15/04/2024 09:13
Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai để quân ta chớp thời cơ, xông lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam, giành thắng lợi trong trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Người anh hùng lấp lỗ châu mai
Đồng chí Phan Đình Giót sinh năm 1922, dân tộc Kinh, quê ở xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí tham gia lực lượng tự vệ chiến đấu.
Năm 1950, Phan Đình Giót xung phong vào bộ đội chủ lực và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí đã tham gia nhiều chiến dịch lớn, như: chiến dịch Trung Du, chiến dịch Hoà Bình, chiến dịch Tây Bắc và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận đánh nào, đồng chí cũng nêu cao tinh thần quả cảm, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Mới ba tháng tuổi quân, Phan Đình Giót đã tham gia chiến đấu ở Đường 18 trong trận đánh đồn Tràng Bạch. Cuộc chiến đấu diễn ra gay go, ác liệt. Tiêu diệt xong lô cốt số một, bị thương nặng, cấp trên cho phép lùi về hậu phương, nhưng đồng chí vẫn xin ở lại, tiếp tục làm tròn nhiệm vụ cho đến khi trận đánh kết thúc.
Cuối năm 1950 trong trận Chùa Tiếng, Phan Đình Giót dũng cảm xung phong, một mình bò lên đánh bộc phá phá sập lô cốt địch, rồi ném lựu đạn tiêu diệt nhiều tên địch, tạo điều kiện cho đơn vị chiến thắng.
Mùa đông năm 1953, đồng chí tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc ấy, Phan Đình Giót là Tiểu đội phó bộ binh Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, đã cùng đồng đội hành quân cấp tốc lên Tây Bắc. Đồng chí cùng đồng đội hành quân gần 500km, vượt qua nhiều đèo, dốc núi, mở đường kéo pháo, gương mẫu động viên đồng đội.
Đặc biệt, ngày 13/3/1954, trong trận đánh cứ điểm Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 312 đồng loạt tấn công vào cứ điểm Him Lam. Phan Đình Giót cùng các chiến sĩ Đại đội 58 được lệnh dùng bộc phá phá rào 8 lần để mở cửa lô cốt. Khi đơn vị xung phong mở đánh vào trung tâm thì bị địch trong lô cốt bắn trả dữ dội. Phan Đình Giót đánh quả bộc phá thứ 9 thì bị thương vào đùi, nhưng vẫn xung phong đánh quả bộc phá thứ 10. Địch tập trung hỏa lực bắn dữ dội, đồng đội bị thương vong nhiều. Căm thù giặc cao độ, Phan Đình Giót lao lên đánh tiếp hai quả bộc phá nữa, phá toang đoạn rào cuối cùng để bộ đội xông lên đánh sập lô cốt của địch.
Lợi dụng thời cơ quân địch hoang mang, Phan Đình Giót vượt lên áp sát lô cốt số 2 ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho đơn vị tiến lên và tiếp tục bị thương vào vai mất rất nhiều máu. Trong lúc đó, hỏa điểm của địch từ lô cốt số 3 bất ngờ xuất hiện bắn mạnh vào đội hình của quân ta. Phan Đình Giót cố gắng bò lên nhích dần đến lô cốt này, dùng hết sức mình nâng tiểu liên bắn mạnh vào lỗ châu mai, miệng hô to: “Quyết hy sinh vì... Đảng vì... dân!", rồi rướn người lấy đà lao cả thân mình bịt kín lỗ châu mai, dập tắt hỏa lực của địch, tạo điều kiện cho đơn vị xông lên như vũ bão, tiêu diệt cứ điểm Him Lam.
Đồng chí Phan Đình Giót đã hy sinh anh dũng lúc 22 giờ 30 phút ngày 13/3/1954.
Ngày 31/8/1955, đồng chí Phan Đình Giót được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân theo Quyết định số 714/SL.
Tưởng nhớ anh hùng Phan Đình Giót
- Hiện nay, chiếc bi đông và khẩu súng kỷ vật của đồng chí Phan Đình Giót được gìn giữ tại Bảo tàng Quân đoàn 1.
- Để tưởng nhớ người anh hùng lấp lỗ châu mai, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đều có các đường phố mang tên Phan Đình Giót.
[Nguồn: Chân dung anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 177; Chuyện kể Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr. 191, 192]
Theo baotintuc.vn
Sáng 25/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để xem xét nhiều nội dung quan trọng theo thẩm quyền.