23/11/2024 13:06
Quang cảnh thảo luận Tổ sáng nay (23/11).
Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, sáng ngày 23/11 Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày 02 Tờ trình về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra đối với 02 dự án này. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về 02 dự án nêu trên.
Tham gia góp ý kiến cho Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh phát biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng hiện nay phát triển ngành công nghiệp công nghệ số là một xu thế tất yếu của thế giới trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là nhân tố tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn tham gia đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc đối 02 nội dung về chính sách phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và chính sách phát triển trí tuệ nhân tạo.
Đối với chính sách phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn thống nhất Luật cần phải có quy định về cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển công nghiệp bán dẫn, do đây là ngành nghề đặc biệt, nên cần có những ưu đãi đặc biệt, vì nó tạo ra giá trị gia tăng cao và hình thành nên thương hiệu lớn cho quốc gia. Mặc dù hiện nay đây là ngành công nghiệp có tính hấp dẫn rất cao đang được các quốc gia đặc biệt quan tâm săn đón, thu hút đầu tư, nhưng tại Điều 62 của dự thảo Luật, quy định về cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển công nghiệp bán dẫn chưa có các điểm ưu đãi vượt trội để thu hút, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn phát biểu thảo luận Tổ.
Theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn, muốn ngành công nghiệp bán dẫn phát triển thật tốt, tạo động lực mới dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam, Luật cần xem xét bổ sung 02 nội dung thật sự ưu đãi như:
Một là, bổ sung quy định về chính sách ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học ngành công nghiệp bán dẫn nhưng giao Chính phủ quy định cụ thể nội dung này.
Chẳng hạn như chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân trong một khoảng thời gian nhất định cho các chuyên gia và nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực bán dẫn; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp tuyển dụng và đào tạo nhân sự chuyên ngành này; dành các gói hỗ trợ tài chính hoặc trợ cấp sinh hoạt hấp dẫn cho các chuyên gia và gia đình của họ khi đến làm việc tại Việt Nam; cung cấp nhà ở với giá ưu đãi hoặc miễn phí cho các chuyên gia tham gia các dự án chiến lược tại Việt Nam; đơn giản hóa các thủ tục pháp lý để chuyên gia nước ngoài dễ dàng làm việc tại Việt Nam; cung cấp giấy phép lao động dài hạn với điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia… như vậy, sẽ tạo tâm lý an tâm cho các chuyên gia khi đến làm việc tại Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Hai là, bổ sung quy định về bảo đảm cung cấp cơ sở hạ tầng nhất là điện sạch, nước sạch cho ngành công nghiệp bán dẫn, giao chính phủ quy định cụ thể nội dung này.
Do đây được xem là một lĩnh vực đòi hỏi khắt khe về chất lượng cơ sở hạ tầng, nên cần phải có 01 hạ tầng khá đặc biệt để phục vụ quá trình sản xuất như:
Về cung cấp điện sạch, Nhà nước cần có hỗ trợ đầu tư xây dựng các trạm phát và phân phối điện riêng biệt, đảm bảo nguồn điện liên tục và ổn định, tránh sự cố mất điện gây gián đoạn sản xuất; hỗ trợ các khu công nghiệp bán dẫn được cung cấp điện từ năng lượng tái tạo (như điện mặt trời, điện gió) để đáp ứng tiêu chuẩn xanh và giảm phát thải carbon; quy định mức giá điện ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp bán dẫn, nhất là trong giai đoạn đầu tư và mở rộng.
Về cung cấp nước sạch đạt chuẩn, hỗ trợ đầu tư xây dựng các nhà máy nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp nước với độ tinh khiết cao phục vụ sản xuất bán dẫn.
Ngoài ra, Chính phủ cần quy hoạch khu công nghiệp bán dẫn để phát triển các khu công nghiệp chuyên biệt, tích hợp đầy đủ các cơ sở hạ tầng hiện đại (điện sạch, nước sạch, giao thông, viễn thông) theo tiêu chuẩn quốc tế; Chính phủ hoặc địa phương có thể hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút các doanh nghiệp….
