27/07/2023 11:06
Trong quyển Hồi ức - một thời để nhớ do bà Nguyễn Thị Ca, vợ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Hòa Luông (Chín Luông), ở xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè có ghi: “Nhà chúng tôi bị giặc đốt không biết bao nhiêu lần, chúng tôi ở từ ngói đến nhà tranh, từ nhà to đến nhà nhỏ, rồi nhà tạm nhưng ông (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Hòa Luông) chẳng nề hà. Nước mất thì nhà tan, chuyện ấy lẽ thường và chỉ có một con đường là đánh giặc.
Lý lẽ ấy nói ra thì thật là giản dị, nhưng có sống trong hoàn cảnh đó mới thấy hết được ý nghĩa của sự hy sinh”. Ông Nguyễn Hòa Luông cũng chính là người thầy của hai vợ, chồng nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Út (Út Tịch), người nữ anh hùng nổi tiếng với câu nói “còn cái lai quần cũng đánh”.
Năm 1943, bà Ca vừa tròn 17 tuổi và đang học nội trú tại Trường Providence ở Sóc Trăng thì được cha, mẹ gọi về để lấy chồng.
Chồng bà, ông Nguyễn Hòa Luông là con trai thứ chín trong một gia đình khá giả, nhiều ruộng, nhiều vườn nên ông sống rất thong dong, thoải mái. Cách mạng tháng Tám bùng lên, bà Ca ngạc nhiên khi thấy chồng bà đứng trong hàng ngũ cách mạng, tập hợp thanh niên, dùng tầm vông, giáo mác tập đánh du kích, ông Chín lao vào phong trào quên ăn, quên ngủ. Ông hoạt động nằm vùng tại Khu chín, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, xây dựng được phong trào, có tổ chức, có đoàn thể.
Khi cơ sở vững vàng, Ông nhận lệnh về công tác tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh với nhiệm vụ thành lập Công an xung phong; Nhà cửa rộng rãi, lúa thóc đầy bồ, heo gà đầy sân, cây trái đầy vườn, gia đình bà dang tay “bảo bọc” những người làm cách mạng. Ông cũng là người ra sức huấn luyện, dạy dỗ và giao nhiệm vụ cho cậu bé người Khmer tên Tịch làm liên lạc và cầm súng đánh trận; xin gia đình cho cô bé tên Út (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Út) gia nhập Công an xung phong với nhiệm vụ liên lạc. Chính ông cũng là người tác hợp để Út và Tịch nên duyên vợ, chồng.
Theo tài liệu của Công an Trà Vinh, xuất thân trong một gia đình khá giả thời Pháp thuộc, giao thiệp rất rộng, đặc biệt đồng chí Nguyễn Hòa Luông có cảm tình đặc biệt với Việt Minh. Rất nhiều lần, thấy những người đảng viên Cộng sản hay quần chúng trung kiên không may bị bọn Pháp bắt giam và tra tấn dã man, đồng chí Nguyễn Hòa Luông rất đau xót. Ông lén lấy tiền, vàng của gia đình để lo lót, hối lộ bọn tay sai để chúng bớt dùng nhục hình đối với những “chính trị phạm” hoặc tạo cớ giải thoát cho số quần chúng “không nguy hiểm”. Biết chuyện này, đồng chí Phan Thành Đại, đảng viên hoạt động hợp pháp ở Cầu Kè tìm đến giáo dục, giác ngộ và đưa đồng chí vào tham gia, rồi làm thủ lĩnh thanh niên tiền phong xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè.
Trong Cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8/1945, đồng chí lãnh đạo lực lượng thanh niên tiền phong tham gia nổi dậy chiếm lĩnh huyện lỵ Cầu Kè. Sang năm 1946, do yêu cầu thời cuộc, đồng chí được điều qua làm cán bộ thanh niên xung phong huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Đến tháng 02/1947, Công an xung phong huyện Cầu Kè được thành lập, đồng chí được rút về và phân công làm Trưởng Công an xung phong huyện Cầu Kè. Đồng chí rất chú trọng xây dựng đội ngũ ngày càng lớn mạnh, từ 10 đồng chí lúc mới thành lập đã phát triển lên đến 60 đồng chí; tất cả luôn trung thành với Đảng, gắn bó mật thiết với Nhân dân và chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hy sinh. Mặt khác, đồng chí có quan hệ máu thịt với quần chúng nhân dân, xây dựng được hơn 20 cơ sở ở huyện lỵ và trong hàng ngũ của địch.
Với đồng chí Nguyễn Hòa Luông, trong chiến đấu thì ông dũng cảm phi thường, khôn khéo và luôn giành chiến thắng, đồng thời bảo toàn lực lượng, bảo toàn sinh mạng và tài sản của người dân; trong diệt ác trừ gian thì “xuất quỹ nhập thần”, đánh nhanh, bất ngờ và diệt gọn. Đồng chí có tài cải trang, tùy theo từng tình huống, từng trường hợp mà không một ai nhận ra, khi thì trong vai anh “lái heo”, “chăn bò”, “cu li”...
