28/10/2023 16:27
Tổng kết 17 năm giải báo chí quốc gia và Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao
Đồng chí Lê Quốc Minh.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; Văn Công Hùng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh, thành khu vực phía Nam; lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương, khu vực phía Nam và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo đài Trung ương và địa phương.
Hội nghị nhằm phân tích, đánh giá kết quả đạt được qua 17 năm tổ chức Giải Báo chí Quốc gia, cũng như những khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay, trong quá trình tổ chức Giải, để từ đó đặt ra những đề xuất, giải pháp nhằm đổi mới hoạt động nhằm phù hợp với xu thế chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa vị thế của Giải chuyên ngành lớn nhất cả nước. Đồng thời, hội nghị cũng nhằm đánh giá kết quả 01 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ chất lượng cao giai đoạn mới để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao trong các năm 2023 - 2024.
Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, chụp ảnh cùng đại biểu là lãnh đạo các đoàn tham dự hội nghị.
Đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, trải qua 17 năm tổ chức, Giải báo chí Quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự trong cả nước gửi về cho thấy sức hút của Giải ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng. Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ làm báo ngày càng đổi mới đặt ra những yêu cầu, thách thức mới trong quá trình tổ chức Giải.
Chủ động, sáng tạo thực hiện phong trào thi đua văn hóa trong cơ quan báo chí
Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết 01 năm phát động phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí; tổng kết công tác quản lý hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương; tướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Vũ Thị Hà, Trưởng ban Công tác Hội Nhà báo Việt Nam; Văn Công Hùng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, tiếp tục đẩy mạnh và có sự tiếp nối những công việc, những thành quả từ những năm trước đó. Phong trào luôn được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam; của các cấp ủy Đảng, ban, bộ, ngành ở trung ương và địa phương quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng các cấp Hội, cơ quan báo chí hưởng ứng. Nội dung phong trào thi đua phù hợp với tình hình thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo từ Trung ương đến địa phương.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh đã có nhiều tham luận, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và đề xuất những giải pháp thiết thực để đẩy mạnh thực hiện phong trào trong thời gian tới.
Về thực hiện Quyết định số 979/QĐ-HNBVN, ngày 06/4/2018 “về việc sinh hoạt của Hội viên là phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương”, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận 1.021 hội viên là phóng viên thường trú. Hầu hết hội viên phóng viên thường trú đăng ký tham gia sinh hoạt tại Hội Nhà báo tỉnh, thành phố là lực lượng nòng cốt của các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương...
Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, chụp ảnh cùng đại biểu là lãnh đạo các đoàn tham dự hội nghị.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ trọng tâm của báo chí hiện nay
Chủ trì hội nghị “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số" gồm các đồng chí: Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Trần Thái Sơn, Giám đốc Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam; Văn Công Hùng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang; cùng với sự tham gia của đại diện 19 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Đồng chí Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Nhiều tham luận cho thấy, các cơ quan báo chí chủ động vào cuộc, tích cực tham gia tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”; kiên cường đấu tranh với nội dung xấu, độc, quan điểm sai trái trên mạng xã hội.
Hội nghị tiếp tục khẳng định: đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch không thể không nói đến vai trò đặc biệt của báo chí cách mạng; cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay còn nhiều khó khăn, báo chí không chỉ là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa mà còn là nguồn cổ động, người tổ chức để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Hiệu quả sau 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016
Chiều 27/10, tại tỉnh Tiền Giang, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đức Lợi, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam; cùng đại diện các cơ quan báo chí khu vực phía Nam đến dự.
Hội Nhà báo Việt Nam hiện có 24.900 hội viên sinh hoạt tại 301 tổ chức Hội; trong đó, có 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố; 20 Liên chi hội và 218 Chi hội trực thuộc Trung ương.
Qua 6 năm thực hiện, Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam đã nhận được nhiều đánh giá tích cực của đội ngũ người làm báo và toàn xã hội.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì hội nghị.
Luật Báo chí 2016 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững và trở thành chỗ dựa của người làm báo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn. Nhất là, Luật Báo chí 2016 đã luật hóa việc xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; từ đó, nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; giúp nhà báo và cơ quan báo chí hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, một số cơ quan báo chí, người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp chạy theo thị hiếu tầm thường, tìm cách để thu lợi, kể cả việc làm sai lệch bản chất của sự việc. Ở một số địa phương, còn có sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý giữa cơ quan chỉ đạo và cơ quan quản lý báo chí.
Công tác quản lý báo chí chưa theo kịp với thực tiễn, chưa đáp ứng được sự phát triển của báo chí, truyền thông. Số lượng cơ quan báo chí tăng nhanh, nhưng phần lớn phải tự chủ tài chính, nhiều cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, phó mặc cơ quan báo chí trực thuộc, tôn chỉ mục đích bị xem nhẹ. Nhiều cấp Hội còn thiếu sát sao trong quản lý đội ngũ cộng tác viên, phóng viên thường trú tại các địa phương, dẫn đến nhiều hành vi tiêu cực, lợi dụng nghề nghiệp để đe dọa tống tiền doanh nghiệp, người dân. Hiện tượng nhà báo - hội viên khai thác, sử dụng mạng xã hội cho những mục đích phi nghề nghiệp, hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, vi phạm quy chuẩn đạo đức và thậm chí là vi phạm pháp luật đang trở thành vấn đề được không chỉ báo giới mà dư luận xã hội hết sức quan tâm, lo ngại.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm trao đổi, đánh giá về thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của Luật Báo chí 2016 gắn với việc thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo. Qua đó, phát huy những thành tựu, khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại...
Tin, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.