Tóm tại, khi chúng ta tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng sạch đi kèm với chính sách ưu đãi đặc biệt cho các chuyên gia, cùng với các chính sách ưu đãi khác, đồng nghĩa với việc “dọn ổ cho đại bàng đáp”; cần mạnh dạn đột phá tư duy khi xây dựng chính sách phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, nhất là phải có chính sách ưu đãi đặc biệt cho ngành công nghiệp đặc biệt. Khi có “tổ lớn” chúng ta sẽ có cơ hội đón được các “đại bàng lớn” trong ngành công nghiệp bán dẫn của thế giới đến đầu tư tại Việt Nam.
Đối với chính sách phát triển trí tuệ nhân tạo (gọi là AI)
ĐBQH Trần Quốc Tuấn tán thành sự cần thiết và phạm vi, mức độ quy định về các hệ thống AI như trong dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng, tại thời điểm này Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo để phát triển thế mạnh và lợi thế của AI, đồng thời hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI tại Việt Nam. Tuy nhiên, ĐBQH Trần Quốc Tuấn đề nghị cần bổ sung 03 nội dung sau:
Bổ sung các quy định để hạn chế rủi ro và ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ AI đối với đời sống kinh tế - xã hội.
Cần có quy định cho các tổ chức sử dụng AI phải minh bạch về cách thức hệ thống hoạt động, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, y tế, tư pháp; trong đó, quy định rõ tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm nếu AI gây ra sai sót hoặc gây ra thiệt hại. Chẳng hạn như các tin nhắn giả hay các đoạn video ngắn được tạo ra bằng kỷ thuật tinh xảo của AI để lừa đảo hay tung tin thất thiệt gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước hay doanh nghiệp, người dân; đồng thời, cần bổ sung Quy định cấm AI sử dụng dữ liệu cá nhân khi chưa có sự đồng ý của người dùng (theo các luật bảo vệ quyền riêng tư); quy định AI không được làm tổn hại nhân phẩm, giá trị và quyền lợi của con người; quy định cấm sử dụng AI để tạo ra nội dung lừa đảo, tin giả, hoặc các hoạt động phạm pháp… các nội dung này đã được Liên minh châu Âu chính thức ban hành và áp dụng Đạo luật Trí tuệ nhân tạo (AI) vào ngày 01/8/2024 vừa qua.
Bổ sung quy định về nghiên cứu, phát triển AI do Việt Nam sáng tạo.
Quy định này sẽ tạo ra một bước tiến quan trọng, nhằm đảm bảo tính chủ động trong công nghệ và tăng cường năng lực cạnh tranh trong phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Cụ thể như khuyến khích đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D); hình thành quỹ phát triển AI quốc gia; Phát triển nguồn nhân lực; xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; ứng dụng AI vào quản lý và điều hành… những chính sách trên sẽ tạo động lực để Việt Nam không chỉ sử dụng AI hiệu quả mà còn sáng tạo và làm chủ công nghệ này, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số và cải thiện môi trường đời sống xã hội hiện nay
Bổ sung quy định mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các cơ quan nhà nước từ các giải pháp do doanh nghiệp trong nước làm chủ, nhằm khuyến khích sử dụng và tạo ra thị trường AI.
Quy định như vậy, sẽ tạo nên một bước đột phá nhằm thúc đẩy cả quá trình chuyển đổi số và sự phát triển bền vững của ngành AI - “made in Viet Nam”
Luật sẽ giao Chính phủ quy định rõ nội dung này, cụ thể như quy định rõ mức độ ưu tiên sử dụng các giải pháp AI phát triển bởi doanh nghiệp trong nước nhằm hỗ trợ ngành công nghệ nội địa phát triển và bảo vệ chủ quyền số; quy định cho phép các doanh nghiệp trong nước thử nghiệm các sản phẩm AI của mình trong một số lĩnh vực hành chính công trước khi triển khai rộng rãi; đưa ra tiêu chuẩn ứng dụng AI trong các lĩnh vực như quản lý dân cư, giáo dục, y tế và giao thông; tích hợp AI vào các hệ thống quản lý tài nguyên công (hệ thống văn bản, hồ sơ, quản lý ngân sách)….
ĐBQH Trần Quốc Tuấn cho rằng, việc bổ sung các quy định như trên không chỉ đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả mà còn thúc đẩy sự tự chủ về công nghệ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế trong lĩnh vực AI, hướng đến mục tiêu phát triển ngành công nghiệp công nghệ số như kỳ vọng của Luật này sau khi được ban hành.
Báo Trà Vinh Online
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.