Có lần Ông giả dạng dân chài trên sông để bất ngờ diệt gọn tên xã Sơn tàn ác nhưng lại tha bổng cho tên xã Kiết cùng đi chài chung xuồng với tên xã Sơn. Nghĩa là không phải ai làm tay sai cho Pháp, đồng chí cũng diệt. Đồng chí chỉ diệt những tên ác ôn; còn số khác thì “tranh thủ”, để cô lập, chia rẽ hàng ngũ bọn chúng hoặc làm “tay trong”... Chỉ tính trong 5 năm làm Công an xung phong Cầu Kè (1947 - 1952), đồng chí đã lãnh đạo và trực tiếp cùng đồng đội đánh thắng hơn 50 trận lớn, nhỏ, diệt gọn gần 60 tên ác ôn Việt gian, diệt và bắt sống 18 tên thực dân Pháp (có 6 tên sĩ quan), hơn 20 lần đánh sập đồn bót địch, giành lại khoảng 200 trâu, bò, heo cho bà con đã bị địch bắt, thu hàng trăm súng ống, đạn dược các loại của địch để trang bị cho lực lượng Công an xung phong và tự vệ huyện Cầu Kè. Ông còn hỗ trợ Công an xung phong huyện Trà Ôn và Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long đánh thắng hàng chục trận lớn, nhỏ, bắt sống gần 100 tù binh và thu của địch hàng trăm súng các loại... Với biệt danh “ông Thần Luông” nói lên tinh thần quả cảm, gan dạ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Hòa Luông.
Bà Nguyễn Thị Ca trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với liệt sĩ Nguyễn Hòa Luông. Ảnh tư liệu
Tháng 02/1950, Huyện ủy Cầu Kè ra lệnh cho Ông và Công an xung phong thực hiện nhiệm vụ giải thoát đồng chí Đinh Công Thành, là cán bộ binh vận huyện bị bọn địch giam tại huyện lỵ và sắp đem ra tử hình. Đó là một nhiệm vụ cực kỳ phức tạp và nguy hiểm. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau, ông đã có kế hoạch “cướp tù” chu toàn. Mọi diễn biến đúng theo kế hoạch, với sự yểm trợ của đồng đội, Ông một mình một súng giữa chợ huyện Cầu Kè bắn vào căn cứ địch, hai mũi khác gồm Công an xung phong huyện và dân quân địa phương đồng loạt nổ súng tấn công. Bọn địch bị bất ngờ nên lúng túng co cụm trong căn cứ. Chúng hoàn hồn thì đồng chí Thành đã phóng xuống sông và leo lên xuồng chài của hai cán bộ Công an xung phong để về khu giải phóng an toàn.
Sáng ngày 20/02/1952, có 02 đại đội lính Pháp mở cuộc càn quét vào vùng căn cứ ở xã Tam Ngãi. Sau khi tổ chức phòng thủ và phản công, Huyện ủy Cầu Kè chỉ đạo Công an xung phong phải chặn bước tiến của địch tại bờ sông Tam Ngãi, và phân công đồng chí Dương thay đồng chí Luông chỉ huy Công an xung phong. Bởi đồng chí Nguyễn Hòa Luông đang bị cảm nặng, sức khỏe yếu nhưng ông một mực xin ra chiến đấu bởi đây là trận đánh vô cùng quan trọng, quyết định sự an nguy của Đảng bộ địa phương, đồng chí Dương mới được tăng cường về, chưa quen địa hình, chưa hiểu rõ cách đánh của địch ở đây, cũng như tính nết của lực lượng Công an xung phong... Huyện ủy Cầu Kè đành chấp thuận ý kiến đề nghị trên.
Trận đánh diễn ra ác liệt từ 08 giờ sáng đến 16 giờ chiều, 02 đại đội của địch không thể qua được sông trước sự chiến đấu ngoan cường của gần 02 trung đội Công an xung phong Cầu Kè và lực lượng dân quân xã Tam Ngãi dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Hòa Luông. Bọn địch bất ngờ dùng ghe lớn vượt sông và tập trung hỏa lực yểm trợ rất mạnh. Trước tình huống đó, đồng chí Luông trườn mình tới ẩn vào bụi dừa nước ven sông rồi dùng lựu đạn đánh chìm chiếc ghe chở bọn địch, diệt hơn 10 tên. Chúng lúng túng trước đòn tấn công táo bạo đó nên huy động hỏa lực trút đạn như mưa về hướng đồng chí Luông, rồi kéo nhau bỏ chạy vì đã bị tiêu hao quá nhiều lực lượng. Và, trong làn mưa đạn của địch, đồng chí Nguyễn Hòa Luông đã anh dũng hy sinh.
Trở lại với quyển Hồi ức của bà Nguyễn Thị Ca, bà ghi “Tôi hai mươi sáu tuổi đã quấn tang chồng. Tuổi thanh xuân của chúng tôi đã đi qua trong chiến tranh rồi dừng lại mãi mãi ở đó… Ngày 28/8/1998, ông được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tiểu sử và thành tích của ông một lần nữa được trang trọng đọc lên. Đã một lần như thế cách đó 46 năm, lần ấy chan hòa nước mắt trong lễ truy điệu và an táng ông vội vã trong đêm. Lần thứ hai cũng chan hòa nước mắt nhưng thêm vào đó là niềm tự hào, hãnh diện. Giờ đây, ông được nằm trong nghĩa trang liệt sỹ, bên cạnh vợ chồng Út - Tịch, hai đồng đội năm xưa và cũng là học trò của ông”.
Tác giả chụp ảnh cùng cô Nguyễn Thị Nhạn, con gái Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Hòa Luông.
Bà Nguyễn Thị Ca, vợ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Hòa Luông vì tuổi cao đã qua đời cách đây vài năm nhưng mỗi lần đến thăm gia đình, thắp nén hương tưởng nhớ ông, bà và trò chuyện cùng cô Nguyễn Thị Nhạn là con gái lớn và trực tiếp thờ cúng ông, bà, người mà bà đã từng bế trên tay để chạy giặc biết bao phen.
Với giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp và đầy yêu thương, những câu chuyện về ông, bà Chín làm cho chúng tôi như được sống trong những ngày, tháng lịch sử hào hùng theo từng dòng ký ức về người Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Hòa Luông.
MỘNG TUYỀN
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.