09/11/2024 12:57
Đây là ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh tại phiên thảo luận tại Hội trường sáng ngày 09/11/2024 thuộc chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Ảnh: media.quochoi.vn
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Theo đại biểu Thạch Phước Bình, phạm vi điều chỉnh cần phân định rõ giữa các loại tài sản là vật chứng và các loại tài sản khác, để tránh chồng chéo với quy định hiện hành, đặc biệt là Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự. Nghị quyết cũng cần xác định rõ đối tượng áp dụng, bao gồm các cơ quan có trách nhiệm xử lý tài sản như tòa án, viện kiểm sát, cơ quan công an và các đơn vị giám sát liên quan. Điều này giúp bảo đảm rằng mọi tổ chức, cá nhân tham gia đều có quyền và nghĩa vụ rõ ràng trong quá trình xử lý tài sản.
Việc xác định rõ phạm vi và đối tượng sẽ giúp các cơ quan thực hiện dễ dàng xác định trách nhiệm, thẩm quyền của mình, từ đó tránh các tranh chấp không cần thiết và nâng cao tính hiệu quả, kịp thời trong công tác xử lý tài sản. Từ đó, đề xuất bổ sung một điều khoản quy định chi tiết các loại tài sản không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị quyết. Đồng thời, xác định rõ các cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến quá trình xử lý tài sản, đặc biệt các đơn vị giám sát.
Về nguyên tắc thực hiện xử lý tài sản. Quy định về nguyên tắc xử lý tài sản cần đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và đặc biệt là quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan. Bên cạnh đó, cần có cơ chế giám sát độc lập trong quá trình thực hiện để đảm bảo tính công bằng và hạn chế tình trạng tham nhũng.
Mặt khác, một số tài sản có thể mất giá trị hoặc bị hư hại nếu không được xử lý kịp thời. Bảo đảm thời gian xử lý nhanh chóng, hiệu quả sẽ giúp tối ưu hóa giá trị của tài sản và hạn chế thiệt hại. Cơ chế giám sát độc lập sẽ là rào cản ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, thất thoát tài sản của Nhà nước. Đề xuất cần bổ sung quy định về kiểm tra, giám sát và công khai thông tin xử lý tài sản để đảm bảo minh bạch. Các cơ quan thực hiện nên được yêu cầu báo cáo định kỳ về quá trình xử lý tài sản để tăng tính công khai.
ĐBQH Thạch Phước Bình thảo luận tại Hội trường sáng ngày 09/11/2024 (Ảnh: media.quochoi.vn)
Về biện pháp xử lý vật chứng, tài sản. Khoản 1 Điều 3 về trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi vào ngân hàng để chờ xử lý. Theo đại biểu Thạch Phước Bình, cần quy định thời gian tối đa để thực hiện việc trả lại tiền cho bị hại, tránh tình trạng kéo dài thời gian gây ảnh hưởng quyền lợi của các bên liên quan. Việc quy định thời gian cụ thể sẽ giúp đảm bảo quyền lợi của bên bị hại, đồng thời giúp cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đúng thời hạn và tránh chậm trễ trong việc xử lý. Đề xuất cần bổ sung thời gian cụ thể và quy định về việc xử lý tiền lãi phát sinh khi gửi tiền vào ngân hàng, đảm bảo quyền lợi tài chính cho bên bị hại.
Khoản 3 Điều 3 về cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản. Để đảm bảo tính công bằng, nghị quyết cần quy định việc đấu giá công khai tài sản trong mọi trường hợp. Điều này giúp tránh các trường hợp mua bán không minh bạch và tối ưu hóa giá trị tài sản. Đấu giá công khai là phương pháp minh bạch, tạo điều kiện cho các cá nhân và tổ chức tham gia cạnh tranh công bằng, đảm bảo thu về giá trị cao nhất từ tài sản. Đề xuất: Quy định bắt buộc đấu giá công khai cho tất cả các trường hợp xử lý tài sản, kể cả trường hợp các đồng sở hữu có nguyện vọng mua lại tài sản.
Khoản 5 Điều 3 về tạm ngừng giao dịch, đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Cần có điều khoản bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan trong trường hợp tài sản bị tạm ngừng giao dịch hoặc chuyển quyền, đặc biệt là khi không được thông báo trước. Việc tạm ngừng giao dịch có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên, do đó cần có thông báo trước để các bên có thời gian chuẩn bị và xử lý. Đề xuất cần bổ sung quy định về thông báo trước, cũng như biện pháp bồi thường hoặc bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan khi áp dụng biện pháp tạm ngừng.
Về quy định về quy trình và thủ tục xử lý tài sản. Theo đại biểu Thạch Phước Bình, quy trình và thủ tục xử lý cần được quy định chi tiết, bao gồm các bước như lập biên bản, đánh giá giá trị tài sản, và tổ chức đấu giá công khai. Ngoài ra, quy định cũng cần có cơ chế thẩm định giá trị tài sản để đảm bảo tính công bằng và hợp lý trong xử lý. Quy trình chi tiết sẽ giúp ngăn ngừa các sai sót và tránh tình trạng lạm dụng quyền lực trong quá trình xử lý tài sản. Thẩm định giá là bước quan trọng để đảm bảo tài sản được xử lý với giá trị đúng, không gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và các bên liên quan. Đề xuất, (i) cần quy định rõ các bước thực hiện xử lý tài sản, bao gồm lập biên bản, thẩm định giá trị và công khai quy trình xử lý tài sản. (ii) Bổ sung yêu cầu về báo cáo định kỳ về kết quả đấu giá và phân bổ lợi nhuận từ tài sản.
Về bảo vệ quyền lợi của bên liên quan. Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng cần quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong quá trình xử lý tài sản, bao gồm quyền khiếu nại và yêu cầu giải quyết tranh chấp. Bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan sẽ giảm thiểu nguy cơ tranh chấp và xây dựng niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp. Đề xuất, cần bổ sung điều khoản về khiếu nại và cơ chế giải quyết tranh chấp trong quá trình xử lý vật chứng, tài sản để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên.
Báo Trà Vinh Online
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.