20/05/2024 10:20
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - điều hành hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu khai mạc Kỳ họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra trong không khí hào hùng của những ngày tháng 5 lịch sử, kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thành công tốt đẹp.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Theo đó, Quốc hội làm việc trong 26,5 ngày (từ ngày 20/5 đến ngày 28/6/2024; chia làm 02 đợt: đợt 1 từ ngày 20/5/2024 đến ngày 08/6/2024 và đợt 2 từ ngày 17/6/2024 đến ngày 28/6/2024). Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 04 nội dung quan trọng.
Thứ nhất, về công tác lập pháp
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15, công tác lập pháp là nội dung trọng tâm, chiếm gần 2/3 thời gian của Kỳ họp với số lượng 24 dự án luật, dự thảo nghị quyết (đây là khối lượng nội dung về lập pháp lớn nhất được xem xét tại một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay).
Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật bao gồm: Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; 03 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác gồm: Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân
Thứ hai, về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề quan trọng khác
Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định, cho ý kiến về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số nội dung quan trọng khác.
Thứ ba, về giám sát tối cao
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7; xem xét báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; xem xét, thông qua các nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025. Báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Thứ tư, về công tác nhân sự
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp là công tác nhân sự. Cụ thể, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, phê chuẩn thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XV. Do vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị đề nghị các vị đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để việc quyết định công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 7 là rất lớn và để kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước cũng như sự mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước. Trong đó, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận, đóng góp ý về sự phù hợp, tính khả thi, hiệu quả của các chính sách; tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành; bảo đảm phát huy được nguồn lực, tận dụng được cơ hội phát triển, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Đối với tình hình những tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho những tháng còn lại của năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu các vị đại biểu Quốc hội bám sát các yêu cầu, mục tiêu, giải pháp tại các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội...; lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và thế giới, khu vực để đánh giá đúng những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2024, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
PHƯỚC TIẾN
Sáng 24/11 tại thủ đô Phnom Penh, trước khi khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các Trưởng đoàn đã chào xã giao Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Techo Hun Sen; Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary, Chủ tịch Phiên họp lần thứ 11 của IPTP và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.