25/05/2023 14:32
Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu thảo luận tại tổ.
Cụ thể, Quốc hội thảo luận về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 02% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/01/2022; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh thống nhất với nội dung báo cáo của Chính phủ và đồng tình với nhận định đánh giá của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội về sự chủ động, quyết tâm, nhận thức và trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15, ngày 16/6/2022, Nghị quyết số 74/2022/QH15, ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Từ sự cố gắng này, đã đem lại kết quả rất khả quan trong năm 2022, cả nước tiết kiệm được 53.896 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 93,42% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là tín hiệu tích cực để nước ta tiếp tục phát huy và hoàn thành mục tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, đại biểu Trần Quốc Tuấn đồng tình với 11 nhóm hạn chế được nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội. Trong đó, có 03 nội dung đại biểu Trần Quốc Tuấn đặc biệt quan tâm và đề nghị Chính phủ cần lưu ý để có những giải pháp chỉ đạo.
Vấn đề thứ nhất là cần làm rõ trách nhiệm trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn, không để tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn kéo dài… sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý xã hội và lãng phí nguồn lực quốc gia.
Vấn đề này, đại biểu Trần Quốc Tuấn dẫn chứng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, đến tháng 7/2022 Chính phủ vẫn "còn nợ" 10 Nghị định, 02 Quyết định hướng dẫn, quy định chi tiết 07 Luật, Nghị quyết đã có hiệu lực,… Bên cạnh đó còn có 44 điều, khoản của 37 luật, pháp lệnh chưa được Chính phủ và 15 bộ, ngành ban hành văn bản quy định chi tiết; ngoài ra còn 64 văn bản đã ban hành nhưng chậm so với yêu cầu, có văn bản chậm hơn 08 năm, một số văn bản chậm từ 03 - 04 năm.
Điển hình là tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025… đã làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình… Trong khi 03 chương trình mục tiêu quốc gia là rất cấp thiết, vì ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, nó còn có ý nghĩa về mặt chính trị. Và cũng chính việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn đã làm cho chính sách hỗ trợ lãi suất (02%/năm) đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại không đạt mục tiêu mong đợi… theo báo cáo, đến cuối tháng 3/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chỉ đạt 327 tỷ đồng, tương đương 0,82% tổng nguồn lực hỗ trợ là 40.000 tỷ đồng - Đây là điều rất khó chấp nhận.
Vấn đề thứ hai, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật. Trong đó có quy định pháp luật về phát hành trái phiếu riêng lẻ… đại biểu cho rằng nếu chậm ban hành sẽ gây ra lãng phí các nguồn lực lớn của xã hội, việc này vừa ảnh hưởng đến việc phát triển các kênh huy động vốn mới, nguồn vốn hợp pháp cho các doanh nghiệp, vừa ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường tín dụng hiện nay.
Nghiêm trọng hơn, việc chậm hoàn thiện văn bản quy định của pháp luật thời gian qua ở lĩnh vực này đã dẫn đến tình trạng một số đối tượng đã lợi dụng “kẽ hở” của pháp luật và công tác quản lý nhà nước để thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán; lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, gây thiệt hại cho hàng nghìn nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vốn, an ninh, tài chính tiền tệ; có những hành vi vi phạm thực hiện trong một thời gian dài chúng ta mới bị phát hiện, xử lý.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn dẫn chứng các vụ án vừa bị khởi tố về tội thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo như: vụ án Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC; vụ án Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Louis; vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã phát hành 09 gói trái phiếu riêng lẻ để chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ đồng của hơn 6.000 nhà đầu tư.
|
Một điển hình khác, trong lĩnh vực đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, mặc dù đây là lĩnh vực khuyến khích đầu tư nhưng với sự phát triển “quá nóng” của nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian ngắn, bỏ qua việc tuân thủ các quy định pháp luật cùng sự thiếu đồng bộ của chính sách đang để lại nhiều hệ lụy, gây lãng phí nguồn lực xã hội rất lớn… Đến nay vẫn còn hàng trăm dự án đã được doanh nghiệp đầu tư với số vốn lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng chưa được đưa vào sử dụng và có nguy cơ phá sản. Việc này đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương có văn bản trước ngày 20/5/2023 chỉ đạo EVN đàm phán với mức giá tạm thời, không phải giá ổn định… đối với các chủ đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng xong nhưng chưa được vận hành, để giải quyết vấn đề thiếu điện trầm trọng trong thời điểm hiện nay.
Vấn đề thứ ba, cần sớm có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh tình trạng kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thi hành công vụ, chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính; vi phạm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được chấn chỉnh, chưa khắc phục kịp thời…
Việc lãng phí thời gian, công sức trong thực thi công vụ, đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của quốc gia. Dẫn chứng từ câu chuyện của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2022 đã có 584 văn bản hỏi...; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có đến 604 văn bản trả lời (bình quân mỗi ngày 02 đơn vị, địa phương này đã có đến gần 2 câu hỏi để trao qua đổi lại...). Tuy nhiên, không riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn nhiều địa phương "hỏi đáp" nhiều bộ, ngành khác... để làm cơ sở triển khai các bước công việc kế tiếp... Đồng chí Trần Quốc Tuấn chia sẻ với những khó khăn vướng mắc của địa phương và cũng rất thông cảm với những trăn trở, vất vả cả các bộ, ngành Trung ương khi phải thường xuyên trả lời các nội dung mà theo các Bộ đây là việc thuộc trách nhiệm của địa phương...
Từ những bất cập nêu trên, đồng chí Trần Quốc Tuấn đề xuất Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo: (1) Đẩy mạnh phân cấp phân quyền nhiều hơn nữa… xác định rõ người, rõ việc, việc nào là việc thuộc trách nhiệm của địa phương thì mạnh dạn giao cho địa phương làm và địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm trước việc làm của mình. Có như vậy “địa phương sẽ không hỏi Trung ương”. (2) Nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật để các địa phương căn cứ vào đó là có thể triển khai thực hiện ngay. Như vậy, sẽ hạn chế được tình trạng địa phương hỏi Trung ương. (3) Tăng cường kiểm tra giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp có tình vi phạm vì mục đích vụ lợi, cá nhân, kể cả việc xử lý người đứng đầu các cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật gây ảnh hưởng, thiệt hại đến người dân và doanh nghiệp, gây cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Báo Trà Vinh Online
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.