01/05/2024 07:58
Trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, tự tin vào sức mạnh của mình, Chính phủ Pháp cho rằng, Việt Minh không có khả năng tiến công tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm như Điện Biên Phủ. Phó chủ tịch Ủy ban phụ trách các vấn đề Đông Dương hỏi tướng Henri Navarre, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, rằng: "Với sự tăng viện mà ông đòi hỏi, có thể giúp ông đánh bại kẻ thù vào thời điểm tháng 01/1954 không?".
Navarre khẳng định chắc chắn: “Tôi đang nghĩ như vậy vì kẻ thù đang khốn đốn, hậu phương của họ bị nghiền nát và chúng đã yếu đi”(1). Cùng chung nhận định trên là các nhà chiến lược quân sự của Bộ Quốc phòng Pháp cũng khẳng định: Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam không thể tiến công tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nếu Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam chủ trương tiến công tập đoàn này theo nghệ thuật tiến công thông thường, nghệ thuật tiến công mà các học viện quân sự nổi tiếng ở châu Âu và Bắc Mỹ đã nghiên cứu, giảng dạy từ lâu rồi.
Với sự tập trung binh lực mạnh mẽ, bộ chỉ huy quân Pháp tin rằng, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có thể vô hiệu hóa, tiến tới tiêu diệt các binh đoàn chủ lực trang bị còn hạn chế của Việt Nam. Ngày 02/01/1954, tướng Cogny, Tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương, khi trả lời phỏng vấn hãng tin AP (Mỹ), khẳng định: "Bộ chỉ huy Pháp tin chắc sẽ đánh cho Việt Minh đại bại ở Điện Biên Phủ. Chúng ta chờ đợi những cuộc chiến đấu ác liệt và kéo dài. Nhưng chúng ta sẽ thắng”(2). Trong lần tới kiểm tra tập đoàn cứ điểm, tướng Navarre tỏ ra thận trọng hơn, muốn tăng cường cho Điện Biên Phủ thêm 3 tiểu đoàn cơ động, vì cơ quan tình báo Pháp báo cáo là cuộc tiến công của ta có thể xảy ra vào ngày 13 hoặc 15/3. De Castries, chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã dứt khoát từ chối và ngạo mạn nói rằng: “Thật vô ích! Sẽ gay go nhưng chúng tôi giữ được”(3).
Các tướng của quân đội Pháp bàn kế hoạch nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Sau nhiều tháng đánh giá tình hình, Navarre càng tin tưởng chủ lực Việt Minh không thể đánh được Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Không những thế, ông ta còn nhận định, đến cuối tháng 02/1954, cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân của Việt Minh đã vượt qua đỉnh cao nhất, đang bắt đầu đi xuống và trước sau gì cũng phải rút khỏi Điện Biên Phủ. Vì đó là nơi Việt Minh không thể đánh chiếm được; nếu chủ lực Việt Minh liều lĩnh mở cuộc tiến công thì đây sẽ “là trận tiêu diệt lớn khối chủ lực của Việt Minh”, là thời cơ hiếm hoi mà quân Pháp phải tận dụng. Tuy nhiên, họ không hề biết rằng sau đợt 1 của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và khi Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hình thành, vấn đề đặt ra với Bộ Tổng Tư lệnh và riêng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp không phải là tiến công hay không tiến công mà là đánh như thế nào để tiêu diệt được một tập đoàn cứ điểm mạnh? Và nếu không đánh bại được hình thức phòng ngự chiến lược mới này của quân Pháp, tức là không mở được cục diện thuận lợi cho cuộc kháng chiến phát triển. Đó chính là quyết tâm không lay chuyển và cũng là niềm tin của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông rời căn cứ Việt Bắc hành quân ra tiền tuyến.
