25/11/2024 18:22
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Tại phiên thảo luận đã có 17 đại biểu phát biểu ý kiến, trong đó có 01 đại biểu phát biểu tranh luận. Hầu hết các ý kiến phát biểu, tranh luận cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng dự án Luật Sửa đổi, bổ sung mộ số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trước sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo trực tuyến.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Trà Vinh cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thào Luật, đồng thời tham gia đóng góp 04 nội dung về quảng cáo trên mạng (tại khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 23 Luật Quảng cáo năm 2012 như sau:
Thứ nhất, về khung pháp lý đồng bộ và cụ thể cho quảng cáo trực tuyến.
Luật Quảng cáo 2012 được thiết kế chủ yếu để quản lý các hình thức truyền thống như báo chí, truyền hình, biển quảng cáo ngoài trời. Trong khi đó, các hình thức quảng cáo trực tuyến hiện đại như quảng cáo trên mạng xã hội (Facebook, TikTok), quảng cáo tự động, và quảng cáo qua công nghệ drone chưa được quy định cụ thể. Điều này khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn trong giám sát và xử lý vi phạm. Hơn nữa, sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật (như Luật An ninh mạng và Luật Giao dịch điện tử) làm giảm hiệu quả thực thi.
Theo số liệu của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục năm 2023, hơn 70% các trường hợp vi phạm quảng cáo trực tuyến bị xử lý chậm vì thiếu quy định đồng bộ. Đề nghị bổ sung điều khoản chuyên biệt về quảng cáo trực tuyến như: (i) Xây dựng quy định quản lý các hình thức quảng cáo mới, bao gồm quảng cáo trên mạng xã hội, qua công nghệ drone, và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). (ii) Đưa ra hướng dẫn rõ ràng về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia quảng cáo, từ nhà quảng cáo đến các nền tảng trực tuyến. (iii) Thành lập cơ chế phối hợp liên ngành tăng cường hợp tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, và Bộ Công an để xử lý vi phạm hiệu quả hơn. (iv) Xây dựng quy trình thống nhất để xử lý các vụ việc liên quan đến quảng cáo trực tuyến, tránh chồng chéo trách nhiệm giữa các cơ quan.
ĐBQH Thạch Phước Bình thảo luận tại Hội trường chiều ngày 25/11. Ảnh: media.quochoi.vn
Thứ hai, sự cạnh tranh giữa báo chí và các nền tảng kỹ thuật số xuyên biên giới.
Thị phần quảng cáo tại Việt Nam hiện nay chủ yếu nằm trong tay các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok. Theo báo cáo của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) năm 2023, các nền tảng này chiếm hơn 75% doanh thu quảng cáo, trong khi báo chí truyền thống chỉ chiếm dưới 10%. Các nền tảng này thường không đăng ký hoạt động đầy đủ tại Việt Nam hoặc chỉ đăng ký một phần, dẫn đến việc không thể quản lý thuế hiệu quả. Năm 2023, Việt Nam thất thu hơn 1.000 tỷ đồng từ quảng cáo trực tuyến, gây áp lực lên nguồn thu ngân sách quốc gia. Đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất cần bổ sung quy định áp dụng các biện pháp mạnh để quản lý nền tảng xuyên biên giới. Theo đó, (i) cần bổ sung quy định bắt buộc các nền tảng phải đăng ký hoạt động tại Việt Nam và nộp thuế theo quy định. Áp dụng cơ chế phối hợp quốc tế trong quản lý thuế đối với các doanh nghiệp xuyên biên giới. (ii) Đưa ra chính sách ưu đãi về thuế hoặc hỗ trợ tài chính để giúp các cơ quan báo chí tăng khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo. (iii) Phát triển các chương trình truyền thông quốc gia để quảng bá dịch vụ quảng cáo nội địa, tăng sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong nước.
Thứ ba, việc kiểm soát nội dung quảng cáo trên mạng.
Thực tiễn cho thấy, nhiều nội dung quảng cáo trực tuyến đang vi phạm thuần phong mỹ tục, quảng cáo sai sự thật hoặc tự động xuất hiện trên các trang web không phù hợp. Cục An toàn Thông tin ghi nhận hơn 500.000 lượt quảng cáo vi phạm chỉ trong năm 2023. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng và tăng nguy cơ lừa đảo trực tuyến. Vấn đề này ĐBQH Thạch Phước Bình đề xuất: (i) Quy định bắt buộc các nền tảng phải rà soát và kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi hiển thị. (ii) Thiết lập chế tài mạnh, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi nhận được thông báo. (iii) Nâng mức phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến 2-3 lần lợi ích thu được, tương đương với các tiêu chuẩn tại EU hoặc Mỹ. (iv) Công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để tăng tính răn đe.
Thứ tư, về quyền lợi người tiêu dùng trong quảng cáo trên mạng.
Quảng cáo trực tuyến thường thiếu thông tin sản phẩm, gây hiểu lầm hoặc lừa đảo người tiêu dùng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023, hàng trăm vụ khiếu nại liên quan đến việc mua hàng qua quảng cáo trực tuyến nhưng sản phẩm không đúng như mô tả đã được ghi nhận. Việc sử dụng dữ liệu cá nhân để quảng cáo không có sự đồng ý của người tiêu dùng đang là vấn đề nghiêm trọng, vi phạm quyền riêng tư. Đại biểu đề xuất: (i) Quảng cáo phải ghi rõ thông tin sản phẩm, dịch vụ, đơn vị chịu trách nhiệm và cơ chế hỗ trợ sau bán hàng. (ii) Ban hành chế tài nghiêm khắc đối với việc sử dụng dữ liệu cá nhân trái phép. (iii) Bổ sung quy định về đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về quyền riêng tư và cách bảo vệ thông tin cá nhân.
Thứ năm, về thủ tục hành chính đối với quảng cáo trên mạng.
Thực tế cho thấy, quy trình cấp phép quảng cáo hiện nay vẫn còn thủ công, tốn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Đề nghị bổ sung quy định chuyển đổi số trong thủ tục cấp phép thông qua việc xây dựng hệ thống cấp phép quảng cáo tự động qua cổng thông tin điện tử quốc gia. Đồng thời, tích hợp cơ chế thanh toán điện tử và tra cứu thông tin vi phạm để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Báo Trà Vinh Online
Sáng 25/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để xem xét nhiều nội dung quan trọng theo thẩm quyền.