10/11/2023 04:27
Trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014 nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Dự thảo Luật phù hợp với các nghị quyết, văn kiện của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, Ủy ban Tư pháp đề nghị Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tiếp tục rà soát các luật có liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Hồ sơ dự án Luật đã được TANDTC chuẩn bị công phu, cơ bản đáp ứng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thảo luận.
Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga phát biểu thảo luận Tổ, chiều ngày 09/11.
Phát biểu thảo luận Tổ, đồng chí Huỳnh Thị Hằng Nga, Bí thư Huyện ủy Càng Long, đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức TAND năm 2014 và thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp thẩm tra Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Hồ sơ dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã được triển khai lấy ý kiến đóng góp nhiều lần để lấy ý kiến về một số vấn đề lớn sửa đổi Luật tại các cơ quan, địa phương, đơn vị, nên các nội dung sửa đổi thể hiện được yêu cầu về hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND, hướng đến xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Cụ thể, tại phiên thảo luận, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga góp ý 05 vấn đề: Thứ nhất: Khoản 1 Điều 4 tổ chức và thẩm quyền thành lập các TAND, đại biểu thống nhất dự thảo luật do Chính phủ trình, cần thiết phải đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm; TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm để thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng vì những lý do như sau:
Thể chế hóa các quan điểm của Đảng được đề ra tại Nghị quyết Trung ương 27 về bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử.
Hiến pháp 2013 quy định “Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Như vậy, Tòa án thực hiện thẩm quyền tài phán của quốc gia, không phải Tòa án của tỉnh, của huyện hay địa phương nào, Tòa án hoạt động theo thẩm quyền tố tụng nên việc tổ chức Tòa án theo cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm không chỉ đơn thuần là đổi tên mà chính là tuân thủ Hiến pháp. Và thực hiện đúng chủ trương, nghị quyết Trung ương 27 về các “Tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử”. Góp phần thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử và khẳng định địa vị pháp lý của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Việc tổ chức các Tòa án theo thẩm quyền xét xử đã có trong lịch sử tổ chức Tòa án ngay từ những ngày thành lập. Điều 63 Hiến pháp năm 1946 quy định cơ quan tư pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa gồm có: a) Tòa án tối cao; b) Các Tòa án phúc thẩm; c) Các Tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp.
Việc đổi mới tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử sẽ dẫn đến phải sửa con dấu, biển hiệu của các Tòa án nhưng lợi ích to lớn và lâu dài mang lại sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí thực hiện việc chuyển đổi con dấu, biển hiệu. Đề xuất ban soạn thảo nên quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án sơ thẩm, Tòa án phúc thẩm tránh việc đổi tên nhưng chức năng nhiệm vụ giống như tòa án cấp huyện, cấp tỉnh.
Việc tổ chức Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân sơ thẩm theo thẩm quyền xét xử không phải là việc thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực. Cơ chế lãnh đạo của cấp ủy Đảng, giám sát của cơ quan dân cử địa phương đối với các Tòa án; quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan thực thi pháp luật vẫn được thực hiện theo quy định hiện hành, không ảnh hưởng đến tổ chức, hoạt động và quan hệ phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng; không tăng thêm đầu mối, biên chế; không gây xáo trộn về tổ chức cán bộ. Không phải sửa luật có liên quan vì đã được quy định trong điều khoản chuyển tiếp của dự thảo Luật
Thứ hai: Khoản 3 Điều 15 có quy định “Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật” đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định cụ thể hơn về người thuộc diện như thế nào được gọi là người yếu thế trong xã hội, vì cụm từ này còn mang nghĩa chung chung, chưa có bất kỳ văn bản nào giải thích thế nào là “đối tượng yếu thế trong xã hội”, nếu không quy định cụ thể khi Luật Tổ chức TAND sửa đổi có hiệu lực đi vào thực tiễn sẽ gặp vướng mắc phát sinh.
Đại biểu thảo luận Tổ.
Thứ ba: Khoản 1 Điều 28 về việc xem xét, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử, tôi đề nghị Ban soạn thảo quy đinh thêm thời gian cụ thể và cơ quan Toà án cuối cùng chịu trách nhiệm gửi văn bản cho các cơ quan chức năng về kết quả xử lý, giải quyết vụ việc nếu phát hiện văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Theo đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga, việc không quy định thời gian trong dự thảo Luật sẽ kéo dài quá trình giải quyết các vụ việc của Tòa án do phải chờ văn bản của các cơ quan chức năng.
Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga đề xuất Ban soạn thảo nên quy định cụ thể Tòa án cấp nào chịu trách nhiệm gửi văn bản cuối cùng để giải quyết vấn đề trên, nếu không quy định cụ thể cũng sẽ rất khó khăn khi giải quyết vụ việc (theo khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật TAND (sửa đổi) có quy định Tòa án quân sự, Tòa án sơ thẩm chuyên biệt, Tòa án sơ thẩm, phúc thẩm, Tòa án cấp cao, Tòa án tối cao)
Bên cạnh đó, đại biểu Nga đề xuất ban soạn thảo tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật để khi ban hành các điều luật được tương thích với nhau. Cụ thể như tại bộ Luật tố tụng dân sự 2015, Điều 221 bộ Luật này có quy định: trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nếu phát hiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án dân sự có dấu hiệu trái với hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án có văn bản đề nghị Chánh án TANDTC kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật.
Cơ quan nhận được kiến nghị của Tòa án về việc sửa đổi, bổ sung, hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật, đối với văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH (nghị định, thông tư) thì trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được kiến nghị của chánh án TANDTC, cơ quan đã ban hành văn bản đó phải xem xét và trả lời bằng văn bản cho TANDTC, nếu quá thời hạn này mà không nhận được văn bản trả lời thì Tòa án áp dụng văn bản có hiệu lực cao hơn để giải quyết vụ án; đối với kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật là luật, nghị quyết của quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH thì thực hiện theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Thứ tư: tại Điều 105 “Thông tin về thẩm phán vi phạm pháp luật”. Đại biểu Nga đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn cơ quan điều tra, viện kiểm sát cấp nào, nơi nào có trách nhiệm báo cáo với Chủ tịch nước trường hợp bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của Thẩm phán TADTC; cơ quan điều tra, viện kiểm sát nơi nào, cấp nào có trách nhiệm thông báo cho Chánh án TADTC biết. Trường hợp bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của Thẩm phán và cần quy định rõ thời hạn báo cáo hay thông báo. Vì quy định đã nêu của dự thảo là còn chung chung, chưa xác định cụ thể trách nhiệm, thời hạn báo cáo, thông báo của cơ quan nào, nên có thể gặp vướng khi thực hiện.
Thứ năm: tại Điều 108 "Bãi nhiệm thẩm phán”, Ban soạn thảo bỏ các điểm c, d khoản 2 vì trùng ý với điểm b khoản 2 Điều này (vi phạm quy định tại Điều 104 của Luật này). Trong Điều 104 đã có quy định về đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, nên không cần phải tách ra thêm quy định về vi phạm phẩm chất đạo đức, vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp thẩm phán, làm cho các điều luật lặp lại, trùng ý.
Báo Trà Vinh Online
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.