Thế rồi, sau thất bại nặng nề của Pháp ngay trong đợt 1 chiến dịch (giữa tháng 3/1954), từ Thủ tướng Pháp Lanien đến Navarre, Cogny đều chuyển sang “thái độ bi quan sâu sắc”. Navarre than phiền rằng: “Tổn thất của chúng ta là nặng nề và chúng ta đã tiêu phí một số rất lớn vũ khí; dự trữ của chúng ta đã bị xuống rất thấp, cần phải nhiều thời gian mới bổ sung được”. Cogny thú nhận với một số nhà báo: “Điện Biên Phủ quả là một cái bẫy, nhưng không phải là cái bẫy với Việt Minh nữa, mà đã thành một cái bẫy đối với chúng ta”.
Một nguyên nhân bộ đội Việt Nam giành thắng lợi trong trận mở màn chiến dịch, điểm mới trong tác chiến chiến dịch là vai trò của pháo binh. Bộ chỉ huy Pháp không thể tin được là bộ đội Việt Nam có thể kéo pháo bằng tay vào các trận địa đặt trên núi cao hướng xuống lòng chảo Điện Biên Phủ. Uy lực và hiệu quả của những trận pháo kích khiến các khẩu pháo của Pháp bị phá hủy và khống chế.
Tướng Yves Gras viết: “Trận đánh bắt đầu bằng sự xuất hiện của pháo binh Việt Minh và điều này đã gây nên bất ngờ chiến thuật thực sự... Pháo binh Việt Minh được bố trí thành từng khẩu riêng biệt suốt dọc sườn núi phía Đông của lòng chảo... bắn trực tiếp và có thể bắn dồn dập với một mật độ nhất định... Pháo binh Pháp rất dễ bị phá hủy bằng những phát đạn bắn thẳng từ trên núi”(4).
Trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch, mặc dù đánh phá ác liệt song quân Pháp vẫn không ngăn được con đường tiếp tế của đối phương cho mặt trận Điện Biên Phủ. 10 năm sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Jules Roy, cựu Đại tá không quân Pháp phải thừa nhận: “Mặc dù nhiều tấn bom đã trút xuống các trục lộ giao thông nhưng tuyến tiếp tế của Việt Minh không bao giờ bị đứt... Tướng Navarre bị đánh bại không phải bởi các phương tiện chiến tranh mà là do trí thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương”(5).
Tướng Raoul Salan, người trực tiếp cầm quân chỉ huy trên chiến trường Việt Nam, khi nói về nghệ thuật quân sự của đối phương cũng bày tỏ khâm phục: “Quân đội Việt Minh là một lực lượng bộ binh xuất sắc... Lính bộ binh chính quy Việt Minh theo quan niệm của tôi là địch thủ ghê gớm nhất mà Pháp đã gặp phải từ sau trận Verdun. Lính bộ binh Việt Nam còn mạnh hơn người lính Đức vì với chất lượng đã có lại cộng thêm sức mạnh tập thể...”(6). Trong cuốn "Đông Dương đỏ", Raoul Salan cũng không ngần ngại nói rằng: “Sau 30 năm chiến tranh, vừa kết hợp được khả năng chiến đấu của mình, với lòng cuồng nhiệt và hăng say của quần chúng, người lính Việt Minh quả thực là một địch thủ đáng sợ trong thời đại ngày nay” và “Quân đội của họ (Việt Minh)-Quân đội giỏi nhất trên thế giới hiện nay, đã chiến đấu kể từ năm 1945. Được trưởng thành trong khói lửa, quân đội nay đã đạt tới đỉnh cao. Đó là một bộ máy chiến tranh không gì sánh kịp”.
Khi nhận xét về đội ngũ cán bộ chỉ huy của QĐND Việt Nam, trong cuốn “Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày”, tác giả Michael Maclear đã phân tích sâu sắc yếu tố chiến thắng của QĐND Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và vai trò của vị Tổng chỉ huy: “Đối với ông Giáp, cảm giác khi gặp thì người ta thấy ông là một con người giống Napoléon về dáng vóc và kiến thức. Ông ta là một chiến lược gia có tài... chẳng bao giờ thua một cuộc chiến tranh nào”. Cũng nhận định về đội ngũ của các tướng lĩnh cầm quân trên chiến trường Điện Biên Phủ, Đại tá Gabriel Bonnet, công tác tại Viện hàn lâm Quân sự Pháp, trong cuốn “Chiến tranh cách mạng Việt Nam” đánh giá: “Những nhà chỉ huy quân sự cao cấp của Việt Minh có đầy đủ các đức tính làm tự hào cho quân đội cách mạng, trung thành và đức tin chính trị, sự hiểu biết và sự thông minh tổng hợp... cho phép họ hoàn thành tất cả mọi nhiệm vụ, giải quyết những vấn đề quân sự rất phức tạp”.
