21/08/2023 07:25
Bộ sách “Thời gian và nhân chứng” (Hồi ký của các nhà báo) được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ hai.
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản lần thứ hai bộ sách Thời gian và nhân chứng (Hồi ký của các nhà báo). Bộ sách được ra đời là kết quả của sự tâm huyết của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức và các cộng sự trong hơn 10 năm.
Trước đó, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần đầu tập I năm 1994, tập II năm 1997 và tập III năm 2001.
Với ba tập nội dung, hơn bốn mươi bài viết, bộ sách không chỉ khắc họa chân dung 43 nhà báo mà hơn hết đó là tình cảm và tâm huyết của tác giả với đồng đội, đồng nghiệp trên nhiều lĩnh vực của nghề báo. Không chỉ giới thiệu những nhà báo gạo cội, cả đời theo Đảng, Bác Hồ, cống hiến cả tâm huyết, tài năng cho dân, cho nước mà còn có cả những con người thầm lặng đã góp phần tạo nên diện mạo báo chí cách mạng Việt Nam.
Các bài viết trong ba tập của bộ sách là những hồi ký, hồi ức ghi lại hành trình nghề nghiệp, những kinh nghiệm làm báo quý báu, phong phú, đa dạng, những kỷ niệm của hơn bốn mươi nhà báo có tên tuổi trong báo giới Việt Nam qua nhiều cách thể hiện, nhiều hình thức tiếp cận khai thác, nổi bật là hình thức tác giả kể để ghi chép lại. Bằng giọng văn ý nhị nhưng rõ ràng, bộ sách đã tái hiện lại lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam với đầy ắp các sự kiện, con số, tư liệu lịch sử nhưng không hề khiến độc giả thấy khô khan, tẻ nhạt, nhàm chán mà ngược lại, rất lôi cuốn. Để rồi từng chi tiết, sự kiện qua các trang hồi ký, với lối kể giản dị, chân thành, những con chữ trên giấy không nằm yên mà khiến người đọc hừng hực, hình dung như đang “quăng” mình vào điểm nóng. Còn dưới con mắt của người trong cuộc, những câu chuyện kể lại đều là chuyện có thật, là những gì mà nhà báo từng chứng kiến, trải nghiệm giữa những ngày tháng chiến tranh khốc liệt và đó được xem như “của để dành” trong suốt cuộc đời làm báo đầy gian nan.
43 nhà báo được giới thiệu trong bộ sách Thời gian và nhân chứng, phần lớn trong số đó là những nhà báo hoạt động trong thời kỳ từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 kéo dài qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây là thời kỳ gian nan, vất vả, nhiều hy sinh, mất mát của cả dân tộc, nhưng cũng là thời kỳ hào hùng, rực sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những cây viết hoạt động báo chí thời kỳ này đa phần đều là tay ngang hoặc theo phân công của tổ chức cách mạng. Cho dù đến với nghề làm báo bằng cách nào thì họ đều là những người say mê, yêu và gắn bó duyên nợ với nghề. Có những người đã được Đảng, Nhà nước phân công gánh vác trọng trách như đồng chí Xuân Thủy, nhưng vẫn không bao giờ quên được những năm tháng gian khổ, lăn lộn với tờ báo, với nghiệp viết báo.
Có những người từ nhiệm vụ cách mạng giao cho mà gắn bó cả đời với nghiệp làm báo, trở thành những người lãnh đạo quan trọng trong hệ thống báo chí nước nhà hay một cây viết có uy tín của một cơ quan báo chí nào đó, như các nhà báo: Hồng Hà, Trần Lâm, Hữu Thọ, Quang Đạm, Đỗ Phượng, Lê Bá Thuyên, Xích Điểu, Nguyễn Thành Lê... Và đặc biệt, cuộc đời hoạt động báo chí của mỗi người đều như một câu chuyện đầy hấp dẫn, và rất có thể là ước mơ không thể vươn tới, thần tượng nghề nghiệp của những người làm báo trẻ tuổi.
Được biên soạn công phu, nghiêm túc, giọng văn mộc mạc, đơn giản, những bài học không bao giờ cũ về tinh thần sáng tạo, ý chí, bản lĩnh của người cầm bút đến nay vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự, thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Lật mở từ trang đầu đến trang cuối của bộ sách, độc giả sẽ cảm nhận thông điệp Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức gửi đến người làm báo và thế hệ tương lai rằng nghề nghiệp nào cũng cần có sự đắm say và cái tâm.
Theo dangcongsan.vn
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng, phát triển mối quan hệ giữa hai nước không ngừng phát triển tốt đẹp.