25/10/2024 10:47
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận có 26 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu và tranh luận, trong đó, các ý kiến cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tập trung thảo luận về các nội dung: hệ thống tổ chức, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam; quyền giám sát và phản biện của công đoàn; hợp tác quốc tế của công đoàn; việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước đối với công đoàn; vấn đề biên chế, tổ chức bộ máy của công đoàn…
Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) (Ảnh: media.quochoi.vn)
Tham gia thảo luận dự thảo Luật, ĐBQH Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc, trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với vai trò cơ quan chủ trì soạn thảo và Ủy ban Xã hội - cơ quan thẩm tra dự thảo trong nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) từ sau Kỳ họp thứ 7 đến nay. Đồng thời, qua nghiên cứu dự thảo luật, ĐBQH Thạch Phước Bình tham gia một số nội dung cụ thể nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật như sau:
Thứ nhất, về các nhiệm vụ chi tài chính công đoàn (Khoản 2 Điều 31). Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị bổ sung nhiệm vụ chi tại điểm b khoản 2 Điều 31 về việc công đoàn tham gia vào công tác đào tạo, đào tạo lại, chuyển đổi nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cho người lao động. Trong bối cảnh nước đang hướng tới nền kinh tế xanh, tuần hoàn, kinh tế số và phát triển các ngành công nghiệp mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Theo đại biểu, điều này đòi hỏi nguồn nhân lực không chỉ đủ về số lượng mà còn phải có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động mới. Công đoàn cần phát huy vai trò của mình trong việc đào tạo, hỗ trợ đào tạo lại người lao động, giúp họ nâng cao kỹ năng và sẵn sàng đối mặt với những thách thức mới. Do đó, việc bổ sung nhiệm vụ chi này là cần thiết, và Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để công đoàn phối hợp với doanh nghiệp trong công tác đào tạo, đào tạo lại, đảm bảo sự phát triển bền vững cho người lao động.
ĐBQH Thạch Phước Bình thảo luận ở hội trường về Luật Công đoàn (sửa đổi) (Ảnh: media.quochoi.vn)
Thứ hai, về đảm bảo tổ chức bộ máy, cán bộ công đoàn (Điều 26). Đại biểu bày tỏ sự đồng tình với việc Dự thảo Luật giữ nguyên nội dung về biên chế cán bộ công đoàn như Luật hiện hành, mang tính khái quát và đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống. Bởi lẽ, ngoài quy định của Luật, Công đoàn sẽ còn chịu sự điều chỉnh bởi quy định của Đảng, các luật khác có liên quan và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Tuy nhiên, với gần 10 năm làm cán bộ công đoàn chuyên trách ở địa phương và qua tổng hợp ý kiến của đông đảo cán bộ, đoàn viên công đoàn nhất là cán bộ công đoàn chuyên trách qua các buổi tiếp xúc cử tri đối với cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động trước kỳ họp thứ 7 và kỳ họp 8 lần này, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, hiện nay, nhiệm vụ của công đoàn ngày càng phức tạp, khối lượng công việc ngày càng lớn, nhưng biên chế lại rất hạn chế. Điều này làm gia tăng áp lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn, đặc biệt là ở cấp cơ sở.
Cụ thể, so với các tổ chức chính trị - xã hội khác, biên chế cán bộ công đoàn hiện chỉ bằng khoảng 1/3. Theo số liệu tổng hợp đến tháng 3/2024, tổng biên chế của các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hơn 62.000 người, trong khi tổng biên chế của công đoàn địa phương chỉ có 5.119 người. Con số này rõ ràng chưa đủ để đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là khi số lượng công đoàn cơ sở và đoàn viên liên tục gia tăng.
Một vấn đề cần đặc biệt lưu ý là việc quản lý biên chế của công đoàn hiện chưa đồng bộ giữa các địa phương. Công đoàn trả lương cho cán bộ trong toàn hệ thống, nhưng biên chế lại do cấp ủy địa phương quản lý, dẫn đến sự không đồng đều trong việc phân bổ nhân sự. Ví dụ, ở hai địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội tương tự nhau nhưng số lượng biên chế công đoàn lại khác nhau do quyết định của cấp ủy khác nhau. Điều này gây khó khăn trong việc đảm bảo nguồn lực và tính nhất quán trong hoạt động công đoàn. Việc này dẫn đến nhiều bất cập trong công tác điều động cán bộ. Nếu một địa phương có nhu cầu điều động cán bộ có kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề phức tạp, nhưng lại gặp trở ngại do sự quản lý giữa các cấp ủy địa phương. Điều này cần được điều chỉnh để đảm bảo tính linh hoạt và đồng bộ trong công tác cán bộ công đoàn.
Cùng với đó, theo đại biểu Bình, thực tiễn cho thấy, cán bộ công đoàn cơ sở chủ yếu là những người làm việc tại các doanh nghiệp, không thuộc biên chế công chức và thường hoạt động kiêm nhiệm. Điều này làm họ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động khi chính họ cũng là người lao động và phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp.
Tham khảo Luật Công đoàn Trung Quốc, chúng ta có thể thấy rằng, ở những doanh nghiệp có từ 200 công nhân trở lên, họ được phép bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách để đảm bảo hoạt động độc lập. ĐBQH Thạch Phước Bình đề xuất nên nghiên cứu cơ chế này, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn chuyên trách tại các doanh nghiệp có đông công nhân, không thuộc biên chế công chức, nhưng được tuyển dụng dưới hình thức hợp đồng lao động. Điều này sẽ giúp công đoàn có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới và ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 40-KL/TW về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026 điều khẳng định tính đặc thù của công đoàn. Nghị quyết số 02 đã đề xuất xây dựng chính sách phù hợp để tuyển dụng, đào tạo, và tạo động lực cho cán bộ công đoàn, đồng thời giao biên chế hợp lý để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cơ chế biên chế và tuyển dụng cán bộ, nhằm đảm bảo đội ngũ cán bộ công đoàn đủ về số lượng và chất lượng. Điều này là cần thiết để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện và bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Báo Trà Vinh Online
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.