25/05/2024 12:23
Đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận.
Tham gia thảo luận nội dung này tại Tổ thảo luận 18, gồm đoàn ĐBQH Thanh Hóa, Hà Nam và Trà Vinh, đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng mặc dù đã được những thành tựu rất quan trọng như: tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,05% (cao hơn 0,05% so với số liệu báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6), mức tín nhiệm Quốc gia đạt BB+ từ mức BB với triển vọng “ổn định”. Đây là tiền đề để nước ta triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại của năm 2024 và những năm tiếp theo.
Song, theo đại biểu Thạch Phước Bình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến những khó khăn, điểm nghẽn của thị trường bất động sản bao gồm đất đai, nhà ở. Theo ông Bình, thị trường bất động sản hiện nay có hiện tượng "không bình thường", bởi kinh tế vĩ mô rất tốt nhưng thị trường bất động sản lại gần như "đóng băng" và rõ ràng là có điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Đại biểu Thạch Phước Bình cho biết thị trường bất động sản được xem là một trong những trụ cột của nền kinh tế, giúp tập trung các nguồn lực, tạo ra tài sản cố định cho quốc gia. Sự phát triển của thị trường bất động sản tạo ra động lực tăng trưởng cho các ngành nghề liên quan (thị trường tài chính, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, lao động...), đáp ứng nhu cầu về chỗ ở và phát triển đô thị, du lịch. Theo Tổng cục Thống kê, đóng góp trung bình của ngành xây dựng và bất động sản vào tổng GDP cả nước những năm gần đây chiếm khoảng 10%. Năm 2020, tỷ trọng bất động sản/tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 20,8% (205,26 tỷ USD/986,82 tỷ USD); năm 2025 là 21,2% (462,7 tỷ USD/2183,09 tỷ USD) và đến năm 2030 là 22,0% (1232,29 tỷ USD/5601,31 tỷ USD).
Thứ nhất, là theo xu hướng điều chỉnh chung của thị trường bất động sản thế giới và Việt Nam sau hơn 02 năm tăng trưởng khá nóng (giá bất động sản thế giới tăng khoảng 10-20% và của Việt Nam tăng khoảng 20-50%).
Thứ hai, môi trường pháp lý còn nhiều điểm nghẽn. Đây là khó khăn lớn nhất hiện tại. Nhiều quy định còn chồng chéo, thiếu nhất quán, không rõ ràng, không được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời, chưa phù hợp với thực tiễn... Trong khi đó, tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy tồn tại ở một bộ phận cán bộ công chức khá rõ nét, khiến cho nhiều dự án không thể triển khai được, hoặc thời gian triển khai kéo dài, muốn bán hay chuyển nhượng cũng không được, muốn thế chấp cũng không xong, muốn nộp tiền thuê cũng khó... dẫn đến bất động sản bị bỏ hoang, tồn kho, lãng phí, tốn kém, suy giảm niềm tin...
Thứ ba, cơ cấu thị trường mất cân đối nghiêm trọng, quan hệ cung - cầu lệch pha, giá cả chưa hợp lý. Riêng về giá cả, hiện nay, giá bất động sản của Việt Nam đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân.
Thứ tư, hoạt động thanh tra, kiểm tra và nỗi lo hình sự hóa vẫn còn. Cùng với đó là một số khó khăn, thách thức bên ngoài như: lạm phát, lãi suất và tỷ giá; rủi ro khách quan khác như thiên tai, dịch bệnh.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất 05 giải pháp cụ thể như:
(1) Hoàn thiện thể chế. Đại biểu Bình tán thành và đánh giá rất cao việc Chính phủ đề nghị Quốc hội rút ngắn thời hạn có hiệu lực trước 6 tháng (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 thay vì ngày 01/01/2025) đối với các luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, bất động sản như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, đồng thời, đề nghị Chính phủ cần khẩn trương ban hành, sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành Luật nhằm tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn hiện nay liên quan đến triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản, phù hợp hơn với tình hình thực tiễn và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
(2) Khẩn trương gỡ vướng thể chế trong triển khai gói 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội” nhằm tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể nhằm tạo động lực phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới. Trong đó đặc biệt quan tâm đến những nội dung vướng mắc lớn trong thời gian qua, như: Về giao đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội...
(3) Giảm lãi suất, hỗ trợ cả doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư tiếp cận tín dụng. Đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…). Tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên các dự án bất động sản nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch… có biện pháp phù hợp, hiệu quả giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.
(4) Các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án bất động sản. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức; khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm,... Trong đó, cần lượng hóa cụ thể các quy định tại Nghị định số 73/2023/NĐ-CP, ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để người thực thi công vụ yên tâm, tự tin khi làm nhiệm vụ.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản trên địa bàn; phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, nghĩa vụ tài chính về đất đai để tăng nguồn cung cho thị trường; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.
(5) Chính phủ cần đẩy mạnh thông tin, truyền thông thể hiện rõ thông điệp, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng hành với địa phương, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự; bảo vệ những người và doanh nghiệp làm đúng; bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Kiểm soát, kiểm duyệt chặt chẽ, có hiệu quả các kênh thông tin xã hội không chính xác, không chính thống có thể gây tác động tiêu cực đến tâm lý nhân dân, nhà đầu tư, khách hàng và thị trường, nhất là các thông tin có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh công tác công bố, công khai, minh bạch các thông tin, nhất là kịp thời tuyên truyền, phổ biến, công bố công khai các chính sách, quy định, giải pháp mới của Nhà nước về tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, tình hình thị trường bất động sản,... Tăng cường giám sát, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.
PHƯỚC TIẾN
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.