31/07/2023 09:03
Trình độ dân trí trong vùng đồng bào Khmer phát triển rõ rệt. Việc dạy và học chữ Khmer được tổ chức hàng năm tại 121 điểm trường. Rõ nét nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt là trong vùng đồng bào Khmer ngày nay đã được đầu tư khá hoàn chỉnh; đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa và phục vụ sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết hướng đến xuất khẩu.
Trường Trung cấp Pali - Khmer thành lập theo Quyết định số 459/QĐ-UBND, ngày 07/4/2014 của UBND tỉnh Trà Vinh về việc thành lập Trường Trung cấp Pali - Khmer trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh. Ảnh: BÁ THI
Trà Vinh là tỉnh ven biển, nằm ở phía Đông Nam vùng đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tự nhiên 2.390km2; có bờ biển dài 65km; nằm giữa 02 con sông lớn (Sông Tiền và Sông Hậu); dân số trên 01 triệu người, trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 31% (có 59 xã có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên, trong đó huyện đông nhất là Trà Cú có khoảng 65%). Tỉnh có 09 đơn vị hành chính cấp huyện (có 01 thành phố và 01 thị xã) với 106 xã, phường, thị trấn; toàn tỉnh có 378 cơ sở tôn giáo (trong đó, có 143 chùa Nam tông Khmer) có khoảng 59% dân số theo đạo.
Trà Vinh là tỉnh có địa kinh tế, địa chính trị và chiến lược về an ninh quốc phòng; tình hình kinh tế - xã hội tuy có phát triển nhưng tính bền vững chưa cao; công nghiệp phát triển chậm do nguồn lực, hạ tầng còn khó khăn; là tỉnh thuần nông nhưng sản xuất còn nhỏ lẻ, tính liên kết chưa cao, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn khó khăn, giá cả không ổn định; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động ngày càng nghiêm trọng hơn; các loại dịch bệnh nguy hiểm diễn biến có lúc phức tạp khó kiểm soát… từ đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống Nhân dân.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Trà Vinh có tiềm năng và cơ hội phát triển rất tốt. Trà Vinh là cửa ngõ của vùng đồng bằng sông Cửu Long với Biển Đông; có Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu; nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào đó là nắng và gió, là điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Trên địa bàn tỉnh có 09 dự án điện gió đang triển khai, tổng công suất 666 MW (trong ảnh: Công trình điện gió, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải). Ảnh: BÁ THI
Trên địa bàn tỉnh có Trung tâm điện lực Duyên Hải với tổng công suất 4.498 MW và 09 dự án điện gió đang triển khai, tổng công suất 666 MW; đã khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất Hydro xanh Trà Vinh (vào ngày 30/3/2023) với vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng; đề xuất Quy hoạch điện VIII với 43 dự án, công suất 26.000 MW. Với nguồn năng lượng điện sản xuất tại Trà Vinh đã góp phần rất lớn cho an ninh năng lượng quốc gia.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông kết nối vùng đang triển khai dự án Đường hành lang ven biển kết nối các tỉnh ven biển, Trà Vinh kết nối từ Bến Tre đến Sóc Trăng qua cầu Đại Ngãi kết nối với Cảng biển tỉnh Trà Vinh đang đầu tư, tuyến đường này là đột phá của tỉnh để phát triển các xã vùng đồng bào dân tộc của huyện Cầu Ngang và Trà Cú.
Mô hình chuyển đổi từ đất lúa sang trồng hoa màu, cây ăn trái kết hợp chăn nuôi của nông dân Thạch Tân An, ấp Chông Văn, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: MN
Để phát huy lợi thế có được nhằm tập trung phấn đấu vươn lên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu: Phấn đấu xây dựng Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025; trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long; phấn đấu là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030.
Đây là mục tiêu thể hiện sự khát vọng lớn của tỉnh Trà Vinh. Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh luôn phấn đấu, bằng nhiều biện pháp cho ngắn hạn và dài hạn, đã tập trung nỗ lực, dồn sức, quyết tâm, quyết liệt thực hiện và đã đạt một số kết quả đáng phấn khởi: Tăng trưởng kinh tế bình quân nửa nhiệm kỳ qua đạt 3,12%/năm, quy mô nền kinh tế ước đạt 77.475 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 75,97 triệu đồng/năm; Thu nội địa tăng bình quân trên 4,43%/năm. Vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 44,67% GRDP.
Riêng 06 tháng đầu năm 2023, bức tranh kinh tế của tỉnh có nhiều điểm sáng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 5,74%, xếp thứ 33/63 trong cả nước và thứ 07/13 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh đứng thứ 26/63 tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, tỉnh Trà Vinh đứng đầu cả nước trong bảng xếp hạng chỉ số xanh (PGI)…
Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn khảo sát Ban Dân vận Trung ương vào chiều ngày 24/7, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh - Lâm Minh Đằng nhấn mạnh: Những kết quả đạt được nêu trên thể hiện sự lãnh đạo toàn diện của Tỉnh ủy, trong đó vấn đề quan tâm là tập trung chỉ đạo phát triển trong vùng đồng bào dân tộc. Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương như: Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy “Về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 17/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tạo nguồn quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 31-CT/TU, ngày 06/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, các Nghị quyết của HĐND, văn bản của UBND đã kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy Trà Vinh về tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer trong tình hình mới. Từ đó những kết quả đạt được qua thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2022, nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, Trà Vinh rất vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước về thực hiện chính sách dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Trà Vinh. Ảnh: BÁ THI
Đặc biệt, kết quả lớn nhất mà Trà Vinh đạt được đó là: tập trung xây dựng nông thôn mới. Đến nay toàn tỉnh có 85/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 38 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, 03 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 8/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỉnh quyết tâm xây dựng đạt tỉnh nông thôn mới trước năm 2025.
