15/02/2025 10:14
Quang cảnh phiên họp toàn thể tại Hội trường.
Tiếp theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 15/02 Quốc hội tiến hành thực hiện 02 nội dung: (1) Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); (2) Thảo luận ở Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh tham gia thảo luận, kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung quan trọng.
Theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn, việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; đồng thời các nội dung. Trong dự thảo Luật đã cơ bản tạo được hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, tháo gỡ các điểm nghẽn” về thể chế, giúp khơi thông nguồn lực, tạo ra các động lực mới góp phần thúc đẩy phát triển đất nước.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn tham gia thảo luận, kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung quan trọng.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn tham gia góp ý 03 nội dung sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Thứ nhất, đề nghị cần nghiên cứu đổi mới mạnh mẽ tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị để thúc đẩy sự phát triển, quy định tại Điều 2 về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính.
Hiện nay, chúng ta đang tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhưng nếu quy định như dự thảo luật là chưa đáp ứng yêu cầu. Theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn, qua các kỳ đại hội Đảng nhiều chủ trương, đường lối và định hướng của Đảng đã chỉ đạo phải đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị và đặc điểm vùng nông thôn, hải đảo. Thực tiễn cho thấy, sau khi sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, các địa phương như thành phố Đà nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và mới đây là thành phố Hải phòng đã được Quốc hội cho phép thực hiện Chính quyền đô thị. Qua đánh giá, các nơi này đã triển khai thực hiện mang lại kết quả rất tốt.
Trong điều kiện hiện nay, cả nước đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, thì tổ chức chính quyền địa phương cũng cần phải được xem xét thận trọng để thiết kế lại cho phù hợp với đặc điểm của khu vực đô thị và đặc điểm của khu vực nông thôn, điều này hoàn toàn không trái với Hiến pháp.
Để Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), sau khi được ban hành có tuổi thọ cao, ĐBQH Trần Quốc Tuấn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, trong khi chúng ta chưa thể đổi mới được tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn thì cần mạnh dạn đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị giống như các nơi đã và đang thí điểm hiệu quả, đây sẽ là cơ sở thực hiện tốt cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay, tạo động lực thúc đẩy phát triển phát triển đất nước.
Thứ hai, về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, quy định tại Điều 4.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn cho rằng, đây là nội dung hết sức quan trọng, mang tính nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Do Luật được thiết kế theo tư duy lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” và “phân cấp phân quyền mạnh mẽ để khơi thông các nguồn lực phát triển đất nước”. Do vậy, nếu nội dung Luật này thiếu những nội dung thiết chế quy định về cơ chế kiểm soát quyền lực có hiệu lực, hiệu quả khi chính quyền địa phương được phân cấp phân quyền mạnh mẽ thì có thể xảy ra các trường hợp tiêu cực, mà cao hơn đó là tha hóa quyền lực nhà nước, đây là xu hướng khó tránh khỏi.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn đề nghị cần bổ sung nội dung nguyên tắc “tăng cường kiểm soát quyền lực khi được phân cấp, phân quyền, uỷ quyền” vào Điều 4 của dự thảo Luật.
Thứ ba, tại Điều 6 quy định về UBND. Toàn bộ nội dung Điều 6 của dự thảo Luật, chỉ quy định về UBND ở cấp chính quyền địa phương do HĐND cùng cấp bầu; chưa có quy định về UBND ở những nơi không tổ chức HĐND.
Theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn, quy định như vậy là chưa đủ, vì hiện nay một số thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải phòng đang thực hiện mô hình ở “quận, thành phố thuộc tỉnh; phường thuộc quận; phường, xã thuộc thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không tổ chức Hội đồng nhân dân”, mà chỉ tổ chức UBND.
Do vậy, ĐBQH Trần Quốc Tuấn đề nghị cần bổ sung nội dung quy định về UBND ở những nơi không tổ chức HĐND vào Điều 6 của dự thảo Luật.
Ngoài ra, để Luật mang tính khả thi cao, ĐBQH Trần Quốc Tuấn đề nghị bổ sung 01 điều về “giải thích từ ngữ”, do còn một số từ ngữ cần được giải thích rõ hơn để dễ triển khai thực hiện chính xác, điển hình như cụm từ “Quản trị địa phương” tại khoản 4, Điều 4; hay cụm từ “Tổ chức đơn vị hành chính” tại Điều 9… Nếu các cụm từ này không được giải nghĩa rõ ràng, sẽ gây trở ngại trong quá trình triển khai thực hiện.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn nêu quan điểm, việc sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương cùng các Luật, Nghị quyết trong Kỳ họp bất thường lần thứ 9 này, sẽ là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật Việt Nam. Hy vọng rằng, sau khi các Luật, Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này sẽ góp phần đưa Việt Nam sớm đạt mục tiêu trở thành Nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Báo Trà Vinh Online
Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, giữ vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị và quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội trở nên cấp thiết. Điều này không chỉ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng một Quốc hội dân chủ, minh bạch, hoạt động hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và sự phát triển của đất nước.