14/05/2021 08:03
Tại Hội nghị thành lập Đảng (từ ngày 06/01 đến ngày 03/02/1930), Chính cương vắn tắt, Sách lược văn tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự thảo, được hội nghị thông qua(1). Trong Sách lược vắn tắt, xác định rõ Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản, thực hiện vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp đó. Đảng chủ trương: “thu phục cho được đại bộ phận dân nghèo làm thổ địa cách mạng…”(2), Đảng phải xây dựng khối đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các tầng lớp Nhân dân yêu nước và các tổ chức cách mạng “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh Niên, Tân Việt… để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư sản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập...”(3). Sự đoàn kết rộng rãi ấy vì mục tiêu thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Hội nghị quyết định chủ trương xây dựng các tổ chức Công hội, Nông hội, Hội phản đế… để thu hút công nhân, nông dân và các tầng lớp trí thức, tiểu tư sản vào tổ chức.
Ngay sau khi ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng của quần chúng nổ ra khắp nơi mà đỉnh cao là ở Nghệ An, Hà Tĩnh, không chỉ có công - nông mà còn có các tầng lớp trí thức, một số sĩ phu, phú nông, trung, tiểu địa chủ tham gia, điều đó bước đầu đã chứng minh sức mạnh của tinh thần yêu nước và sự đoàn kết dân tộc của Nhân dân Việt Nam dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng.
Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế đồng minh nhắc lại quan điểm của Đảng thể hiện trong Sách lược vắn tắt coi việc đoàn kết toàn dân trong một số tổ chức rộng rãi là một điều kiện thắng lợi của cuộc cách mạng.
Trong những năm 1936 - 1939, Đảng Cộng sản Đông Dương(4) chuyển hướng mạnh mẽ về chủ trương, chiến lược cách mạng, quyết định thành lập Mặt trận Nhân dân phản đế rộng rãi, về sau gọi là Mặt trận Thống nhất dân chủ để tập hợp các giai cấp, đảng phái chính trị vào cuộc đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa và tay sai đòi các quyền tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp Nhân dân đã được tập hợp vào các tổ chức, các cao trào đấu tranh đòi quyền dân sinh và dân chủ diễn ra trên toàn quốc .
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra đã ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện, tạo ra những thách thức và nguy cơ lớn đối với vận mệnh của các dân tộc ở Đông Dương. Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Nguyễn Văn Cừ chủ trì, đặc biệt là Hội nghị lần thứ tám do Hồ Chí Minh chủ trì đã quyết định:“…nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, gác lại nhiệm vụ cách mạng ruộng đất, thống nhất lực lượng cách mạng trên toàn cõi Đông Dương, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, tiểu tư sản, tư sản bản xứ, trung, tiểu địa chủ, ai có lòng yêu nước, thương nòi vào một Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, đánh Pháp, đuổi Nhật giành quyền độc lập, tự do cho các dân tộc ở Đông Dương theo quan điểm thực hiện quyền dân tộc tự quyết”(5). Đây là một sự thay đổi về chiến lược của Đảng nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước của các tầng lớp Nhân dân, tập trung mọi lực lượng dân tộc để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là cứu nước, giải phóng dân tộc. Hội nghị thống nhất thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Ngày 25/10/1941, Mặt trận Việt Minh công bố tuyên ngôn, chương trình, điều lệ, nêu rõ tôn chỉ, mục đích của Việt Minh. Chương trình cứu nước của Việt Minh gồm 44 điểm, bao gồm một hệ thống chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa và những chính sách cụ thể đối với từng giai cấp, tầng lớp công nhân, nông dân, binh lính, công chức, học sinh, phụ nữ, thiếu nhi, tư sản, địa chủ…Tinh thần cơ bản của chương trình “cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: (1). Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập; (2). Làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do”(6).
