23/10/2024 06:24
Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Tại phiên thảo luận có 12 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó, các ý kiến cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tham gia thảo luận dự thảo Luật, đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Trà Vinh đánh giá cao việc tiếp thu của Ban soạn thảo về tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của ĐBQH về việc bổ sung khoản 2 Điều 3 các hành vi bị cấm nội dung thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai và đồng tình với nhiều nội dung mà dự thảo Luật trình tại Kỳ họp này. Đồng thời, đại biểu Thạch Phước Bình góp ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, về giải thích từ ngữ (Điều 2), Đại biểu cho rằng định nghĩa về “mua bán người” tại khoản 1 trong dự thảo đã khá chi tiết. Tuy nhiên, cụm từ “lợi ích vật chất khác” cần được làm rõ hơn để tránh mơ hồ trong thực thi. Lợi ích vật chất có thể bao gồm không chỉ tiền hoặc tài sản mà còn các dịch vụ, quyền lợi hoặc ưu đãi từ bên thứ ba.
Cùng với đó, khái niệm “bóc lột tình dục” ở khoản 2 cũng cần bổ sung quy định xử lý hành vi lợi dụng nạn nhân để sản xuất các nội dung khiêu dâm trực tuyến, đặc biệt trong thời đại công nghệ số phát triển. Tội phạm mua bán người có thể sử dụng các nền tảng trực tuyến để phát tán các nội dung khiêu dâm mà không cần phải thông qua các phương thức truyền thống như sách, báo.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm các hình thức cưỡng bức lao động mới (khoản 3), đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế số và các ngành công nghiệp hiện đại đang phát triển. Các hành vi cưỡng bức trong công nghệ số (ví dụ như sử dụng người lao động cưỡng bức để sản xuất nội dung số bất hợp pháp) cũng cần được đưa vào trong khung luật.
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Ảnh: media.quochoi.vn)
Thứ hai, về đối tượng và chế độ hỗ trợ (Điều 37). Theo đại biểu Thạch Phước Bình, Điều 37 của dự thảo quy định về đối tượng và chế độ hỗ trợ cho nạn nhân, bao gồm nhiều hình thức như hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, y tế, pháp lý, học nghề, và trợ cấp khó khăn ban đầu. Những hỗ trợ này không chỉ giúp nạn nhân vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu mà còn tạo điều kiện để họ tái hòa nhập xã hội và ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần mở rộng hơn nữa các hình thức hỗ trợ về mặt pháp lý, đặc biệt là trong việc giúp nạn nhân tiếp cận thông tin và hỗ trợ về các thủ tục hành chính. Điều này là rất cần thiết để đảm bảo nạn nhân không bị tái buôn bán hoặc gặp khó khăn trong việc thực hiện các quyền lợi của mình.
Thứ ba, về hỗ trợ tâm lý (Điều 41). Việc hỗ trợ tâm lý là một trong những khía cạnh quan trọng trong việc giúp nạn nhân vượt qua các sang chấn tâm lý do bị buôn bán. Tuy nhiên, thời gian hỗ trợ tâm lý được quy định là không quá 3 tháng có thể chưa đủ đối với những trường hợp nạn nhân bị tổn thương nặng nề về tinh thần. Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị thời gian hỗ trợ tâm lý cần được linh hoạt và kéo dài dựa trên tình trạng thực tế của từng nạn nhân.
Thứ tư, về hỗ trợ học văn hóa và học nghề (Điều 43) và trợ cấp khó khăn ban đầu và hỗ trợ vay vốn (Điều 44). Theo đại biểu, dự thảo Luật đã quy định rõ ràng về việc hỗ trợ học văn hóa và học nghề cho nạn nhân. Tuy nhiên, cần bổ sung các chương trình đào tạo kỹ năng mềm và tư vấn nghề nghiệp chuyên sâu hơn, để đảm bảo rằng nạn nhân có thể hòa nhập tốt với môi trường làm việc mới, giúp họ tự lập về tài chính và ổn định cuộc sống.
Mặt khác, trợ cấp khó khăn ban đầu và hỗ trợ vay vốn là những giải pháp thiết thực để giúp nạn nhân có điều kiện phát triển kinh tế sau khi trở về nơi cư trú. Tuy nhiên, cần có quy định chi tiết hơn về mức trợ cấp và các điều kiện cụ thể để đảm bảo rằng việc hỗ trợ được thực hiện công bằng, minh bạch và đến đúng đối tượng.
Thứ năm, về hỗ trợ phiên dịch (Điều 45) và về cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân (Điều 47). Việc hỗ trợ phiên dịch cho nạn nhân, đặc biệt là những nạn nhân không biết hoặc không hiểu tiếng Việt, là một quy định rất cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nạn nhân, cần có cơ chế giám sát chất lượng dịch thuật, đảm bảo rằng việc phiên dịch được thực hiện chính xác và khách quan.
Bên cạnh đó, việc thiết lập các cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân đóng vai trò quan trọng trong quá trình bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần có quy định cụ thể hơn về cơ chế quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở này nhằm đảm bảo rằng nạn nhân được hưởng các dịch vụ hỗ trợ chất lượng, an toàn và minh bạch.
KIẾN QUỐC
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.