20/11/2024 17:03
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Tại Phiên thảo luận đã có 36 đại biểu phát biểu ý kiến, trong đó có 04 đại biểu tranh luận. Hầu hết các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo, nhất là Nghị quyết số 25 và Kết luận số 91 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đồng thời đề cập đến nhiều vấn đề sâu sắc từ thực tiễn nhằm hoàn thiện dự thảo luật, xây dựng cho được một đạo luật chuyên ngành cụ thể hóa đầy đủ, đúng mức sự quan tâm của Đảng về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong phát triển đất nước bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan, khắc phục sự chồng chéo, thiếu đồng bộ.
Tham gia thảo luận nội dung này, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đánh giá nhà giáo là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo vẫn chưa thực sự tạo động lực mạnh mẽ, chưa phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Điều này đòi hỏi phải có những phân tích, đánh giá cụ thể và đề xuất hoàn thiện để đảm bảo quyền lợi cho nhà giáo và nâng cao chất lượng giáo dục. Từ đó, ĐBQH Thạch Phước Bình tham gia góp ý 04 nội dung sau:
ĐBQH Thạch Phước Bình thảo luận tại Hội trường sáng ngày 20/11. Ảnh: media.quochoi.vn
Thứ nhất, về quy định tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo tại Điều 27. Điều này quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau; các phụ cấp ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối với nhà giáo công tác vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Việc ưu tiên nhà giáo ở các ngành nghề đặc thù còn thiếu cơ chế cụ thể về mức độ ưu tiên khiến chính sách khó thực thi đồng bộ dẫn đến nhà giáo không cảm thấy được đảm bảo về thu nhập, đặc biệt ở các vùng khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở những nơi này. Từ đó, ĐBQH Thạch Phước Bình đề nghị: (1) xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp; (2) tăng phụ cấp ưu đãi nghề, đặc biệt ở các khu vực khó khăn với tỷ lệ phụ cấp từ 50 - 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương; (3) quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo, ngành nghề đặc thù, đảm bảo công bằng, hiệu quả.
Thứ hai, về chính sách hỗ trợ nhà giáo tại Điều 28. Điều này quy định chung chung về chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp và các chính sách khác là chưa rõ ràng về cách triển khai và đối tượng áp dụng. Phụ cấp lưu động chưa đủ để bù đắp khó khăn của giáo viên công tác tại các điểm trường, thôn, bản, phum, sóc xa xôi. Các chính sách này chưa phù hợp với thực tế, không tạo được sự khích lệ mạnh mẽ đối với nhà giáo trong điều kiện khó khăn. Từ đó, ĐBQH Thạch Phước Bình đề nghị: (1) cụ thể hóa chính sách chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp như khám sức khỏe định kỳ miễn phí, hỗ trợ điều trị bệnh nghề nghiệp; (2) nâng mức phụ cấp lưu động và mở rộng phạm vi hỗ trợ cho nhà giáo biệt phái hoặc dạy liên trường đảm bảo tối thiểu 50% chi phí đi lại.
Thứ ba, về chính sách thu hút nhà giáo tại Điều 29. Quy định của dự thảo luật chưa có tiêu chí cụ thể để thu hút người có trình độ cao, người có tài năng làm nhà giáo. Chính sách ưu tiên tuyển dụng và chế độ phụ cấp thu hút cũng chưa đủ hấp dẫn để giữ chân nhà giáo tại các vùng khó khăn, từ đó dẫn đến khó khăn trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao và duy trì đội ngũ nhà giáo ở những khu vực cần thiết. ĐBQH Thạch Phước Bình đề nghị: (1) xây dựng chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính đặc biệt để đào tạo người có trình độ cao trở thành nhà giáo; (2) tăng mức phụ cấp thu hút lên gấp 02 lần lương cơ bản đối với nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn trong thời gian đầu, tức là từ 03 - 05 năm đầu.
Thứ tư, về chế độ nghỉ hưu và kéo dài thời gian làm việc tại Điều 30 và Điều 31. Chính sách nghỉ hưu sớm không bị trừ tỷ lệ lương hưu chỉ áp dụng cho một số đối tượng có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong đội ngũ nhà giáo. Quy định về kéo dài thời gian làm việc mà chưa xem xét đầy đủ nhu cầu và nguyện vọng của nhà giáo ở các bậc học khác nhau ngoài đại học, từ đó một số nhà giáo giỏi không có cơ hội cống hiến thêm, trong khi đội ngũ kế cận chưa được chuẩn bị tốt. Từ đó, ĐBQH Thạch Phước Bình đề nghị: (1) mở rộng đối tượng áp dụng chính sách nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu bao gồm nhà giáo ở tất cả các bậc học và vùng khó khăn; (2) xem xét kéo dài thời gian làm việc không chỉ cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ mà còn cho những nhà giáo có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác giảng dạy.
Báo Trà Vinh Online
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.