13/11/2023 14:27
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Đây là lần thứ hai Bộ Công an (Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng) đăng cai tổ chức. Hội nghị được tổ chức lần đầu tiên năm 1980, đến năm 2023 có 34 Cơ quan quản lý giam giữ thành viên chính thức ở 25 quốc gia và đã trải qua 40 kỳ hội nghị ở các nước khác nhau trong khu vực.
Hơn 200 đại biểu dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, Bộ Công an Việt Nam rất coi trọng và đánh giá cao vai trò của Hội nghị cán bộ quản lý trại giam khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là diễn đàn có quá trình hơn 40 năm hình thành và phát triển, có đóng góp quan trọng trong việc nâng cao quan hệ hợp tác quốc tế về công tác quản lý trại giam, giáo dục cải tạo phạm nhân.
Những hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các thành viên APCCA rất có ý nghĩa để các quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục phạm nhân, bảo đảm mục đích đề ra của việc chấp hành án phạt tù.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Long, tại Việt Nam, công tác quản lý, giáo dục phạm nhân được thực hiện theo nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa, tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân; kết hợp giữa trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án; khuyến khích người chấp hành án ăn năn, hối cải, tích cực học tập, lao động để sau khi chấp hành án tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội...
Những nguyên tắc nêu trên đã được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách cụ thể về giáo dục văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề, khám, chữa bệnh cho phạm nhân; các chính sách về đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn có điều kiện, tạm đình chỉ, hoãn, miễn chấp hành án phạt tù; các chính sách về tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có chính sách ưu đãi cho vay tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù...
Hội nghị cán bộ quản lý trại giam khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 41 - Việt Nam 2023 diễn ra từ ngày 12-16/11/2023, tại Hà Nội và Quảng Ninh.
Qua đó đã khuyến khích người bị kết án tù phấn đấu cải tạo tốt để sớm được trở về với gia đình, xã hội, hòa nhập với cộng đồng, không tái phạm tội. Cùng với đó, mặc dù điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ và Bộ Công an Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, cố gắng giành nguồn lực cần thiết để đầu tư cơ sở vật chất và các trang, thiết bị cho các trại giam, đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục phạm nhân theo quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Long phát biểu chào mừng.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long bày tỏ mong muốn, các đại biểu tích cực trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hay, sáng tạo và đưa ra những giải pháp mang tính khả thi, vận dụng phù hợp với thực tiễn, đặc điểm tình hình của các nước thành viên, nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác quản lý trại giam, giáo dục cảm hóa phạm nhân nhằm giúp họ sớm trở về với gia đình, hòa nhập tốt với cộng đồng và xã hội, góp phần ngăn ngừa, giảm bớt tội phạm, tạo môi trường xã hội lành mạnh cho sự phát triển của mỗi nước và của khu vực.
Cục trưởng Cục Trại giam Singapore bà Shie Yong Lee phát biểu tại hội nghị.
Trưởng đoàn, Cục trưởng Cục Trại giam Singapore, Shie Yong Lee đánh giá, chủ đề của Hội nghị APCCA lần thứ 41 tại Việt Nam là một chủ đề vô vùng quan trọng, đồng thời là một sứ mệnh với mục tiêu rõ ràng với tất cả chúng ta ở đây.
Bà Shie Yong Lee nhấn mạnh: Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mỗi quốc gia có một mô hình riêng, được quản lý theo khuôn khổ pháp luật riêng của mỗi quốc gia với nền văn hóa đặc trưng,... Trong sự đa dạng, phong phú như thế, tất cả chúng ta đều chia sẻ một mục tiêu chung là hướng tới một hệ thống quản lý trại giam mang giá trị nhân văn hơn.
Do vậy, trại giam cần tiếp tục trở thành nơi an toàn dành cho các phạm nhân cũng như các nhân viên, đội ngũ quản lý trại giam. Quan trọng hơn, là thúc đẩy việc tái hoà nhập xã hội, quay trở lại với gia đình,... cũng như tăng cường niềm tin của người dân đối với việc quản lý trại giam.
Trung tướng Lê Minh Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng.
Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Lê Minh Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Bộ Công an) cho biết: Chủ đề của hội nghị đã thể hiện rõ trách nhiệm, sự chủ động của APCCA trước những thách thức của khu vực trong bối cảnh mới, phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện của mỗi thành viên APCCA hiện nay.
Theo đó, bên cạnh việc bảo đảm thực hiện nghiêm minh các chế tài xử lý của cơ quan thực thi pháp luật, việc giáo dục cải tạo phạm nhân, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng, xuyên suốt trong hoạt động thi hành án phạt tù.
Hội nghị là cơ hội để các nước thành viên, các nước khách mời và các tổ chức quốc tế giao lưu, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trên các lĩnh vực chuyên môn, cũng như các vấn đề cùng quan tâm, góp phần cập nhật và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trại giam, qua đó bảo đảm công tác thực thi pháp luật và bảo đảm an ninh, trật tự tại mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ và trong khu vực.
Cùng với công tác lý luận, Hội nghị tổ chức các hoạt động tham quan, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi thực tiễn tại trại giam Thanh Xuân và trại giam Quảng Ninh, bên cạnh đó kết hợp giới thiệu một số danh lam thắng cảnh, quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.
Với chủ đề “Tạo dựng giá trị nhân văn, niềm tin và đoàn kết trong công tác trại giam”, hội nghị tổ chức và thảo luận 5 chuyên đề, gồm: Chuyên đề 1: Những khó khăn, thách thức và giải pháp trong công tác trại giam tại Việt Nam. Chuyên đề 2: Cung cấp môi trường giam giữ an toàn và chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi, phạm nhân có vấn đề liên quan đến ma túy và phạm nhân khuyết tật. Chuyên đề 3: Giảm thiểu tái phạm thông qua các chương trình tái hòa nhập cộng đồng trước và sau khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù. Chuyên đề 4: Hợp tác hiệu quả với các đối tác tư nhân và các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục cải tạo phạm nhân. Chuyên đề 5: Cải thiện cơ sở vật chất, công nghệ kỹ thuật và đào tạo phục vụ công tác giáo dục cải tạo trong trại giam và cộng đồng.
|
Theo nhandan.vn
Sáng ngày 28/11, tiếp tục chương trình ngày làm việc thứ 28 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.