Còn ông Jules Roy, một ký giả người Pháp có mặt tại Điện Biên Phủ năm 1954 đã so sánh rằng: “Hỏi xem có được mấy vị tư lệnh binh đoàn, sư đoàn và trung đoàn của quân đội ta (Pháp) biết chịu đựng cùng binh sĩ, cùng sống như họ, chịu đi bộ, lặng lẽ, không ầm ĩ, nhưng rất đáng sợ như đối phương của ta đang ở quanh ta...”(7).
Đặc biệt, sự trưởng thành vượt bậc của QĐND Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng giáng cho đối phương những đòn bất ngờ. Sống sót sau trận Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, Trung tá Marcel Bigeard (sau là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp) chua chát rằng: “Những con người do tướng Giáp đào luyện thật là những chiến binh tuyệt vời! Những cuộc phản kích của quân Việt chặn đứng pháo binh của chúng tôi, các khẩu súng cối của chúng tôi không thể nhả đạn”(8).
Và rồi Marcel Bigeard lại tự vấn: “Liệu có ai có thể tin được rằng những người Bắc Kỳ nhỏ nhắn ấy, những con người của đồng ruộng, thanh đạm, tích cực lao động, được huấn luyện chút ít về chính trị và quân sự lại đã có thể biến thành một phương tiện chiến đấu ghê gớm, linh hoạt, cơ động, bền bỉ, biết cách hành động, có năng lực không chỉ ở cấp độ người chiến binh mà cả ở cấp độ bộ chỉ huy... Trong lúc chúng ta đã không làm sao có thể chỉ định được một hoặc hai, thậm chí ba viên tướng chỉ huy chung các đơn vị của chúng ta ở Điện Biên Phủ”.
Từng rải truyền đơn thách thức tướng Giáp đưa quân đọ sức tại Điện Biên Phủ nhưng kết cục De Castries phải thú nhận: “Quân đội viễn chinh Pháp và các tướng tá Pháp chúng tôi là một đội quân nhà nghề, thiện chiến và trang bị hiện đại. Sự kiện tướng Giáp thắng chúng tôi ở Điện Biên Phủ làm chúng tôi ngạc nhiên về tài năng của ông... Tôi thừa nhận tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả tướng Cogny và Đại tướng Navarre. Tôi hân hạnh làm đối thủ của tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”.
Đại tá, TS TRƯƠNG MAI HƯƠNG,
(Nguyên phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự)
-------------
(1) Giuyn Roa, Trận Điện Biên Phủ, Nhà xuất bản Julliard Paris, 1963, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam xuất bản, 1994, tr.21, 22
(2) H.Navarre, Thời điểm của những sự thật, người dịch Nguyễn Huy Cầu, Nhà xuất bản Công an nhân dân và Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hà Nội, 1994, tr.196, 197
(3) Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, tập V, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1992, tr.186
(4) Yves Gras, Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương 1945-1954, Nhà xuất bản Plon, Paris, 1979, tr.969, 970
(5) Jules Roy, Trận Điện Biên Phủ, Nhà xuất bản Giulia, Paris, 1964, tr.357, 358
(6) Việt Bắc, Tư liệu qua sách báo phương Tây, QĐND Việt Nam “Một địch thủ phi thường”, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 5-1994, tr.74
(7) Jules Roy, Trận Điện Biên Phủ, dẫn theo Lịch sử quân sự, số 8-1986, tr.61
(8) Marcel Bigeard, Lời thú nhận muộn mằn, Nhà xuất bản Hà Nội, 2004, tr.78
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.