15/02/2025 19:38
Đây là ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Trà Vinh tại Phiên thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội trong chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV chiều ngày 12/02 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội chiều ngày 12/02 (Ảnh: media.quochoi.vn)
Thứ nhất, về tạm đình thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội (Điều 39).
Theo ĐBQH Thạch Phước Bình, Điều 39 của dự thảo Luật mới quy định về việc tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội và các hệ quả pháp lý liên quan. So với quy định cũ, nội dung sửa đổi có một số điểm nổi bật. Mặc dù quy định mới đã tiến bộ hơn, vẫn có một số điểm cần xem xét lại: (1) Về cơ sở tạm đình chỉ đại biểu Quốc hội: Điều khoản chưa xác định rõ các tiêu chí để quyết định mức độ vi phạm nào đủ nghiêm trọng để tạm đình chỉ. Cần phân biệt giữa vi phạm hành chính, kỷ luật Đảng, và vi phạm pháp luật hình sự. Đề xuất cần quy định rõ các tiêu chí khách quan để tránh tình trạng xử lý thiếu thống nhất giữa các đại biểu. (2) Về khôi phục quyền lợi cho đại biểu Quốc hội: Hiện tại, điều khoản chỉ quy định khôi phục quyền hạn nếu đại biểu “không có vi phạm” hoặc “được miễn trách nhiệm hình sự”. Tuy nhiên, không nói rõ trường hợp đại biểu bị oan sai hoặc bị truy tố sai, liệu họ có được bồi thường hay không. Đề xuất nên bổ sung cơ chế bồi thường hoặc phục hồi danh dự nếu đại biểu bị kết án sai hoặc bị truy tố không có căn cứ. (3) Về điều kiện mất tư cách đại biểu Quốc hội: Quy định hiện tại nêu rằng đại biểu bị kết tội thì đương nhiên mất tư cách, nhưng không làm rõ trường hợp án treo hoặc các hình phạt không tước quyền công dân. Đề xuất cần bổ sung quy định cụ thể về các mức độ vi phạm có thể dẫn đến mất tư cách đại biểu để tránh cách hiểu quá rộng.
Đại biểu Thạch Phước Bình thảo luận Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội chiều ngày 12/02 (Ảnh: media.quochoi.vn)
Thứ hai, về sửa đổi, bổ sung quy định về Văn phòng Quốc hội (Điều 99).
Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng Điều 99 chỉ nhấn mạnh vai trò hành chính, tham mưu tổng hợp nhưng chưa làm rõ nhiệm vụ hỗ trợ lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia mà Quốc hội đảm nhiệm. Chưa quy định rõ Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong việc nghiên cứu chính sách, phân tích dự thảo luật, tiếp nhận và xử lý kiến nghị của cử tri. Từ đó, đại biểu đề xuất sửa đổi khoản 1 theo hướng: “Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, tham mưu tổng hợp, giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia; đồng thời phối hợp phục vụ các hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan khác của Quốc hội theo quy định của pháp luật”.
Về điều khoản quy định gộp chung hai chức danh “Tổng Thư ký Quốc hội” và “Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội”, theo đại biểu Thạch Phước Bình, có thể gây chồng chéo nhiệm vụ, do chức danh Tổng Thư ký Quốc hội chủ yếu tập trung vào công tác điều phối hoạt động lập pháp, trong khi Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có vai trò quản lý bộ máy hành chính. Việc quy định Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là người phát ngôn của Quốc hội có thể dẫn đến việc chưa phân định rõ vai trò giữa Tổng Thư ký và các cơ quan chuyên trách khác như Ban Công tác đại biểu hay Ban Dân nguyện. Từ đó, đại biểu đề xuất tách bạch vai trò của Tổng Thư ký Quốc hội và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Theo đó, đề xuất sửa đổi khoản 2 như sau: “Tổng Thư ký Quốc hội có nhiệm vụ điều phối chương trình làm việc của Quốc hội, hỗ trợ đại biểu Quốc hội về kỹ thuật lập pháp và giám sát, không kiêm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động của Văn phòng Quốc hội”. Đồng thời, bổ sung quy định về phát ngôn của Quốc hội, có thể giao nhiệm vụ này cho một người phát ngôn chuyên trách, thay vì Tổng Thư ký Quốc hội.
Thứ ba, về việc Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội trong trường hợp cần thiết theo quy định tại Điều 88 và Điều 89.
