuất Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật có liên quan đến công chức, viên chức để đảm bảo tính đồng nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn để làm cơ sở khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Đối với nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm, đại biểu cho rằng đây là nhóm cán bộ chiếm số đông trong số cán bộ sợ trách nhiệm, chính họ đã tạo ra những hạn chế nêu trên. Đây cũng là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống. Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, những cán bộ này lo sợ vi phạm pháp luật vì một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện. Điển hình như cùng một nội dung quy định nhưng lại có hai cách hiểu khác nhau hay cùng một nội dung công việc nhưng lại có hai văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện không đồng nhất.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh.
Nguyên nhân thứ hai làm cho cán bộ lo sợ vi phạm pháp luật là công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng đi vào thực chất cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt và ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, có những vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước đến nay được phát hiện và do mức độ vi phạm nghiêm trọng nên bị xử lý hình sự. Chính từ những vụ án này đã làm cho nhiều cán bộ lo sợ, bởi lẽ, những cán bộ ấy đã từng làm các công việc tương tự vào những thời điểm trước đây, từ đó đã tạo ra hiệu ứng lây lan đến một số cán bộ khác, hình thành nên tâm lý ngán ngại, lo sợ, sợ bị kỷ luật, nhất là sợ bị xử lý hình sự.
Đồng tình với phân tích của đại biểu Trần Quốc Tuấn Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, đại biểu Trần Hữu Hậu - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nêu thực tế: “Trong không ít các việc lớn, việc nhỏ nếu quyết định thực hiện để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, để đem đến hiệu quả cho dân, cho nước thì phải vi phạm không nhiều thì ít các quy định hiện hành hoặc pháp luật của Nhà nước. Do vậy, những người thấy làm sai quy định, sai luật dù vì lợi ích chung mà không biết sợ thì có lẽ là điếc không sợ súng hoặc thiếu ý thức tổ chức kỷ luật. Cũng vì vậy, việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm có vẻ bất khả thi”.
Theo đại biểu, bảo vệ họ trong nhiều trường hợp là bảo vệ việc làm sai quy định, trái pháp luật và khi ấy lại cần có việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm và có thể phải lên đến Quốc hội, vì vướng mắc để họ phải dám nghĩ, dám làm do sự chưa phù hợp, mâu thuẫn của các luật hiện hành. Vì thế, việc cấp dưới hỏi xin ý kiến cấp trên, chờ chỉ đạo cấp trên, thậm chí được giao nhiệm vụ rõ ràng, nhưng càng đi sâu vào thực hiện càng thấy vướng nên lại chuyển ngược lên cấp trên xin ý kiến đã trở thành phổ biến.
Đại biểu Trần Hữu Hậu lấy ví dụ về việc xây dựng Nghị định về khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ, dám làm nhằm cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TW. Sau 3 lần chỉnh sửa dự thảo và lấy ý kiến, Bộ Nội vụ thấy vướng rất nhiều quy định của pháp luật nên đang tham mưu báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tới đây có Nghị quyết thí điểm về khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, sau đó Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Nghị định.
Đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.
Chưa đồng tình với nhận định của đại biểu Trần Quốc Tuấn về gần đây mới có hiện tượng né tránh trách nhiệm, sợ trách nhiệm, Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum khẳng định hiện tượng này đã có từ lâu, dường như gần đây có vẻ phức tạp hơn và nặng hơn.
“Có một bộ phận do năng lực, trình độ hạn chế nên việc nắm bắt các quy định của pháp luật cũng hạn chế, làm gì cũng sợ sai, không dám làm, bởi vì năng lực có hạn, không dám làm thì né tránh hoặc đùn đẩy. Hiện tượng này người dân ta vẫn hay nói là đối tượng sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, đại biểu Tô Văn Tám cho biết.
Có cùng trăn trở liên quan đến “căn bệnh sợ trách nhiệm”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Quảng Bình nêu thực tế, tăng trưởng kinh tế quý I so với cùng kỳ năm 2022 thấp hơn kịch bản đặt ra những áp lực lớn cho nền kinh tế để duy trì được mức tăng trưởng 6,5%. Đến thời điểm này, gói kích cầu của Nghị quyết số 43 đang triển khai chật vật; số tiền cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết số 28 của Chính phủ mới đạt 0,25%, chiếm tỷ lệ rất thấp so với kế hoạch; gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh; gói phát triển kết cấu hạ tầng với các công trình trọng điểm, giải ngân chậm, giải ngân, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động chỉ đạt gần 60%...
Đại biểu nhấn mạnh, trong thời điểm giao thoa sửa đổi nhiều dự án luật quan trọng khi chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, tình trạng sợ trách nhiệm diễn ra ở mức độ phổ biến cũng là điều dễ lý giải và đây cũng chính là nguyên nhân góp phần không nhỏ làm chậm trễ tiến độ giải ngân.
