24/10/2023 14:23
Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn tham gia thảo luận tại tổ vào sáng 24/10.
Sáng nay (24/10), tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Tham gia thảo luận phiên họp Tổ, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh nêu quan điểm: Trước những khó khăn, thách thức, bất định của kinh tế toàn cầu được dự báo 2024, tình hình kinh tế thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng và thị trường tiêu thụ sản phẩm sẽ có khả năng tiếp tục bị đứt gãy, số doanh nghiệp khó khăn ngày càng nhiều, Quốc hội, Chính phủ cần có những chính sách phù hợp để duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, cần đặt biệt quan tâm đến ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh; giải quyết việc làm và tạo thêm việc làm mới, góp phần phục hồi tăng trưởng đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn thách thức trước sự biến động khó lường của các quốc gia trên thế giới hiện nay.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn đánh giá cao về các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/01/2022 của Quốc hội “về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” (gọi tắt là Nghị quyết số 43). Đại biểu cho rằng đây là chính sách chưa có tiền lệ, được ban hành trong một thời điểm đặc biệt. Những chính sách đó đã được Chính phủ cụ thể hóa thành Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022, đây được xem là những phao cứu sinh trước nguy cơ “chết đuối” do kiệt sức của phần đông người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước. Sau đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia trên thế giới cùng nhận định: đây là bước đi, là quyết sách đúng đắn kịp thời của một Quốc hội sáng tạo, đồng hành, chia sẻ và của một Chính phủ năng động, quyết tâm, sâu sát thực tiễn và đầy trách nhiệm đã giúp phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, những chính sách quy định tại Nghị quyết số 43 đã giúp doanh nghiệp, người dân giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy doanh nghiệp sớm phục hồi, phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ và một số chính sách khác được quy định tại Nghị quyết số 43 đã phát huy tác dụng rõ rệt và mang lại hiệu quả thiết thực. Từ năm 2021 đến nay, mặc dù đối mặt với thách thức lớn chưa từng có nhưng thị trường tiền tệ vẫn duy trì ổn định; tỷ giá giao dịch trên thị trường diễn biến linh hoạt phù hợp với các điều kiện kinh tế vĩ mô và cân đối cung - cầu thị trường, góp phần tạo thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế đều được đáp ứng đầy đủ.
Nhìn chung, từ những hỗ trợ của chương trình thuộc Nghị quyết số 43 đã góp phần tích cực trong ổn định được kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, hoạt động sản xuất, kinh doanh được phục hồi tốt, đời sống của người dân được ổn định...
Đại biểu Trần Quốc Tuấn nêu nhận định về tình hình thực tiễn đã qua của đất nước và những dự báo trong thời gian tới của các chuyên gia.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong 09 tháng năm 2023 nước ta có đến 135.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể; trong khi số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động chỉ đạt 165.200 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 09 tháng năm 2023 tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường 8 tháng đầu năm 2023 đã cao hơn tổng số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cả năm của các năm (từ 2018 - 2021), gần bằng giá trị của cả năm 2022. Tình trạng tăng trưởng tín dụng đến ngày 11/10/2023 chỉ đạt 6,29% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ tăng 11,12%). Tỷ lệ nợ xấu có chiều hướng gia tăng; nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 09 tháng năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Tình hình này sẽ còn diễn biến khó lường trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi từ 15 - 24 trong quý III/2023 là 7,86%; trong đó, khu vực thành thị 10,35%; khu vực nông thôn 6,60%. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn 13,5%, khu vực thành thị 9,8%; nữ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo 13,9%; nam 10,4%. Đây là điều đáng quan ngại - đại biểu Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Để đạt mục tiêu về tăng trưởng GDP cho năm 2023 và giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 là 6,5 - 7%, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ 03 nội dung trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2,0% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) và hỗ trợ 2,0% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để duy trì và tạo làm mới cho người lao động theo Nghị quyết số 43, đồng thời kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển bố trí cho các dự án đầu tư của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết năm 2024.
Tuy nhiên, để triển khai thực hiên hiệu quả nội dung này, đề nghị Chính phủ cần bổ sung nội dung đánh giá kết quả thực hiện đối với phần vốn đã giải ngân; đánh giá tác động đối với việc gia hạn chính sách, đồng thời làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan sát với thực tiễn về việc chậm giải ngân hoặc giải ngân thấp đối với các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.
Hai là, cần đặc biệt quan tâm đến việc nghiên cứu, ban hành các cơ chế chính sách để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động duy trì ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết thêm nghiều việc làm mới, hướng đến mục tiêu giảm tối đa tỷ lệ thất nghiệp đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Ba là, khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu sửa đổi hoặc ban hành mới các Luật và văn bản dưới Luật để khơi thông điểm nghẽn chính sách đã được xác định qua cuộc tổng rà soát 523 văn bản pháp luật thuộc 22 lĩnh vực kinh tế - xã hội vừa qua. Vì qua kết quả rà soát, đã phát hiện 18/22 lĩnh vực với rất nhiều văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc khó hoặc không thể thực hiện. Nếu sớm hoàn thành nội dung này, sẽ khắc phục được tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Báo Trà Vinh Online
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.