14/10/2022 13:01
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại Trà Vinh có đồng chí Thạch Dư, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hòa thượng Thạch Sok Xane, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đại diện Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh.
Tại hội nghị, đại biểu được nghe Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Bá Trình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giới thiệu về quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về Đại đoàn kết toàn dân tộc; vai trò, vị trí, quyền, trách nhiệm, tổ chức và bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam.
Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chí Minh thể hiện qua 05 nội dung chủ yếu: (1) Đoàn kết toàn dân là đòi hỏi tất yếu khách quan, là mục tiêu, nhiệm vụ và là điều kiện cơ bản để cách mạng thắng lợi. (2) Đại đoàn kết dân tộc là đoàn kết toàn dân. (3) Đoàn kết không phải chỉ bằng khẩu hiệu mà phải được thể hiện bằng hành động cụ thể. (4) Đoàn kết phải được tổ chức thành lực lượng. (5) Đoàn kết dân tộc gắn liền với đoàn kết quốc tế.
Quan điểm, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc là vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ: phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân; tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Chính sách, pháp luật của Nhà nước về Đại đoàn kết toàn dân tộc: Nhà nước đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc bằng những quy định trong các bản Hiến pháp từ năm 1946 đến 2013.
Đối với quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 và Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 quy định: tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước. Thực hiện hoạt động đối ngoại Nhân dân.
Nội dung hoạt động của MTTQ Việt Nam: ở mỗi thời kỳ, giai đoạn, MTTQ Việt Nam xác định nội dung hoạt động tương ứng để tập hợp, đoàn kết toàn dân phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội IX MTTQ Việt Nam, nhiệm kỳ 2019-2024 đề ra 05 Chương trình hành động: (1) Tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. (2) Vận động Nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước. (3) Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. (4) Tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại Nhân dân. (5) Tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho rằng với những kiến thức được tiếp thu tại hội nghị, các đại biểu sẽ nâng cao nhận thức và tìm tòi nghiên cứu để có nhiều giải pháp tiêu biểu góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức bộ máy, nhất là nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp.
Tin, ảnh: SƠN TUYỀN
Tối 03/12, Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội.