24/06/2024 16:14
Chiều 24/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường, đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh thống nhất với các nội dung Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội về dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi.
“Phải nói rằng, Luật Thuế GTGT sau 15 năm kể từ khi được ban hành đến nay, đã tác động rất tích cực đến nền kinh tế, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu; phát huy hiệu quả nội lực quốc gia, cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý cho ngân sách nhà nước theo hướng bền vững...” - đại biểu Trần Quốc Tuấn.
Để Dự án Luật mang tính khả thi cao và phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng được mong đợi của người dân, đặc biệt là người nông dân sản xuất nông nghiệp. ĐBQH Trần Quốc Tuấn góp ý kiến vào nội dung nêu tại điểm b, khoản 2, Điều 9 dự thảo Luật quy định mặt hàng “phân bón” là đối tượng phải chịu thuế GTGT với thuế suất 5%,… thay vì “mặt hàng phân bón không phải chịu thuế” như quy định hiện hành... Việc thay đổi này, theo Tờ trình của Chính phủ là để khắc phục các vướng mắc, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng với phân bón nhập khẩu, tăng nguồn thu cho ngân sách...
ĐBQH Trần Quốc Tuấn phát biểu thảo luận tại hội trường, chiều ngày 24/6.
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn nội dung trình là chưa thật sự mang tính thuyết phục cao... với 03 lý do sau đây:
Một là, thuế GTGT là một loại thuế gián thu và người tiêu dùng hàng hóa là người phải chịu thuế. Điều này đồng nghĩa với việc, khi luật này được thông qua, người nông dân phải gồng mình trả thêm 5% thuế GTGT cho số lượng phân bón do mình mua để sử dụng.
Mặt khác, việc đưa mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang nhóm hàng hóa phải chịu mức thuế suất 5% ngay trong bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi tốt sau đại dịch Covid-19 và hiện tại Quốc hội, Chính phủ đang vẫn còn phải tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế GTGT, chắc chắn sẽ tác động ảnh hưởng đến thu nhập của hàng triệu hộ gia đình nông dân và tính hiệu quả, cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ngay thời điểm hiện nay
Hai là, nông dân là đối tượng, là chủ thể chính sẽ phải chịu sự tác động từ sách tăng thuế đối với mặt hàng phân bón lần này, nhưng chưa được quan tâm, khảo sát và đánh giá một cách kỹ lưỡng. Trong Báo cáo đánh giá tác động Luật Thuế GTGT của Bộ Tài chính chỉ đề cập đến tác động tích cực của chính sách đến 02 nhóm đối tượng, đó là (1) doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ được khấu trừ thuế, để tạo ra sản phẩm phân bón trong nước có đủ sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu và (2) nhà nước sẽ có thêm nguồn thu từ thuế nhập khẩu phân bón; như vậy là chưa đầy đủ và thiếu tính thuyết phục.
Ba là, từ trước ngày 01/01/2015, mặt hàng phân bón… đã từng là đối tượng chịu thuế với mức thuế suất (thuế GTGT) là 5%, nhưng sau khi nghiên cứu thực tiễn trên cơ sở hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của người nông dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước, Chính phủ đã trình Quốc hội thảo luận rất kỹ để ban hành Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, thì kể từ ngày 01/01/2015, "mặt hàng phân bón không còn là đối tượng phải chịu thuế GTGT".
Mặc dù vậy, trong suốt 10 năm triển khai thực hiện, mỗi lần ĐBQH tiếp xúc cử tri, thì các đoàn ĐBQH, nhất là các vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó có vùng đồng bằng sông Cửu Long đều được nghe nông dân phản ánh là "giá cả các mặt hàng phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, đề nghị Nhà nước nghiên cứu có giải pháp quản lý và hỗ trợ"... Tuy nhiên, đến nay trong khi những kiến nghị và sự lo lắng ấy vẫn còn hiển hiện, thì Quốc hội lại tiếp tục thảo luận để “bổ sung mặt hàng phân bón vào nhóm hàng hóa dịch vụ phải chịu thuế, với thuế suất 5%”, điều này chắc chắn sẽ làm cho nông dân càng lo lắng nhiều hơn.
Từ những cơ sở nêu trên, ĐBQH Trần Quốc Tuấn kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ 03 nội dung sau:
Thứ nhất, cần phải có khảo sát, đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc chuyển mặt hàng phân bón, từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng phải chịu thuế với mức thuế suất là 5% ở cả 02 góc độ, một là nhìn từ góc độ tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh phân bón, phục vụ sản xuất nông nghiệp, đến góc độ thứ hai là tác động từ việc tăng giá của sản phẩm phân bón, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân ra sao, hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thế nào? để Quốc hội xem xét, cân nhắc một cách thận trọng trước khi biểu quyết thông qua.
“Chúng ta không thể nhìn từ góc độ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước mà bỏ qua tác động ảnh hưởng đến quyền lợi của người nông dân... và chúng ta cũng không thể chắc chắn rằng, khi áp dụng thuế suất 5% đói với mặt hànng phân bón thì các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ giảm giá bán như báo cáo của Hiệp Hội phân bón” - ĐBQH Trần Quốc Tuấn.
Thứ hai, không tăng thuế suất thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón, nhưng bổ sung "Doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước" vào khoản 1 Điều 5 Dự thảo Luật, là đối tượng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Thứ ba, để khuyến khích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch, Luật cần phải phân loại “mặt hàng phân bón” ra thành 02 nhóm hàng hóa đó là "phân bón hoá học" và "phân bón hữu cơ", trong đó đặc biệt ưu tiên miễn thuế GTGT đi cùng với nhiều chính sách ưu đãi khác đối với mặt hàng phân bón hữu cơ như nhiều quốc gia đang làm, để từ đó định hướng và chuyển dần thói quen sử dụng phân bón hoá học sang sử dụng phân bón hữu cơ, đồng thời chuyển dần nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam sang nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch theo chủ trương của Đảng và Nhà nước
“Tôi hoàn toàn ủng hộ mục tiêu sửa đổi luật Thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, việc nâng mức thuế suất từ 0% lên 5% đối với mặt hàng phân bón cần phải được phân tích thấu đáo, thận trọng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón với lợi ích của người nông dân vốn được xem là đối tượng yếu thế trong toàn chuỗi giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay” - ĐBQH Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Báo Trà Vinh Online
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.