13/07/2023 14:01
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Đại hội.
Ngày 12/7, tại Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu khóa V (nhiệm kỳ 2023 - 2028). Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.
Nhìn lại chặng đường qua của Hội Xuất bản Việt Nam, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương biểu dương những kết quả mà Hội và toàn thể đội ngũ những người làm xuất bản trong cả nước đã đạt được. “Những kết quả công tác và thành tích mà Hội Xuất bản Việt Nam đạt được là rất đáng trân trọng, góp phần quan trọng cho sự phát triển của ngành xuất bản. Đảng và Nhà nước đánh giá cao hoạt động và những đóng góp của Hội Xuất bản Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận: Trong suốt 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành xuất bản Việt Nam đã có những đóng góp hết sức quan trọng, đưa nước ta từ một quốc gia thiếu sách vào những năm trước giờ đã vươn lên phát triển cả về quy mô, công nghệ, trình độ, năng lực ngang tầm khu vực với hệ thống 57 nhà xuất bản, trên 450 triệu bản sách/năm, đưa mức bình quân sách/đầu người đạt 6 bản sách/người/năm; Hội đã tập hợp, đoàn kết, động viên, hướng dẫn hội viên phát huy tài năng, trí tuệ, tâm huyết, sáng tạo, thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình trong tuyên truyền, phổ biến, vận động thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và triển khai công tác của ngành; từng bước nâng cao chất lượng và uy tín thông qua Giải thưởng Sách Quốc gia; tham mưu, tác động tích cực cho việc hình thành các chủ trương, chính sách góp phần phát triển hoạt động ngành xuất bản và nâng cao văn hoá đọc trong cộng đồng...
Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa 5.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa gợi mở một số vấn đề để trong thời gian tới Hội Xuất bản Việt Nam có thể khẳng định, nâng cao vị trí, vai trò của mình, trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Trong đó, đồng chí nhấn mạnh, ngành xuất bản và Hội Xuất bản Việt Nam cần nắm vững, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; có những giải pháp, biện pháp cụ thể, mạnh mẽ, khả thi để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống; Hội Xuất bản Việt Nam cần tiếp tục triển khai việc thực hiện Kết luận số 102-KL/TW, ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị và Thông báo Kết luận số 158-TB/TW, ngày 02/01/2020 của Ban Bí thư khóa XII về việc tiếp tục thực hiện kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới.
Đồng thời, đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng hóa các nội dung hoạt động phù hợp trong bối cảnh thời đại 4.0, ngành xuất bản phải triển khai hiệu quả việc chuyển đổi số, tiếp tục phát triển và thích ứng với thế giới số hóa ngày càng phát triển; góp phần thực hiện thắng lợi một trong ba đột phá chiến lược của phát triển đất nước mà Đại hội XIII đề ra; Chú trọng triển khai nhóm nhiệm vụ gắn với yêu cầu về phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số trên cơ sở nhận thức văn hóa đọc là giải pháp căn bản, chuyển đổi số là giải pháp đột phá, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc. Tích cực, chủ động triển khai các giải pháp để đưa Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4 hằng năm và Giải thưởng Sách Quốc gia lan tỏa, trở thành sự kiện văn hóa nổi bật, không chỉ trong lĩnh vực xuất bản mà trong các hoạt động văn hóa...
Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của Hội, đáp ứng bước phát triển nhanh của xuất bản và vị thế mới của Hội Xuất bản hiện nay; Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong Hội Xuất bản Việt Nam và trong các nhà xuất bản, công ty phát hành sách theo tinh thần của Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bằng những chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, sát hợp với thực tế, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng và phát triển Hội...
Các đại biểu dự Đại hội.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ tưởng rằng, sau Đại hội này, những cán bộ, hội viên, những người làm công tác xuất bản sẽ có nhận thức mới, khí thế mới, tạo đà phát triển ngành xuất bản nước ta hiệu quả hơn. Hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam sẽ có nhiều đổi mới, nâng tầm, bứt phá hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Theo đó, đồng chí Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, làm Chủ tịch hội. Phó Chủ tịch Hội gồm các đồng chí: Đỗ Quang Dũng (Nguyên Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật); Nguyễn Nguyên (Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành); Tống Văn Thanh (Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương); Đinh Thị Thanh Thủy (Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh).
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa chúc mừng Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Phát biểu bế mạc Đại hội, tân Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Phạm Minh Tuấn khẳng định Ban chấp hành nhiệm kỳ mới sẽ nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí, đổi mới hoạt động, chung sức, chung lòng, vì một nền xuất bản cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
"Trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, Hội Xuất bản Việt Nam chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng Hội vững mạnh. Hội Xuất bản Việt Nam cũng thúc đẩy, tạo điều kiện để các công ty phát hành sách, công ty công nghệ có cơ chế tham gia, đóng góp các ý tưởng, sáng kiến, thành tựu, tạo sự đột phá mạnh mẽ cho ngành xuất bản", đồng chí Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh.
Theo dangcongsan.vn
Chiều 29/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ ra mắt Nền tảng Sách, báo điện tử thiết yếu phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo về thông tin, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025.