26/10/2024 10:29
Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, sáng ngày 26/10 Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về 05 nội dung.
Cụ thể: (1) Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025; (2) Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (3) Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025 - 2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước; (4) Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (5) Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn đề xuất Chính phủ chỉ đạo quản lý, kiểm soát và triệt phá hiệu quả các vụ án tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng xã hội.
Tham gia thảo luận đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025, đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh đã phát biểu nhiều nội dung tâm huyết.
Đồng tình với những nội dung báo cáo của chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Kinh tế - Quốc hội, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng năm 2024, là năm thứ 5 liên tiếp kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, làm cho tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp, không thuận lợi, nhưng với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; sự điều hành linh hoạt, sáng tạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ; sự đồng hành, giám sát hiệu quả của Quốc hội; sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Nhân dân cùng với cộng đồng DN, KT-XH của nước ta đã có nhiều điểm sáng, với những tín hiệu rất tích cực. Đại biểu Trần Quốc Tuấn đã chỉ ra 04 dấu ấn nổi bật về KT-XH trong 9 tháng đầu năm 2024:
Một là về lĩnh vực kinh tế: Mặc dù rất khó khăn, nhưng kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng 6,82%; ước cả năm 2024 đạt 6,8 - 07%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (06 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 09 tháng chỉ tăng 3,88%; ngành du lịch chính thức quay trở lại mốc ban đầu trước khi có dịch Covid-19. Dự kiến cả năm có hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 43% so với cùng kỳ.
Hai là về đột phá hạ tầng giao thông: Dù khó khăn nhưng chúng ta đã xây dựng hoàn thành thêm 109km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021km và đang quyết liệt triển khai Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc” trong năm 2025; đáng phấn khởi nhất là Trung ương đã đồng ý chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam... đây chính là huyết mạch của nền kinh tế trong tương lai gần.
Ba là về công tác giảm nghèo: Trong 9 tháng tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 01%, chỉ còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc năm 2024 được Liên hiệp quốc đánh giá xếp hạng tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143 quốc gia; đồng thời trong thời gian ngắn, chúng ta đã huy động trên 6 nghìn tỷ đồng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, đây là sự cố gắng rất lớn của toàn hệ thống chính trị. Thành tựu này đã thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước chăm lo chỗ ở cho người dân, nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của Nhân dân cả nước
Bốn là về công tác đối ngoại: Trong cùng thời điểm diễn ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, thì Việt Nam lại rất tự tin, tự chủ, tự cường, chúng ta đã chủ động, tích cực quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng ngày càng sâu rộng. Chúng ta đã tiến hành nâng cấp quan hệ với hầu hết các nước lớn, Thế giới đánh giá rất cao và nhận định rằng đây là chiến thuật ngoại giao tuyệt vời của Việt Nam.
Nổi bật là với 30 chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống. Bên cạnh đó Việt Nam cũng đã đón 20 lãnh đạo cấp cao nước ngoài đến Việt Nam… Và còn nhiều kết quả nổi bật khác đã được nêu trong Báo cáo Chính phủ.
Đại biểu thảo luận tại phiên thảo luận tổ.
Những tháng còn lại của năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế 2025, trong 12 nhóm giải pháp lớn Chính phủ nêu, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất Quốc hội, Chính phủ tập trung quan tâm chỉ đạo sâu sát 03 vấn đề:
Một là, cần phải có giải pháp hiệu quả hơn nữa trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), quản lý và kiểm soát tốt kinh doanh thương mại điện tử
Số liệu báo cáo của Chính phủ nêu, 9 tháng năm 2024 có 183 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,7% so cùng kỳ, nhưng lại có đến 163,8 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, tăng 21,5% so cùng kỳ; nếu khấu trừ đi, thì trong 9 tháng qua, chỉ có 19.200 DN được thành lập mới hoặc quay trở lại sản xuất; như vậy bình quân mỗi tháng trên cả nước chỉ có khoảng 2.130 DN thành lập mới.
Một góc nhìn khác, trong 9 tháng doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) ước đạt khoảng 28 tỷ USD, tăng 36%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới… Điều này cho thấy, kinh doanh qua mạng xã hội, qua các sàn giao dịch TMĐT tăng rất nhanh. Vấn đề đặt ra là hàng hóa kinh doanh trên sàn giao dich TMĐT là hàng hoá gì? nguồn gốc xuất xứ ở đâu? Tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm bao nhiêu trong số tiền 28 tỷ USD đó? Hay là chúng ta phải chi trả phần lớn số tiền ấy cho nước láng giềng, do chúng ta đã mua hàng hóa với giá cực rẻ của họ, để kinh doanh trên sàn TMĐT trong nước. Đây là vấn đề được ĐBQH và các nhà quản lý đang rất lo lắng. Chính hàng hóa của nước láng giềng có giá quá rẻ, với chi phí logistics cực kỳ tốt và được kinh doanh dễ dàng trên sàn TMĐT của ta, nên đã tạo ra tâm lý dễ dãi đối với người tiêu dùng trong nước.
