29/05/2023 14:51
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát trong phiên họp sáng 29/5.
Sáng 29/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Chủ động huy động nguồn lực, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch
Thay mặt Đoàn giám sát báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, việc huy động nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện chủ động, góp phần đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách.
Cụ thể, đến 31/12/2022, tổng số tiền đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là khoảng 230 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là hơn 186,4 nghìn tỷ đồng và tài trợ, viện trợ khoảng 43,6 nghìn tỷ đồng.
Hơn 11.600 tỷ đồng đã được huy động vào Quỹ vaccine phòng dịch; tiếp nhận khoảng 259,3 triệu liều vaccine phòng Covid-19, riêng viện trợ của Chính phủ các nước gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24.000 tỷ đồng.
Đại biểu dự phiên họp.
“Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch. Các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế đã trực tiếp tham gia phòng, chống dịch và đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho hay.
Báo cáo cũng chỉ rõ, công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cơ bản thực hiện đúng chủ trương, chính sách đã ban hành. Hàng hóa viện trợ, tài trợ đã được phân bổ kịp thời cho các đơn vị, địa phương.
Đến ngày 31/12/2022, kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 đã được sử dụng để hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hơn 87.000 tỷ đồng; thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia chống dịch (quân đội, công an, y tế ...), 4.487 tỷ đồng; mua vaccine phòng Covid-19, 15.134 tỷ đồng; hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine phòng Covid-19, 4,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi 2.593 tỷ đồng mua sắm kit xét nghiệm; 5.291 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm; 719 tỷ đồng chi trả khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19; 403 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị Covid-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến; 96 tỷ đồng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin phòng, chống dịch Covid-19, Chương trình Sóng và máy tính cho em, dạy học trực tuyến; 2.600 tỷ đồng cho các khoản chi khác.
Tự chủ sản xuất được 09/11 loại vaccine dùng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, trong giai đoạn 2018 - 2022, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đối với đại dịch Covid-19.
Kết quả giám sát cho thấy, đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, 100% các đơn vị hành chính cấp huyện đều có trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện đóng trên địa bàn, 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 92,4% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, trên 70% thôn, bản có nhân viên y tế thôn, bản hoạt động.
Ngoài ra còn có hàng chục nghìn phòng khám tư nhân, phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân, bệnh viện tư nhân tương đương tuyến huyện.
Nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng từng bước được củng cố cả về số lượng và chất lượng, trong đó nhân lực y tế tuyến huyện chiếm 34,6% trên tổng số nhân lực y tế các tuyến và tuyến xã là 15,8%; công tác đào tạo, tuyển dụng, thu hút nhân lực y tế tại y tế cơ sở, y tế dự phòng đã được quan tâm, bảo đảm đủ các chế độ, chính sách theo quy định.
Các trạm y tế xã thực hiện quản lý bệnh không lây nhiễm, và bước đầu triển khai việc quản lý sức khỏe người dân; nhiều bệnh viện tuyến huyện đã triển khai được khoảng 75% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến, một số nơi đã triển khai được 100% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến và còn triển khai được một số kỹ thuật của tuyến trên.
Trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương đã tổ chức trạm y tế lưu động và xây dựng các bệnh viện dã chiến; bệnh viện tuyến huyện đã có đóng góp rất lớn trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Theo đó, số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện tuyến huyện chiếm khoảng 1/3 tổng số bệnh nhân được điều trị của cả nước.
Báo cáo cũng nêu rõ, công tác phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và bệnh truyền nhiễm đạt được nhiều thành tựu nổi bật, ghi dấu trong cộng đồng quốc tế với nhiều “điểm sáng” như: Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế được dịch SARS, cúm A(H1N1); khống chế, đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm; cơ bản đã khống chế dịch HIV/AIDS và đặc biệt là việc kiểm soát được dịch Covid-19.
Việt Nam đã tự chủ sản xuất được 9/11 loại vaccine dùng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Khoảng 90% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Theo nhandan.vn
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.