Do “Chương trình Việt Minh” phù hợp với nguyện vọng của toàn dân, đáp ứng được khát vọng độc lập, tự do của quần chúng, đồng thời, do sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên, phong trào Việt Minh có sức thu hút to lớn, nhanh chóng lan tỏa từ Cao Bằng ra các tỉnh miền núi phía Bắc, phát triển ở cả nông thôn miền núi lẫn nông thôn miền châu thổ Bắc Kỳ, lan vào thành thị, từ Bắc vào Nam. Cuối năm 1943, Hội Văn hóa cứu quốc ra đời, nhằm đoàn kết trí thức và các nhà văn hóa vào Mặt trận; tháng 6/1944, Đảng Dân chủ Việt Nam được thành lập và tham gia Việt Minh làm cho Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít thêm sâu rộng, tạo điều kiện để Đảng tranh thủ tầng lớp trung gian, làm thất bại âm mưu của phát xít và tay sai mưu đồ lôi kéo tư sản dân tộc và tầng lớp trí thức Việt Nam. Việt Minh đã thực sự trở thành trung tâm tập hợp đoàn kết các giai cấp, đảng phái chính trị và cá nhân yêu nước trong toàn quốc đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật.
Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, toàn bộ Xứ ủy Nam Kỳ bị Pháp bắt giam và bị kết án tử hình, nên không có đại biểu của Xứ ủy tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ tám. Vì vậy, việc triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương tám cũng như việc thành lập Việt Minh ở Nam Kỳ nói chung, ở Trà Vinh nói riêng chậm hơn ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Đến năm 1943, mới có các tài liệu về Hội nghị Trung ương tám và Mặt trận Việt Minh để tuyên truyền; các văn bản về Tuyên ngôn và Chương trình của Việt Minh, báo Giải Phóng, báo Chiến Đấu… được truyền bá, góp phần định hướng và đẩy nhanh sự phát triển của phong trào cách mạng ở Trà Vinh. Theo Chương trình, Điều lệ của Việt Minh, cuộc vận động thành lập các đoàn thể cứu quốc được triển khai, bắt đầu từ Càng Long, tỉnh lỵ và Cầu Ngang, sau đó lan rộng ra địa bàn toàn tỉnh.
Ngày 09/3/1945, Nhật tiến hành đảo chính Pháp ở Đông Dương, cuộc đảo chính đã gây ra những thay đổi lớn ở Đông Dương, tạo ra những thách thức mới cũng như những điều kiện thuận lợi mới cho cuộc khởi nghĩa vũ trang của Nhân dân ta. Trước diễn biến nhanh chóng của tình hình, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng đã ban hành Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Thực hiện Chỉ thị của Trung ương, phong trào “kháng Nhật cứu nước” phát triển rộng khắp trong cả nước mà đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, kết thúc quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do đầy hy sinh, gian khổ của dân tộc Việt Nam chống quân xâm lược Pháp và phát xít Nhật, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là do đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, trong đó có chiến lược “Đoàn kết dân tộc” dẫn đến sự ra đời của Việt Minh năm 1941. Sự thành lập và hoạt động của Việt Minh đã trở thành một trong những nhân tố cơ bản, quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, 70 năm Ngày thành lập Việt Minh, tưởng nhớ đến công lao trời biển của Bác, chúng ta càng phải thấm nhuần và thực hiện đúng đắn, đầy đủ tư tưởng của Bác về đại đoàn kết dân tộc, đó là: - Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của cách mạng. Đó là chiến lược tập hợp mọi lực lượng có thể tập hợp được, nhằm hình thành sức mạnh to lớn của dân tộc trong cuộc đấu tranh với kẻ thù dân tộc, giai cấp. Trong từng thời kỳ cách mạng, từng giai đoạn, có thể và cần thiết phải điều chỉnh chính sách và phương pháp tập hợp cho phù hợp với từng đối tượng khác nhau, nhưng vấn đề đại đoàn kết dân tộc phải luôn luôn nhận thức là vấn đề sống còn của cách mạng. - Đại đoàn kết dân tộc là một mục tiêu, một nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Tư tưởng đại đoàn kết phải được quán triệt trong mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc. - Đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân, phải tập hợp được mọi người dân vào một khối trong cuộc đấu tranh chung. - Đại đoàn kết dân tộc không chỉ dừng lại ở quan điểm, tư tưởng, ở những lời kêu gọi, mà phải trở thành một chiến lược cách mạng, trở thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân ta. Nó phải biến thành sức mạnh vật chất, thành lực lượng vật chất có tổ chức. Tổ chức thể hiện khối đoàn kết dân tộc chính là Mặt trận dân tộc thống nhất. - Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên của Mặt trận dân tộc thống nhất, lại vừa là lực lượng lãnh đạo Mặt trận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc. |
