22/06/2023 12:20
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh. Ảnh:quochoi.vn
Tham gia đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đồng chí Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý, hoàn thiện rất công phu, nghiêm túc, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của Nhân dân, các cơ quan, tổ chức, chất lượng dự thảo luật được nâng lên rất nhiều so với dự thảo luật tại kỳ họp thứ 4. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Chính phủ, Quốc hội, các ban, ngành Trung ương quan tâm một số nội dung như sau:
Thứ nhất, về vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Chương VII, từ Điều 86 đến Điều 106.
Kết cấu tại Chương VII dự thảo Luật Đất đai đã có sự phân tách cụ thể: Mục 1 là quy định chung; mục 2 là bồi thường về đất; mục 3 là bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất kinh doanh, chi phí đầu tư vào đất; mục 4 là hỗ trợ; mục 5 là tái định cư. Đây là sự phân tách cần thiết, vấn đề rõ ràng, cụ thể và khoa học hơn, tuy nhiên đề xuất Ban soạn thảo tiếp tục xem xét và hoàn thiện.
Cụ thể: Một là, dự thảo Luật Đất đai chưa có quy định về khái niệm xác định thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất. Hai là, khái niệm bồi thường chưa chuẩn xác, chỉ quy định khái niệm bồi thường về đất, hoàn toàn không có quy định khái niệm bồi thường thiệt hại về tài sản khác khi Nhà nước thu hồi đất. Ba là, về nội hàm của vấn đề bồi thường và hỗ trợ đang không có sự phân định rõ ràng, theo đó những vấn đề hỗ trợ hiện nay như hỗ trợ khi di chuyển, hỗ trợ tiền thuê nhà trong thời gian tạm cư, hỗ trợ ổn định cuộc sống, hỗ trợ đào tạo nghề... thực chất đó là những thiệt hại mà người có đất bị thu hồi phải gánh chịu và Nhà nước buộc phải bồi thường chứ không phải là hỗ trợ; thứ tư, về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Mặt khác, tại Điều 86 dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc chung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thay vì các quy định riêng. Các nguyên tắc cho hoạt động bồi thường, hỗ trợ như nguyên tắc bồi thường về đất, bồi thường về tài sản và nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai 2013, Điều 74, Điều 83, Điều 88 và dự thảo luật Điều 89, Điều 98, khoản 1 Điều 104.
Song song với đó, dự thảo luật cần tiếp tục bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự để vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân và vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự 2015.
Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu nên nhà nước thu hồi đất thì có quyền áp dụng cơ chế bồi thường theo ý chí của Nhà nước, thể hiện cụ thể trong phương án phê duyệt về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Song, đối với tài sản trên đất là nhà ở, công trình xây dựng, rừng cây thuộc sở hữu của người dân thì khi Nhà nước thu hồi phải thực hiện cơ chế thỏa thuận dân sự về bồi thường thiệt hại chứ không thể theo phương thức áp đặt hành chính.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, thu nhập, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn của người dân có đất bị thu hồi theo tinh thần Nghị quyết số 18, đồng thời đảm bảo giá đất, giá trị đền bù khi thu hồi đất sát hơn với giá thị trường, ông đề nghị xem xét bổ sung nguyên tắc tại Điều 86 dự thảo Luật Đất đai về trách nhiệm giải trình đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.
Thứ hai, về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại Điều 153.
Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung thêm các đối tượng, các chủ thể đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhà ở và tạo việc làm, bên cạnh các đối tượng như người có công với cách mạng, người nghèo, người dân tộc thiểu số... cơ chế và chính sách tài chính đất đai khi thực hiện sẽ gắn kết chặt chẽ với các chính sách khác về đất đai như quy hoạch giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất gắn với hỗ trợ bồi thường, tái định cư.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, để chủ trương này đi vào thực tiễn, chính sách tài chính về đất đai cần phải đi đầu, cụ thể là làm sâu sắc và toàn diện hơn những chính sách tài chính có tính chất ưu đãi về đất đai thông qua công cụ thuế để khuyến khích các chủ thể huy động các nguồn lực vào đầu tư chỗ ở và tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất. Đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại Điều 153 và mức giảm cụ thể như đất khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất phải di dời do ô nhiễm môi trường, đe dọa tính mạng con người, các công trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu và để thực hiện các chính sách an sinh xã hội khác của nhà nước, đồng thời nên tách rõ hai trường hợp là được miễn và giảm tiền sử dụng đất. Nếu trường hợp miễn thì có thể toàn bộ thời gian thuê, điều này sẽ thống nhất với khoản 39 Điều 3, trường hợp giảm tiền thuê thì nên tách rõ 02 trường hợp là cho toàn bộ thời gian thuê hay là trong một giai đoạn nhất định. (Ví dụ, như thời gian xây dựng dự án giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai khách quan và quy định khung mức giảm tối đa, tối thiểu đối với các trường hợp cụ thể).
Thứ ba, về chế độ sử dụng đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm.
Theo Luật Đất đai năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015 tại Điều 175, người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất. Theo Luật Đất đai năm 2013, phạm vi sử dụng không gian của người sử dụng đất là rất rộng, có toàn quyền khai thác, sử dụng khoảng không gian bên trên và trong lòng đất và chỉ bị hạn chế trong một số trường hợp. Như vậy, trên một thửa đất, ở cùng một thời điểm chỉ có một chủ thể khai thác, sử dụng, dẫn đến bất cập trong việc tận dụng tối đa nguồn lực về đất đai.
Bộ luật Dân sự 2015 đã đưa ra khái niệm quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác (Điều 267); về căn cứ xác lập, quyền bề mặt được xác lập theo quy định của luật theo thỏa thuận hoặc theo di chúc (Điều 268); về nội dung, chủ thể quyền bề mặt có quyền khai thác, sử dụng mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc quyền sử dụng của người khác để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác và có quyền sở hữu đối với tài sản được tạo lập (Điều 271).
Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 vẫn chưa trực tiếp sử dụng cụm từ "quyền bề mặt" nên chưa thực sự đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật, việc cụ thể hóa quyền bề mặt trong dự thảo Luật Đất đai còn giúp giải quyết những bất cập khác, chẳng hạn như về đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản.
Đại biểu Thạch Phước Bình bày tỏ băn khoăn, tại điểm đ khoản 2 Điều 199 dự thảo Luật Đất đai quy định “Trường hợp thăm dò, khai thác khoáng sản mà không sử dụng lớp mặt đất hoặc không ảnh hưởng đến việc sử dụng mặt đất thì không phải thuê mặt đất”, dự thảo Luật Đất đai chưa quy định rõ nếu không thuê đất mặt thì có phải thuê đất ở tầng ngầm hay không. Qua đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung cụm từ “quyền bề mặt” và cụ thể hóa khái niệm, căn cứ xác lập, hiệu lực, thời hạn, nội dung, chuyển giao, chấm dứt quyền bề mặt trong dự thảo Luật.
KIẾN QUỐC
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.