10/07/2024 07:34
Đại tá, PGS,TS Hoàng Văn Phai, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự; Đại tá, PGS, TS Võ Văn Hải, Phó viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự đồng chủ trì hội thảo.
Đại tá, PGS, TS Võ Văn Hải, Phó viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự phát biểu đề dẫn hội thảo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Đại tá, PGS, TS Võ Văn Hải, Phó viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự nhấn mạnh: Trải qua 75 ngày đêm với 31 phiên họp cùng với nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương bên lề, Hội nghị Giơnevơ kết thúc với nhiều kết quả quan trọng.
Các văn bản được ký kết tại Hội nghị, gồm: 03 Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia; 01 bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị; 02 bản tuyên bố riêng của đoàn Mỹ và đoàn Pháp; các công hàm trao đổi giữa Việt Nam và Pháp.
Những văn bản này tạo thành khung pháp lý của Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương. Các nước tham gia Hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Các đại biểu dự hội thảo.
Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam cùng với Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946 và Hiệp định Paris năm 1973 đã trở thành 3 văn kiện ngoại giao quan trọng nhất trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự kết thúc một chặng đường đấu tranh lâu dài và gian khổ để đi tới độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Các tham luận trình bày tại hội thảo đều thống nhất khẳng định: Hiệp định Giơnevơ đánh dấu sự kết thúc một chặng đường trong quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ để đi tới độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Việc ký Hiệp định Giơnevơ là đúng lúc, “phản ánh dùng so sánh lực lượng trên chiến trường và hoàn cảnh quốc tế lúc bấy giờ".
Hiệp định Giơnevơ là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng đầu tiên ghi nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam tại một hội nghị đa phương. Cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, giải phóng miền Bắc nước ta, tạo điều kiện xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương lớn, vững mạnh cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Quang cảnh hội thảo.
Hiệp định Giơnevơ còn thể hiện bản lĩnh của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên tham gia vào một hội nghị đa phương trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia hội nghị đều có mục tiêu và lợi ích riêng, nhưng đoàn đàm phán của ta đã phát huy chiến thắng trên chiến trường, phát huy sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, kiên định về nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược để giành được những kết quả quan trọng trên bàn Hội nghị.
Trải qua 70 năm, những giá trị lịch sử và thời đại từ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Giơnevơ vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Hội thảo “70 năm ngày ký hiệp định Giơnevơ – Giá trị lịch sử và thời đại” đã nhận được 50 tham luận của các nhà khoa học có giá trị khoa học cao, góp phần làm sáng tỏ thêm những giá trị lịch sử, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm quý báu của Hội nghị Giơnevơ đối với công cuộc cách mạng Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu, đánh giá, tôn vinh giá trị lịch sử của Hội nghị Giơnevơ, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm quý cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Theo qdnd.vn
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng thống Cộng hòa Bulgaria Rumen Radev và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Bulgaria tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24 - 28/11/2024. Nhân dịp này hai bên đã ra Tuyên bố chung. Trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung này.