Mặc dù, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản để tạo cơ chế pháp lý cho triển khai các chính sách lớn nhằm khôi phục kinh tế, nhưng theo đại biểu nếu không giải quyết dứt điểm điểm nghẽn trong vấn đề sợ trách nhiệm, dù có đầy đủ hệ thống quy định vẫn không thể thúc đẩy tăng trưởng. Tình trạng địa phương gặp khó khi gửi công văn xin hướng dẫn chỉ đạo từ bộ, ngành không phải là hiếm gặp trong tình trạng luật và các văn bản dưới luật còn chồng chéo. Tình trạng này càng trở nên phổ biến khi các địa phương xin hướng dẫn thì được phúc đáp theo kiểu trích dẫn khoản nọ, điều kia.
ĐBQH hiến kế trị “căn bệnh sợ trách nhiệm”.
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội cũng gợi mở một số giải pháp để trị căn bệnh “sợ trách nhiệm”. Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi căn cứ triển khai thực hiện được ngay.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa, như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Theo đại biểu, nếu thực hiện tốt công việc này sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới. Muốn vậy, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương thì mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.
Đại biểu Trần Hữu Hậu - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh.
Đại biểu Trần Hữu Hậu - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng cần làm sao để cán bộ, công chức, viên chức các cấp không phải dám nghĩ, dám làm và không cần cấp trên phải khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Cán bộ, công chức, viên chức các cấp chỉ cần tập trung công sức và trí tuệ để năng động, sáng tạo thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất cho dân, cho nước trong khuôn khổ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tức là khi phát hiện luật hoặc các quy định chưa phù hợp thì tập trung sửa ngay với quy trình chặt chẽ nhưng đơn giản, ngắn gọn.
“Tôi rất thấm thía lời của Thủ tướng trong trả lời chất vấn của tôi luật là do chúng ta, trong thực tiễn đang vướng, mà vướng là do chúng ta đặt ra, vậy thì chúng ta sửa. Tuy nhiên, để sửa những quy định bất hợp lý do chính chúng ta đặt ra lại quá khó khăn. Có không ít những vấn đề khi đưa ra bàn, mỗi cán bộ, mỗi cơ quan liên quan đều có lý lẽ của mình và dường như đều đúng và đáng tiếc là trong không ít trường hợp khi hầu hết các cá nhân, các cơ quan, đơn vị liên quan đều đúng, đều cố gắng thực hiện tốt nhất, đúng nhất theo chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của mình thì có những việc nóng hổi của dân, của nước bị đóng băng”.
Đại biểu Trần Hữu Hậu khẳng định, chúng ta sẽ đưa ra được những giải pháp đúng, đó là ban hành Nghị quyết của Quốc hội nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hay một luật sửa nhiều luật. Đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội xem xét để có cách làm, trình tự, thủ tục phù hợp hơn, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh để cán bộ, công chức, viên chức bớt phải dám nghĩ, dám làm, mà tập trung sức lực, trí tuệ, năng động, sáng tạo, làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình trong sự thông thoáng của các quy định của pháp luật.
Đại biểu Trần Thị Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.
Gợi ý giải pháp khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm, ngoài việc xử lý gắn trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm trong việc thực thi công vụ, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cá thể hóa trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc tham mưu; hoặc đề xuất sửa đổi, ban hành hoặc bổ sung, sửa đổi, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật; hoặc ban hành trong thẩm quyền, bởi việc chậm ban hành văn bản chi tiết vẫn chưa khắc phục.
Có thể thấy, một trong những đột phá quan trọng mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ là có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.Đường lối của Đảng đã rõ nhưng cần sớm có hành lang pháp lý cụ thể để bảo vệ cho cán bộ, công chức.
Để khắc phục bệnh sợ trách nhiệm, đại biểu Trần Thị Khánh Thu- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, cần tập trung rà soát bất cập, nhanh chóng sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch và đồng bộ hơn. Để khuyến khích tinh thần dám đương đầu vào khó khăn, dám tạo đột phá, việc đánh giá cán bộ cũng cần được đổi mới, cách đánh giá cần phải giúp người được giao việc, nhất là việc mới, việc khó, vững tâm tin rằng nếu mình làm vì lợi ích chung sẽ được nhìn nhận đúng.
“Chúng ta đã có những cảm nhận rất rõ về bầu không khí khẩn trương, quyết liệt và đầy đủ quyết tâm đang lan tỏa từ Thủ tướng Chính phủ đến các lãnh đạo chính quyền các địa phương. Đây là bầu không khí mà Nhân dân và doanh nghiệp đang chờ đợi, cũng như kỳ vọng rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, song điều đáng quan tâm là cần phải có những giải pháp trước mắt và cả lâu dài để cụ thể hóa các quy định này”, đại biểu Trần Thị Khánh Thu nêu kiến nghị.
Theo quochoi.vn
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.