15/02/2025 18:50
Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sáng ngày 14/02. Ảnh: media.quochoi.vn
Tại phiên thảo luận, đã có 13 lượt đại biểu tham gia phát biểu ý kiến, qua đó, hầu hết các ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thể hiện sự đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước, thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần Hiến pháp.
Tham gia thảo luận nội dung này, ĐBQH Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đồng tình và đánh giá cao việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, đồng thời, tham gia một số nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo Luật với những nội dung cụ thể sau:
Thứ nhất, về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ (Điều 5).
Khoản 5 Điều 5 nêu nguyên tắc công khai, minh bạch, chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân, nhưng không có cơ chế cụ thể để thực hiện trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Nhân dân. Việc minh bạch thông tin và giải trình chính sách vẫn còn nhiều hạn chế trong thực tế. Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất bổ sung quy định về cơ chế trách nhiệm giải trình, cụ thể là bổ sung khoản 7 vào Điều 6 với nội dung “Chính phủ có trách nhiệm giải trình công khai trước Nhân dân và Quốc hội về các chính sách lớn, thông qua các báo cáo định kỳ, phiên chất vấn công khai, và cơ chế phản biện xã hội do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức”.
ĐBQH Thạch Phước Bình thảo luận dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) tại Hội trường sáng ngày 14/02/2025. Ảnh: media.quochoi.vn
Thứ hai, về nguyên tắc phân định thẩm quyền (Điều 6).
Khoản 3 Điều 6 quy định Chính phủ hướng dẫn chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền nhưng chưa làm rõ ranh giới giữa phân quyền (trao quyền quyết định độc lập) và phân cấp (trao quyền thực hiện nhưng vẫn chịu sự chỉ đạo từ trên xuống). Nếu không có ranh giới rõ ràng, có thể xảy ra tình trạng Chính phủ vẫn can thiệp sâu vào công việc của địa phương, làm giảm tính chủ động của chính quyền địa phương. Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị làm rõ khái niệm “phân quyền” và “phân cấp” theo hướng: phân quyền là chính quyền địa phương có quyền quyết định độc lập trong một số lĩnh vực (ví dụ: phát triển kinh tế - xã hội địa phương). Phân cấp là việc chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ, nhưng vẫn chịu sự giám sát.
Khoản 5 Điều 6 quy định Thủ tướng Chính phủ không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng. Tuy nhiên, chưa làm rõ cơ chế kiểm soát của Thủ tướng đối với các Bộ trưởng trong trường hợp Bộ trưởng thực hiện không hiệu quả nhiệm vụ được giao. Thực tế đã có nhiều trường hợp Bộ trưởng bị phê bình vì không hoàn thành nhiệm vụ nhưng việc xử lý trách nhiệm chưa rõ ràng. Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất bổ sung cơ chế giám sát của Thủ tướng đối với Bộ trưởng, chẳng hạn: Nếu Bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm hoặc có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của Bộ đó.
Khoản 7 Điều 6 quy định phải bảo đảm quyền lực nhà nước được kiểm soát hiệu quả, nhưng chưa làm rõ cơ chế kiểm soát giữa Chính phủ với Quốc hội, Tòa án, Viện Kiểm sát. Hiện nay, cơ chế giám sát Chính phủ chủ yếu dựa vào Quốc hội, trong khi vai trò giám sát của Tòa án, Viện Kiểm sát còn hạn chế. Từ đó, đại biểu đề xuất bổ sung khoản 8 Điều 6 quy định “Chính phủ phải bảo đảm quyền lực được kiểm soát hiệu quả thông qua cơ chế giám sát giữa Chính phủ, Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan kiểm toán nhà nước. Cơ chế giám sát này phải được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật liên quan.”
Thứ ba, về phân quyền (Điều 7).
Khoản 6 quy định chính quyền địa phương có thể đề xuất phân quyền khi có đủ điều kiện, năng lực nhưng không xác định rõ tiêu chí đánh giá năng lực và điều kiện cần thiết. Khoản 5 quy định chính quyền địa phương có thể chủ động phối hợp liên kết nội vùng, liên vùng nhưng không làm rõ cơ chế phối hợp, dẫn đến nguy cơ thiếu thống nhất giữa các địa phương. Khoản 2 yêu cầu công khai, minh bạch, nhưng chưa có cơ chế giám sát độc lập để bảo đảm việc thực hiện phân quyền không bị lạm dụng hoặc gây bất bình đẳng giữa các địa phương.
