16/01/2024 15:39
Quang cảnh thảo luận Tổ sáng ngày 16/01.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng nay (16/01), Quốc hội thảo luận ở Tổ về (1) Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; (2) Việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Tham gia phát biểu thảo luận tại Tổ, Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh đã góp ý kiến cho Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã rất quyết liệt trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã mang lại một số kết quả nhất định. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm qua từng năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm rõ rệt; số xã đạt chuẩn Nông thôn mới đạt tỷ lệ cao (73,65%); số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tăng lên hằng năm; đến nay đã 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, kết quả triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều bất cập, như: (1) Việc phân bổ, giao dự toán ngân sách trung ương (chi thường xuyên) hằng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; (2) Quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất thiếu cụ thể, chưa rõ ràng; (3) Cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng rất khó thực hiện… những khó khăn, vướng mắc nêu trên đều liên quan đến các quy định của một số Luật có liên quan như: Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công....
Bên cạnh đó, đến nay thời gian thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia còn rất ngắn, cần thiết phải xây dựng một Nghị quyết có cơ chế đặc thù, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn đồng tình với các nội dung của Dự thảo Nghị quyết và cho rằng nếu các cơ chế, giải pháp này được thông qua sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là giải ngân nguồn vốn sự nghiệp đạt hiệu quả cao nhất.
Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn phát biểu thảo luận.
Tham gia đóng góp cụ thể, Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị cần xây dựng nội dung Nghị quyết đặc thù phải đảm bảo tháo gỡ được những vướng mắc, tồn tại, hạn chế vừa qua. Tuy nhiên nhiều nội dung Nghị quyết có tính thuyết phục chưa cao và chưa rõ ràng. Chẳng hạn như:
Tại điểm c, quy định nguyên tắc thực hiện nêu ở khoản 2 của Nghị quyết, về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm. Đề nghị Quốc hội nên cân nhắc thêm, vì nếu thực hiện theo nguyên tắc chỉ giao cho HĐND tỉnh được quyền điều chỉnh trong phạm vi từng chương trình mục tiêu quốc gia sẽ hạn chế hiệu quả sử dụng nguồn lực. Vì trên thực tế kết quả giám sát của Quốc hội vừa qua có rất nhiều dự án, tiểu dự án thành phần... trùng lắp về địa bàn, đối tượng, nhỏ lẻ, manh mún, nhất là đối với 02 chương trình mục tiêu quốc gia: "Giảm nghèo bền vững" và "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi". Vì vậy, nên giao thẩm quyền cho HĐND cấp tỉnh được phân bổ, điều chỉnh cả 03 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) để triển khai thực hiện các dự án phù hợp với thực tế của từng địa phương.
Tuy nhiên, để tránh lạm dụng trong phân bổ lại ở các địa phương, nội dung Nghị quyết cần bổ sung quy định nguyên tắc tỷ lệ phân bổ nhất định dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, hoặc dành cho các hoạt động phát triển sản xuất, hoặc dành cho an sinh xã hội... nhằm kiểm soát, bảo đảm mục tiêu chung của các Chương trình mục tiêu quốc gia và công bằng giữa các địa phương.
Một ví dụ điển hình khác như nội dung quy định khoản 7, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, việc thực hiện chính sách giao cho cấp tỉnh lựa chọn 01 huyện tiến hành làm thí điểm để bảo đảm thống nhất và giao cho cho HĐND tỉnh quyết định nội dung phân cấp đối với cấp huyện là phù hợp. Tuy nhiên, nội dung Dự thảo Nghị quyết cần quy định trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải sớm ban hành các văn bản hướng dẫn; thời gian ban hành được quy định ngay trong Nghị quyết này, để khi Nghị quyết được ban hành và có văn bản hướng dẫn thì cấp huyện mới dám triển khai thực hiện, nếu không sẽ không cơ quan nào dám triển khai thực hiện, đây là một hạn chế lớn nhất đang tồn tại mà hiện nay chưa thể khắc phục được.
Ngoài ra, đại biểu Trần Quốc Tuấn nêu một số bất cập của tỉnh Trà Vinh khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: "giao chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số 3%/năm".
Vấn đề này, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng việc giao chỉ tiêu như trên là khó khả thi và không phù hợp đối với một số tỉnh đang hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh đạt chuẩn "Tỉnh nông thôn mới", trong đó có Trà Vinh. Lý do, tại các địa phương đó tỷ lệ hộ nghèo (sau khi trừ đi số hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo) so với tổng số hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn ở mức rất thấp (tỉnh Trà Vinh là 3,91%), nếu tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số 3%/năm là không phù hợp với thực tế và khó khả thi, mặc dù Trà Vinh là 01 trong 02 tỉnh có rất đông đồng bào dân tộc Khmer khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất Quốc hội cần quy định theo hướng giảm tỷ lệ này xuống còn 01 - 1,5%/năm (thay vì 03% như hiện nay) cho phù hợp với các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo còn thấp, nhưng có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Trà Vinh. Đồng thời, đề xuất Quốc hội cần nghiên cứu xem xét có chính sách hỗ trợ cho các hộ mới thoát nghèo tại các xã vừa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhằm đảm bảo tính nhân văn trong chính sách Nhà nước, hỗ trợ đồng hành cùng người dân thoát nghèo một cách bền vững.
Báo Trà Vinh Online
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.