29/10/2024 13:36
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Tại phiên thảo luận có 24 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu và 05 lượt đại biểu tranh luận, trong đó, các ý kiến cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sáng ngày 29/10. Ảnh: media.quochoi.vn
Tham gia thảo luận dự thảo Luật, ĐBQH Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng phân bón là một trong những yếu tố đầu vào thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản. Trong bối cảnh nông nghiệp vẫn là ngành “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam, việc đưa ra các chính sách hỗ trợ ngành này là vô cùng cần thiết. Việc không áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% đối với phân bón có thể mang lại nhiều lợi ích cho nông dân và nền kinh tế nói chung.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, nông dân Việt Nam, đặc biệt là những người sản xuất quy mô nhỏ lẻ, thường phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ biến động giá cả thị trường, thời tiết khắc nghiệt đến chi phí đầu vào ngày càng tăng. Phân bón chiếm một phần lớn trong chi phí sản xuất của nông dân. Việc không áp dụng thuế VAT 5% sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho họ. Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn giúp họ có điều kiện tái đầu tư vào sản xuất, cải thiện năng suất và chất lượng nông sản.
Thực tế cho thấy, Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, với nông sản đóng góp lớn vào GDP và xuất khẩu. Nếu áp dụng thuế VAT 5% đối với phân bón, chi phí sản xuất sẽ tăng, dẫn đến giá thành nông sản tăng. Điều này có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu. Ngược lại, việc giữ giá phân bón ở mức thấp thông qua việc miễn thuế sẽ khuyến khích nông dân đầu tư nhiều hơn vào sản xuất, từ đó giúp gia tăng sản lượng, đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
ĐBQH Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận ở hội trường về Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sáng ngày 29/10. Ảnh: media.quochoi.vn
Bên cạnh đó, một trong những hệ quả trực tiếp của việc áp dụng VAT lên phân bón là sự gia tăng giá thành sản xuất, từ đó đẩy giá nông sản lên cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nông dân mà còn tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát đang là một vấn đề đáng lo ngại. Việc không áp dụng thuế VAT sẽ giúp ổn định giá cả nông sản, góp phần kiểm soát lạm phát trong ngành nông nghiệp và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Nông nghiệp là một ngành có nhiều đặc thù, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các yếu tố thiên nhiên và thị trường. So với các ngành khác, nông nghiệp có tính bấp bênh cao hơn, và người lao động trong ngành này thường có thu nhập thấp hơn. Việc không áp dụng VAT cho phân bón sẽ là một biện pháp hỗ trợ trực tiếp, giúp nông dân giảm thiểu rủi ro tài chính và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình sản xuất. Đây cũng là cách để chính phủ thể hiện sự ưu tiên và quan tâm đến phát triển nông nghiệp, góp phần đảm bảo sự công bằng giữa các ngành nghề trong nền kinh tế.
Quốc hội hảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Hơn nữa, theo đại biểu Thạch Phước Bình, mặc dù phân bón hóa học là cần thiết trong sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng quá mức có thể gây hại cho đất và môi trường. Việc không áp dụng VAT giúp nông dân có thể tiếp cận phân bón chất lượng với chi phí thấp hơn, từ đó sử dụng hợp lý hơn. Đồng thời, việc giữ giá phân bón ở mức hợp lý cũng giúp ngăn chặn tình trạng lạm dụng phân bón hóa học, từ đó bảo vệ đất đai và môi trường nông thôn.
“Nước ta đang hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường. Việc không áp dụng thuế VAT đối với phân bón phù hợp với chiến lược này, bởi nó giúp giảm chi phí cho nông dân trong quá trình chuyển đổi sang các phương pháp canh tác bền vững, đồng thời khuyến khích sự phát triển của nông nghiệp hữu cơ” - ĐBQH Thạch Phước Bình nhấn mạnh.
Từ những phân tích nêu trên, ĐBQH Thạch Phước Bình cho rằng việc không áp dụng thuế VAT 5% đối với phân bón không chỉ là một biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho nông dân mà còn mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và xã hội. Chính sách này giúp ổn định giá cả nông sản, thúc đẩy sản xuất, bảo vệ môi trường và phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam. Trong bối cảnh nền nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, việc duy trì ưu đãi thuế cho phân bón là cần thiết và xứng đáng được xem xét kỹ lưỡng.
Báo Trà Vinh Online
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.