Từ đó, đại biểu đề nghị (1) Bổ sung tiêu chí đánh giá điều kiện phân quyền theo hướng sửa khoản 6 thành: “Chính quyền địa phương được đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện về nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, kinh nghiệm quản lý và đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ”. (2) Bổ sung cơ chế phối hợp liên vùng theo hướng sửa khoản 5 thành: “Chính quyền địa phương chủ động phối hợp liên kết nội vùng và liên vùng trong phát triển kinh tế - xã hội thuộc phạm vi được phân quyền trên cơ sở quy hoạch vùng, có sự giám sát và điều phối của Chính phủ”. (3) Bổ sung cơ chế giám sát độc lập theo hướng thêm khoản 7: “Việc thực hiện phân quyền phải được giám sát bởi Hội đồng nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam và cơ quan kiểm toán nhà nước để bảo đảm minh bạch, hiệu quả”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận.
Thứ tư, về phân cấp (Điều 8).
Khoản 3 quy định cơ quan phân cấp có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra nhưng không quy định rõ trách nhiệm cụ thể nếu để xảy ra sai phạm hoặc không bảo đảm điều kiện khi phân cấp. Khoản 4 cấm việc phân cấp tiếp nhiệm vụ đã được phân cấp nhưng không quy định cơ chế điều chỉnh linh hoạt trong trường hợp cần thay đổi để phù hợp thực tiễn. Không có quy định cụ thể về trách nhiệm tài chính khi thực hiện phân cấp, dễ dẫn đến tình trạng thiếu nguồn lực thực hiện. Từ đó, đại biểu đề xuất: (1) Làm rõ phạm vi trách nhiệm của cơ quan phân cấp theo hướng sửa khoản 3 thành: “Cơ quan, người phân cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu việc phân cấp không bảo đảm điều kiện thực hiện, gây thất thoát ngân sách, sai phạm hành chính hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”. (2) Bổ sung cơ chế điều chỉnh linh hoạt theo hướng sửa khoản 4 thành: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người được phân cấp có quyền đề nghị điều chỉnh nội dung phân cấp trong trường hợp thực tế phát sinh khó khăn, vướng mắc hoặc cần thay đổi để nâng cao hiệu quả quản lý”. (3) Bổ sung quy định về trách nhiệm tài chính theo hướng bổ sung thêm khoản 5: “Khi thực hiện phân cấp, cơ quan phân cấp có trách nhiệm bảo đảm nguồn lực tài chính, nhân sự tương ứng để thực hiện nhiệm vụ, tránh tình trạng phân cấp nhưng không đủ điều kiện thực hiện”.
Thứ năm, về ủy quyền (Điều 9).
Khoản 3 quy định người ủy quyền chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc ủy quyền nhưng lại miễn trách nhiệm nếu người được ủy quyền thực hiện sai phạm. Điều này có thể dẫn đến lạm dụng ủy quyền để tránh trách nhiệm. Không có yêu cầu về công khai danh sách các nhiệm vụ được ủy quyền và kết quả thực hiện, dẫn đến nguy cơ thiếu minh bạch. Khoản 1 chỉ yêu cầu xác định thời hạn nhưng không quy định thời hạn tối đa, có thể dẫn đến việc kéo dài ủy quyền mà không có sự rà soát, đánh giá lại. Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất: (1) Làm rõ trách nhiệm của người ủy quyền heo hướng sửa khoản 3 thành: “Người có thẩm quyền ủy quyền chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc ủy quyền và phải chịu trách nhiệm liên đới nếu người được ủy quyền thực hiện sai phạm mà không có biện pháp kiểm soát phù hợp”. (2) Bổ sung quy định công khai và báo cáo theo hướng thêm khoản 6: “Danh sách các nhiệm vụ được ủy quyền, thời hạn ủy quyền và kết quả thực hiện phải được công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan ủy quyền và báo cáo định kỳ cho cơ quan giám sát”. (3) Giới hạn thời gian ủy quyền tối đa theo hướng thêm khoản 7: “Thời hạn ủy quyền không quá 3 năm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Sau thời hạn này, việc tiếp tục ủy quyền phải được xem xét, đánh giá lại”.
Báo Trà Vinh Online
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định chuyến thăm của đồng chí Bộ trưởng sẽ góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Cuba.