08/11/2024 07:58
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: media.quochoi.vn
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Tại phiên thảo luận có 25 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu đóng góp ý kiến, trong đó, hầu hết các ý kiến cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật do Chính phủ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với 06 chính sách đã được thông qua; nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Một số ý kiến khác cho rằng trong bối cảnh hiện nay cùng với kiến nghị của Chính phủ thông qua dự án Luật này theo quy trình 01 kỳ họp, thì chưa nên sửa đổi toàn diện Luật Điện lực mà chỉ nên tập trung vào những vấn đề thật sự cấp thiết, đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng, làm cơ sở thực hiện mục tiêu trước mắt là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Tham gia thảo luận dự thảo Luật, ĐBQH Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh tham gia góp ý 07 nội dung cụ thể như sau:
Một là, về khung chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo. Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) chưa đề cập đầy đủ về cơ chế phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và thủy điện nhỏ. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, việc thúc đẩy năng lượng tái tạo là cần thiết để bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Vấn đề này ĐBQH Thạch Phước Bình đề xuất: bổ sung quy định về tỷ lệ đóng góp tối thiểu của năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện quốc gia nhằm đảm bảo lộ trình chuyển dịch sang năng lượng sạch. Xây dựng cơ chế hỗ trợ cụ thể cho các dự án năng lượng tái tạo như ưu đãi thuế, hỗ trợ giá, và giảm thiểu thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Quy định rõ ràng và chi tiết về quy trình thẩm định và phê duyệt các dự án năng lượng tái tạo, đảm bảo minh bạch và đồng bộ.
ĐBQH Thạch Phước Bình thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: media.quochoi.vn
Hai là, về cơ chế giá điện minh bạch và linh hoạt. Dự thảo Luật cần bổ sung và làm rõ các quy định về cơ chế giá điện, đặc biệt là giá điện cho từng loại hình năng lượng khác nhau và cho từng khu vực. Đại biểu đề xuất: xây dựng cơ chế tính giá điện linh hoạt dựa trên các yếu tố như giờ cao điểm và thấp điểm, điều kiện địa lý và nguồn cung cấp năng lượng. Điều này sẽ khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm vào các khung giờ thấp điểm. Đảm bảo quyền của người tiêu dùng trong việc tiếp cận thông tin về giá điện và quy trình điều chỉnh giá điện. Các quyết định điều chỉnh giá điện nên được công khai minh bạch và có sự tham gia giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
Ba là, về phát triển thị trường điện cạnh tranh. Dự thảo Luật cần có lộ trình rõ ràng cho việc chuyển đổi từ cơ chế độc quyền sang thị trường điện cạnh tranh. Đề xuất: cần bổ sung các quy định cụ thể về các bước thực hiện mở cửa thị trường điện bao gồm: thị trường bán buôn và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc giám sát và điều phối thị trường điện, nhằm đảm bảo tính công bằng và minh bạch. Đưa ra quy định về kiểm soát độc quyền của các tập đoàn lớn trong ngành điện nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và các nhà đầu tư mới.
Bốn là, về mua bán điện trực tiếp với nước ngoài. Hiện nay, các quy định về hợp tác mua bán điện với nước ngoài vẫn còn hạn chế, đặc biệt là việc mua bán trực tiếp điện năng giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng. Đề xuất: bổ sung quy định cụ thể về điều kiện, trách nhiệm và cơ chế giám sát các giao dịch mua bán điện trực tiếp với nước ngoài nhằm tăng cường tính chủ động trong nguồn cung điện và đa dạng hóa nguồn cung. Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra và giám sát các giao dịch điện quốc tế, nhằm tránh rủi ro về an ninh năng lượng và bảo đảm chất lượng dịch vụ.
Năm là, về phát triển điện khí và điện hydro xanh. Điện khí và điện hydro xanh đang dần trở thành các nguồn năng lượng sạch và bền vững, cần thiết để bổ sung vào hệ thống năng lượng quốc gia. Đề xuất: đưa vào các quy định khuyến khích đầu tư và sản xuất điện từ khí đốt và hydro xanh, bao gồm ưu đãi thuế và vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia phát triển các dự án điện khí và hydro xanh. Quy định về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất điện từ hydro và khí đốt, hướng tới các giải pháp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Sáu là, về an toàn và bảo vệ môi trường trong sản xuất và sử dụng điện. An toàn và bảo vệ môi trường trong sản xuất điện là một yếu tố quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững cho ngành điện lực Việt Nam. Đề xuất: tăng cường các quy định về xử lý chất thải và quản lý chất thải nguy hại từ các nhà máy điện, đặc biệt là nhà máy nhiệt điện. Đưa ra quy định rõ ràng về đánh giá tác động môi trường cho từng dự án điện lực, đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.
Bảy là, về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng điện. Dự thảo Luật cần quy định rõ ràng hơn về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo họ được cung cấp dịch vụ điện lực công bằng, minh bạch. Đề xuất: quy định các quyền của người tiêu dùng điện như quyền được tiếp cận thông tin về giá điện, quyền khiếu nại và yêu cầu xử lý khi gặp sự cố. Đảm bảo nhà cung cấp điện chịu trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ điện liên tục, đảm bảo chất lượng và an toàn.
Tám là, về ứng dụng công nghệ thông minh và quản lý điện số hóa. Việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý điện là rất cần thiết để tối ưu hóa hoạt động vận hành hệ thống điện và tăng tính hiệu quả. Đề xuất: quy định các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ thông minh như hệ thống lưới điện thông minh và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý, giám sát và tối ưu hóa năng lượng điện. Hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai công nghệ blockchain trong các giao dịch điện năng, đảm bảo tính minh bạch, an toàn và tiết kiệm chi phí quản lý.
Báo Trà Vinh Online
Hiện nay có rất nhiều nguồn lực ngoài nhà nước đã và đang đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, nếu thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, sẽ làm lãng phí lớn nguồn lực xã hội như nhiều trường hợp dự án điện gió, điện mặt trời hiện nay đã hoàn thành nhưng không thể hòa lưới thương mại…