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của Mặt trận thống nhất, ngày 29/5/1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) được thành lập - đây là bước phát triển mới của Mặt trận dân tộc thống nhất. Thực hiện lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt đã ra sức tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia kháng chiến, sát cánh bên nhau, đẩy mạnh mọi hoạt động, xây dựng tổ chức, phát triển lực lượng nhằm thực hiện mục tiêu chung là kháng chiến thắng lợi, giành độc lập dân tộc. Việc thống nhất Việt Minh và Liên Việt trở thành yêu cầu khách quan của kháng chiến và sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta nhằm củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Ngày 03/3/1951, Đại hội toàn quốc Mặt trận Việt Minh - Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) được tiến hành. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Liên Việt đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ góp phần củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất.
Tại Trà Vinh, sau Cách mạng tháng Tám thành công, hệ thống tổ chức Mặt trận Việt Minh - Hội Liên Việt từ tỉnh đến cơ sở không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, trong tổ chức Mặt trận Việt Minh - Hội Liên Việt đã có đại diện của mọi tầng lớp Nhân dân yêu nước, không chỉ bao gồm công nhân, nông dân, thợ thủ công, tiểu thương, học sinh… mà còn có những trí thức dân tộc (như Chăn Sa Mây, Lâm Phái, Ma Ha Sơ Thông…), những thầy thuốc, luật gia (như Bác sĩ Mạch Dùng, Bác sĩ Nguyễn Trạch, Luật sư Nguyễn Văn Trí,…) những nhà giáo (như Đốc học Đoàn Văn Sang, các thầy giáo Đỗ Văn Nại, Đỗ Xuân Quang, …và cả thành viên của các gia đình địa chủ họ Lâm, họ Trương, họ Từ, họ Tạ)…(7). Họat động của Việt Minh và các tổ chức thành viên đã có những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh như: tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia “tuần lễ vàng”, phong trào diệt “giặc đói”, “giặc dốt”, động viên con em vào bộ đội để diệt “giặc ngoại xâm”; vận động Nhân dân tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giúp đỡ bộ đội… góp phần cho cuộc kháng chiến chống Pháp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giành thắng lợi.
Với tên gọi Việt Minh (từ tháng 5/1941-3/1951), Việt Minh là một tổ chức Mặt trận tiêu biểu, hoàn chỉnh, sáng chói như một mốc son đánh dấu sự ra đời của Mặt trận dân tộc thống nhất trong cách mạng Việt Nam. Sự ra đời và hoạt động của Việt Minh gắn liền với tư tưởng, đường lối chính trị, đường lối tổ chức và hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo Việt Minh, sáng lập Mặt trận dân tộc thống nhất. Người là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc.
TRẦN BÌNH TRỌNG
(Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Trà Vinh).
1. Được xem như là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam; Văn kiện Đảng toàn tập tập 2 trang 3.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam; Văn kiện Đảng toàn tập tập 2 trang 4.
4. Tại Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam; Văn kiện Đảng toàn tập tập 7 trang 112.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam; Văn kiện Đảng toàn tập tập 7 trang 470.
7. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, Lịch sử tỉnh Trà Vinh (tập II), xuất bản năm 1999, trang 8.
Sáng 25/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để xem xét nhiều nội dung quan trọng theo thẩm quyền.