Điều này có 2 mặt, mặt tích cực đối với người tiêu dùng đó là rất dễ mua sắm, muốn mua món đồ gì cũng có, chỉ cần thực hiện vài thao tác trên điện thoại thông minh, lướt tiktok hay lên sàn TMĐT Shopee hoặc Lazada… là có thể mua các sản phẩm theo ý thích với giá siêu rẻ; được giao hàng nhanh chóng, với phương thức thanh toán dễ dàng… điều này mang lại nhiều tiện lợi nên người dân rất thích.
Ngược lại, nó có mặt tiêu cực đối với DN, nó đang giết chết dần, chết mòn các DN sản xuất hàng tiêu dùng trong nước... Do hàng hóa Việt Nam ngay trong thời điểm này không thể cạnh tranh về giá cả, về mẫu mả với hàng hóa của nước láng giềng.
Hai là, đề xuất Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo kiểm tra công tác đào tạo, cấp bằng tiến sĩ, phong chức danh khoa học phó giáo sư, giáo sư để đảm bảo chất lượng, thực chất để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội
Vừa qua, đã xảy ra trường hợp của nhà sư, thượng tọa, trụ trì chùa Phật Quang ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu… đã sử dụng bằng cấp III bổ túc văn hóa không hợp pháp, nhưng ông ấy đã đăng ký học và được cấp 02 bằng Đại học và 01 bằng Tiến sĩ (cả 2 bằng Đđại học thuộc hệ đào tạo từ xa và hệ vừa học vừa làm). Sự việc sử dụng bằng cấp III giả chỉ bị phanh phui trên các trang mạng xã hội, chứ không phải do chính cơ quan thanh tra, kiểm tra của ngành giáo dục xác minh. Điều này cho thấy việc quản lý, đào tạo cấp bằng đại học, tiến sĩ của một số cơ sở giáo dục đại học của chúng ta cần phải được quan tâm nhiều hơn…
Và cũng chính điều này đã làm cho nhiều cử tri băn khoăn, lo lắng về uy tín và chất lượng đào tạo cấp bằng của ngành giáo dục hiện nay. Cử tri cho rằng ngoài trường hợp này, còn có bao nhiêu trường hợp tương tự nữa đang tồn tại; những “Tiến sĩ dỏm” ấy đang ở đâu? họ đã và đang làm gì? có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các cơ quan nhà nước hay sự phát triển của cộng đồng xã hội hay không? Vấn đề này, cần sớm được Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, rà soát.
Ba là, đề xuất Chính phủ chỉ đạo quản lý, kiểm soát và triệt phá hiệu quả các vụ án tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng xã hội
Hiện nay tình hình tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng đang diễn biến hết sức phức tạp, ngày càng tinh vi. Bọn tội phạm lấy danh nghĩa là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… để lừa đảo người dân, lấy danh nghĩa nhà báo gặp gỡ, dọa đăng tin, bài gây khó khăn cho DN nhằm trục lợi. Rất nhiều người bị lừa đảo, mất rất nhiều tiền và tài sản do nhiều nguyên nhân…
Điển hình là trường hợp của một vị, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai bị lừa hơn 171 tỷ đồng gây xôn xao dư luận cả nước.
Đây là do nhóm người Việt Nam với sự chủ mưu của người nước ngoài sống tại Campuchia đã mở và sử dụng 109 tài khoản cấu kết với nhóm đối tượng trong nước thực hiện hành vi lừa đảo hơn 171 tỷ đồng của vị chủ tịch huyện này.
Ngoài ra còn rất nhiều trường hợp lừa đảo khác mà bọn tội phạm công nghệ cao đã thực hiện bằng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt tiền và tài sản của người dân, tạo ra tâm lý bất an và bức xúc của xã hội.
Vấn đề này, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất Chính phủ cần quản lý, kiểm soát và triệt phá hiệu quả các vụ án tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng xã hội có hướng chỉ đạo “Xây dựng Trung tâm xử lý thông tin khẩn cấp” trên cơ sở phối hợp giữa 03 lực lượng là công an - ngân hàng - viễn thông để nhanh chóng xác định số điện thoại, dòng tiền và áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời, bắt giữ các đối tượng và thu hồi tiền bị lừa đảo cho người bị hại.
Báo Trà Vinh Online
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.