Khoản 1 Điều 88 quy định Quốc hội có thể thành lập Ủy ban lâm thời để thẩm tra dự án luật, dự thảo nghị quyết hoặc báo cáo, dự án khác hoặc điều tra làm rõ về một vấn đề cụ thể khi xét thấy cần thiết. Tuy nhiên, quy định này chưa nêu rõ tiêu chí nào để xác định “cần thiết”, có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng hoặc khó triển khai trong thực tế. Chưa có quy định về thời gian tối đa hoạt động của Ủy ban lâm thời, dễ dẫn đến kéo dài không cần thiết. Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 88 theo hướng quy định rõ hơn tiêu chí và điều kiện thành lập Ủy ban lâm thời. Theo đó, dự thảo Luật cần quy định: “Ủy ban lâm thời được Quốc hội thành lập khi có yêu cầu cấp thiết, phục vụ thẩm tra các dự án luật, nghị quyết có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý hoặc cần điều tra một vấn đề nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quyền lợi của công dân”. Đồng thời, bổ sung thời hạn hoạt động tối đa của Ủy ban lâm thời theo hướng: “Thời gian hoạt động của Ủy ban lâm thời không quá 12 tháng, trừ trường hợp Quốc hội quyết định gia hạn do tính chất phức tạp của vụ việc”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận.
Khoản 2 Điều 88 quy định việc thành lập Ủy ban lâm thời do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định, dựa trên đề nghị của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, theo đại biểu Thạch Phước Bình, quy định này chưa có cơ chế xử lý trường hợp khẩn cấp, cần phản ứng nhanh để điều tra một vấn đề cấp bách (ví dụ: khủng hoảng kinh tế, thiên tai, tham nhũng lớn). Từ đó, đại biểu đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 88 để bổ sung cơ chế phản ứng nhanh theo hướng bổ sung quy định: “Ngoài việc thành lập theo đề nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể đề xuất thành lập Ủy ban lâm thời trong các tình huống cấp bách để điều tra các vấn đề nghiêm trọng có ảnh hưởng lớn đến quốc gia. Quyết định này phải được Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp gần nhất”.
Mặt khác, đại biểu cũng cho rằng Điều 89 chưa làm rõ Ủy ban lâm thời có quyền triệu tập, điều trần, yêu cầu cung cấp tài liệu, làm việc với các cơ quan hành pháp và tư pháp hay không. Không quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình của các cơ quan chịu sự điều tra của Ủy ban lâm thời, có thể dẫn đến tính hình thức, thiếu hiệu quả trong hoạt động giám sát. Khoản 2 Điều 89 yêu cầu báo cáo điều tra của Ủy ban lâm thời phải được Hội đồng Dân tộc hoặc một Ủy ban của Quốc hội thẩm tra trước khi Quốc hội ra nghị quyết. Tuy nhiên, chưa quy định rõ về trách nhiệm của Quốc hội sau khi nhận báo cáo, có bắt buộc phải ra nghị quyết hay không, nếu có sai phạm thì xử lý như thế nào. Ngoài ra, việc chấm dứt hoạt động của Ủy ban lâm thời theo khoản 3 Điều 89 chưa ràng buộc trách nhiệm đối với những đề xuất, khuyến nghị mà Ủy ban đã đưa ra.
Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất bổ sung vào Điều 89 quyền hạn của Ủy ban lâm thời như sau: “Ủy ban lâm thời có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, hồ sơ liên quan đến nội dung điều tra. Ủy ban lâm thời có quyền triệu tập các cá nhân, tổ chức liên quan để làm việc, yêu cầu giải trình. Khi cần thiết, Ủy ban lâm thời có thể đề xuất Quốc hội tạm đình chỉ công tác của cán bộ có liên quan trong quá trình điều tra. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm hợp tác với Ủy ban lâm thời. Việc từ chối cung cấp thông tin hoặc không hợp tác phải được báo cáo Quốc hội và có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật”.
Đồng thời, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị sửa đổi Khoản 2 Điều 89 để đảm bảo báo cáo của Ủy ban lâm thời có tính ràng buộc: Báo cáo điều tra của Ủy ban lâm thời phải được Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban có liên quan thẩm tra trong thời hạn không quá 30 ngày. Quốc hội có trách nhiệm xem xét báo cáo và đưa ra quyết định xử lý, có thể bao gồm việc thành lập đoàn giám sát chuyên trách, kiến nghị truy cứu trách nhiệm pháp lý hoặc sửa đổi chính sách liên quan. Sau khi Ủy ban lâm thời kết thúc hoạt động, Quốc hội có thể giao nhiệm vụ cho một cơ quan giám sát để theo dõi việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của Ủy ban. Cơ quan này phải báo cáo Quốc hội trong thời gian không quá 6 tháng kể từ ngày nghị quyết được ban hành.
Báo Trà Vinh Online
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định chuyến thăm của đồng chí Bộ trưởng sẽ góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Cuba.