18/10/2022 14:25
Đồng chí Trần Quốc Tuấn phát biểu kết luận tại hội nghị tiếp xúc cử tri ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Trà Vinh đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri. Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, đại diện Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Trà Vinh báo cáo dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và thông tin đến cử tri tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 09 tháng năm 2022; tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp, báo cáo, phản ánh đến cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền.
Sau khi nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thông tin, làm rõ một số vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri xã Lưu Nghiệp Anh, xã Ngãi Xuyên (huyện Trà Cú) vào ngày sáng 06/10, cử tri có nhiều ý kiến, kiến nghị với Đoàn ĐBQH, trong đó có ý kiến cần có chế độ chính sách phù hợp cho cán bộ không chuyên trách ở địa phương, cán bộ cơ sở, người có công với cách mạng; về tình hình an ninh trật tự địa phương; các vấn đề về thủy lợi, đường nông thôn, cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân, giải pháp bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa...
Phát biểu kết luận tại buổi tiếp xúc cử tri, đồng chí Trần Quốc Tuấn chia sẻ khó khăn với chính quyền địa phương và người dân ở 02 xã nói riêng và tỉnh Trà Vinh nói chung vừa trải qua cơn đại dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời đánh giá cao về những kết quả đạt được trong thời gian qua, nhất là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và các ngành chức năng trong việc hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Bên cạnh đó, đã kịp thời truy quét các ổ, nhóm tội phạm để hạn chế tối đa các trường hợp vi phạm, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn.
Đặc biệt, tại cuộc tiếp xúc cử tri, đồng chí Trần Quốc Tuấn đã giải đáp những kiến nghị, đề xuất của người dân, cụ thể như:
Các vấn đề liên quan đến thực hiện Luật Đất đai hiện nay, Đoàn ĐBQH sẽ nghiên cứu và có ý kiến đóng góp cụ thể tại kỳ họp thứ 4 sắp tới.
Về tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Đảng và Nhà nước đã và đang thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển tam nông một cách vững chắc, từng bước xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh" để nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp có lợi nhuận, làm giàu chính đáng trên mãnh đất của mình.
Về tăng chế độ chính sách cho công chức và tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh sẽ nghiên cứu góp thêm ý kiến tại kỳ họp thứ 4 sắp tới, để Quốc hội quyết định về thời gian tăng lương phù hợp, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cử tri.
Về đề xuất hạ độ tuổi từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi để hưởng chính sách bảo trợ xã hội, Đoàn ĐBQH cùng với các địa phương khác đã kiến nghị nhiều lần, nhưng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải thích là do ngân sách nhà nước còn hạn chế, mặt khác tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã tăng dần nên tạm thời chưa được điều chỉnh. Nội dung này Đoàn sẽ tiếp tục kiến nghị để ngành chức năng nghiên cứu.
Về việc chôn cất tại nghĩa trang nhân dân khi qua đời đối với hộ nghèo, cận nghèo đề nghị cử tri liên hệ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn. Đối với trường hợp nghĩa trang là đất của hộ gia đình mà thu phí quá cao đề nghị UBND huyện kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo đúng quy định của luật pháp.
Về giải pháp bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa: đề nghị Sở Công thương và Cục Quản lý thị trường cần tăng cường biện pháp kiểm tra, kiểm soát hàng hóa để hạn chế tối đa việc hàng hóa quảng cáo và bán ra thị trường không đạt chất lượng...
Thời gian tới, đồng chí Trần Quốc Tuấn đề nghị chính quyền địa phương và cử tri cần quan tâm một số vấn đề: (1) dịch bệnh Covid-19, hiện nay chưa có dấu hiệu dừng lại mà có nguy cơ bùng phát, do đó cần tăng cường các biện pháp phòng, chống để hạn chế tình trạng nhiễm bệnh; dịch bệnh tay - chân - miệng, đậu mùa khỉ, bệnh sốt xuất huyết cũng diễn biến phức tạp... (2) Về sản xuất nông nghiệp, phải tăng cường sản xuất sản phẩm sạch để đáp ứng chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. (3) Tăng cường giáo dục con em tại gia đình, đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an ninh trật tự.