Điều đáng mừng là có nhiều xã trước đây là xã nghèo trong vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, nhưng đến nay được công nhận nông thôn mới, điều này minh chứng hiệu quả của việc thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc - đồng chí Lâm Minh Đằng nhấn mạnh.
Phát biểu tại Lễ hội Ok Om Bok năm 2022, Hòa thượng Thạch Sok Xane, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh bày tỏ quyết tâm và kêu gọi đồng bào, chư tăng Khmer trong tỉnh tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, truyền thống yêu nước, giữ gìn và phát huy văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống đoàn kết các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa - Chăm, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025, chung tay góp sức XDNTM và đô thị văn minh, tiếp tục nêu cao ý thức đề cao khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. |
Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhìn chung tình hình kinh tế, đời sống của đồng bào Khmer ngày càng nâng lên, tập trung nhân rộng một số mô hình sản xuất, mô hình kinh tế có hiệu quả, xây dựng được mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới; tạo việc làm và mang lại nguồn thu nhập khá hơn cho đồng bào Khmer.
Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hiện nay còn 1,88%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm còn 3,61%. Tỉnh đã thực hiện xong Đề án xây nhà tình nghĩa cho hộ gia đình chính sách còn khó khăn về nhà ở và Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ người cao tuổi neo đơn khó khăn về nhà ở; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ hàng tháng cho hộ thuộc diện bảo trợ xã hội trên 60 tuổi neo đơn; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho hộ mới thoát nghèo trong thời gian 6 tháng.
Một cảnh trong vở diễn “Nghĩa tình không phai” của Đoàn Nghệ thuật Khmer Rak Samây Chane Đara, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải. Ảnh: BÁ THI
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong đồng bào Khmer được duy trì; văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer được giữ gìn, tôn tạo; phát huy vai trò của Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh và các loại hình nghệ thuật sân khấu, các điệu múa dân gian, múa hát cộng đồng, các phong trào văn nghệ quần chúng trong đồng bào dân tộc phục vụ vui chơi trong các dịp lễ, tết của đồng bào Khmer.
Tiết mục múa của diễn viên đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh. Ảnh: BÁ THI
Riêng lễ hội Ok Om Bok, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và hàng năm tổ chức Lễ hội Ok Om Bok với quy mô lớn gắn với hoạt động văn hóa, thể thao, hội chợ triển lãm, xúc tiến đầu tư, thương mại, thu hút đông đảo người dân đến tham gia vui chơi, giải trí.
Sân khấu hóa nghi thức cúng trăng trong Lễ hội Ok Om Bok. Ảnh: BÁ THI
Đối với người Khmer Nam Bộ nói chung, người dân tộc Khmer Trà Vinh nói riêng, phong tục đua ghe Ngo không chỉ là hoạt động thể thao truyền thống mà còn chứa nhiều ý nghĩa thiêng liêng. Ảnh: BÁ THI
Tỉnh quan tâm thực hiện tốt và có hiệu quả các chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo ở vùng đồng bào Khmer, phát huy vai trò của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, xứng đáng là trung tâm đoàn kết; tích cực vận động sư sãi, phật tử thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng về công tác dân tộc; vận động tín đồ, Phật tử tích cực lao động, sản xuất phát triển kinh tế gia đình; phối hợp cùng chính quyền tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến sư sãi và đồng bào Khmer, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng.
Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc Khmer luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Các cấp, các ngành đã tuyển dụng nhiều công chức, viên chức là nữ, dân tộc vào làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị, từ các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, cơ quan, đơn vị đã phát hiện, giới thiệu nhiều cán bộ nữ, cán bộ dân tộc ưu tú kết nạp vào Đảng, đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành trong tỉnh.
Qua 05 thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Bí thư tỉnh Trà Vinh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Thời gian tới để triển khai thực hiện đạt kết quả tốt hơn, tỉnh Trà Vinh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt và cụ thể hóa nội dung thực hiện Chỉ thị số 19 ở một số nơi có mặt chưa toàn diện, chương trình, kế hoạch đề ra chưa sát thực tế;
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tỷ lệ tốt nghiệp của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Trà Vinh đạt 100%. (Trong ảnh: học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Trà Vinh). Ảnh: BÁ THI
Phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương được giao tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm, từng lúc, từng nơi thiếu chặt chẽ, thiếu sự liên kết trong triển khai thực hiện chính sách; cơ sở vật chất, nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào Khmer một số nơi còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu; tiếp tục triển khai thực hiện chính sách về dân tộc tại các xã nông thôn mới tỷ lệ học sinh dân tộc Khmer thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn cao;
Nhiều tuyến đường nông thôn hoàn thành, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương. Ảnh: BÁ THI
Quan tâm đào tạo cán bộ dân tộc Khmer làm công tác văn hóa, nghiên cứu, sáng tác để góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế; chất lượng khám, chữa bệnh ở một số cơ sở y tế; quan tâm tạo nguồn cán bộ trẻ, nữ là dân tộc Khmer (cả về số lượng và chất lượng); chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Báo Trà Vinh
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.