Đặc biệt đề nghị lãnh đạo huyện chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, phấu đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2023.
Giải đáp những kiến nghị của cử tri Phường 6, Phường 7 (thành phố Trà Vinh) tại hội nghị tiếp xúc cử tri vào chiều ngày 06/10, đồng chí Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh một số nội dung:
Về trường hợp người dân hát hò... gây mất trật tự công cộng lúc nửa đêm: đề nghị chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển. Tuy nhiên cần xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, nhất là lĩnh vực an ninh trật tự, mỹ quan đô thị trên địa bàn theo quy định tại Chỉ thị số 09-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường chỉnh trang đô thị, trật tự xây dựng, đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Các nội dung còn lại, đề nghị Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổng hợp những kiến nghị của cử tri về chế độ chính sách của cán bộ cơ sở ấp, khóm, xã, phường còn vướng mắc để gửi đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ xem xét và có trả lời để thông tin cho cử tri.
Thời gian tới, đồng chí Trần Quốc Tuấn đề nghị cử tri thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên người, trên gia súc, gia cầm hiện nay theo khuyến cáo của ngành chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường giáo dục để con em tránh xa các tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của việc mua bảo hiểm y tế; tham gia xuất khẩu lao động để có việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống tốt hơn; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân hiểu và thực hiện đúng quy định. Song song đó, đề nghị lãnh đạo UBND thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra; phấn đấu xây dựng thành phố Trà Vinh trở thành thành phố văn minh trước năm 2025 và trở thành thành phố thông minh trước năm 2030.
Phát biểu kết luận tại hội nghị tiếp xúc cử tri ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các điểm cầu trực tuyến tại UBND các huyện, thị xã và thành phố) vào ngày 07/10, đồng chí Trần Quốc Tuấn ghi nhận đánh giá cao về những kết quả mà ngành nông nghiệp đã được trong thời gian qua. Kết quả đạt được của ngành nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thời gian tới để phát triển nền nông nghiệp bền vững, đồng chí Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Theo đó, cần triển khai thực hiện 04 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, giải quyết được bài toán chất lượng sản phẩm. Phải sản xuất theo nhu cầu của thị trường, nông sản xanh, sạch và an toàn đối với sức khỏe; “phải sạch thực chất, không phải sạch trên giấy chứng nhận được cấp”- đồng chí Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Thứ hai, phát huy vai trò nòng cốt của nông dân, muốn có nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh thì vai trò của người nông dân là chủ thể quyết định. Người nông dân phải được hỗ trợ tiếp cận, đào tạo kiến thức, huấn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học nông nghiệp giúp nông dân để thay đổi tư duy, nhận thức về thị trường. Phải chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, theo hướng sản xuất nông nghiệp là phải có lợi nhuận, nhưng cũng phải có tính bền vững. Do vậy, không thể sản xuất theo kiểu truyền thống trước đây như “đến kỳ xuống giống; đến hạn bón phân; đến ngày phun thuốc; đến vụ thu hoạch...”.
Thứ ba, giải quyết thị trường đầu ra cho nông sản, không phải thị trường trong nước mà phải hướng đến xuất khẩu. Muốn sản xuất nông nghiệp bền vũng thì yếu tố quyết định là phải có thị trường đầu ra,... Bên cạnh đó, doanh nghiệp - nhà đầu tư phải có trách nhiệm đến cùng, kết hợp với nông dân, trong đó nông dân là mắc xích quan trọng, hướng đến sản xuất khép kín, bao tiêu trọn gói sản phẩm cho nông dân.
Thứ tư, phải có cơ chế, chính sách đột phá, đủ mạnh xây dựng nền “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành và địa phương trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư mạnh vào khu vực nông thôn, để người nông dân mạnh dạng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường…
Có như vậy mới góp phần từng bước xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khoá XIII.
Báo Trà Vinh Online
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.